Mỗi năm ĐBSCL lún từ 1 – 3cm và tốc độ ngày càng tăng là thông tin được cảnh báo tại Hội thảo Sụt lún đất tại ĐBSCL vừa được Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức tại Cần Thơ ngày 22/11.
Sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Hà Lan, đại diện một số Bộ, ngành TW và các tỉnh, thành ĐBSCL. Đây là hội thảo trong khuôn khổ Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ.
TS Tim McGranth, Giám đốc Chương trình FPP-GIZ, giới thiệu những số liệu được Liên minh châu Âu thu thập và xử lý cho thấy ĐBSCL đang lún dần |
Tại hội thảo, đại diện GIZ cho rằng, tình hình sụt lún khu vực đô thị ĐBSCL xảy ra hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2 – 4cm/năm; khu vực nông thôn sụt lún ở mức 1cm/năm. Ngoài ra, một số nơi ngập úng trở nên nghiêm trọng và tần suất thường xuyên hơn, đặc biệt nơi địa hình thấp.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên nhân sụt lún phần lớn đến từ khai thác sử dụng nước ngầm quá mức. Tốc độ lún cao hơn nhiều so với tốc độ nước biển dâng trên toàn cầu (chỉ vài milimet/năm). Hiện, ĐBSCL chỉ cao 1- 2m so với mực nước biển. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.
TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng nhận định: “ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi sụt lún đất |
Bên cạnh đó, ĐBSCL đang biến đổi do nhiều nguyên nhân như: biến đổi khí hậu, phá rừng, công nghiệp hóa và xây đập thủy điện, đô thị hóa… Điều này đang đe dọa và ảnh hưởng đến việc sản xuất nông, thủy sản trong khi ĐBSCL là vựa lúa chủ lực của cả nước.
TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng nhận định: “ĐBSCL là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì sụt lún đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy cho vùng đất này”.
Nhiều đề xuất giảm thiểu sụt lún
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nguyên nhân gây sụt lún. Những nội dung này đều nêu bật tính cấp thiết của vấn đề đòi hỏi những người có thẩm quyền ra quyết định phải hành động để giảm thiểu sụt lún đất, xác định các giải pháp thích ứng và sống chung với sụt lún đất.
TS Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Phát triển Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho biết: Sụt lún đất cùng với các hiện tượng khác của biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến sản xuất của nông dân ĐBSCL |
Các chuyên gia Việt Nam, Đức và Hà Lan đã đưa ra nhiều đề xuất để giải quyết vấn nạn cấp bách này. TS Tim McGranth, Giám đốc Chương trình FPP-GIZ đã đề xuất với các nhà hoạch định chính sách 4 nhóm giải pháp để giảm thiểu sụt lún đất. Trong đó, việc lồng ghép các hoạt động thích ứng với sụt lún đất vào khung pháp lý và chính sách là giải pháp hàng đầu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Sụt lún ĐBSCL chụp ảnh lưu niệm |
Ở góc độ của một chuyên gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, TS Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Phát triển Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho biết, sụt lún đất cùng với các hiện tượng khác của biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến sản xuất của nông dân ĐBSCL.
“Giải pháp công trình thì phát sinh chi phí rất lớn nên trước mắt, ngành Nông nghiệp cần khuyến khích nông dân áp dụng giải pháp sinh học (chọn giống thích nghi chịu được mặn, hạn, ngập úng) và giải pháp canh tác (thay đổi giống cây trồng vật nuôi, hệ thống canh tác, điều chỉnh lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác)”, TS Đệ chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác cũng đã được các chuyên gia đề cập tới nhằm giảm thiểu khai thác nước ngầm như: hướng dẫn áp dụng thiết kế hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững; áp dụng công nghệ vào quản trị về sụt lún đất…
Một điểm sạt lở tại kè Gành Hào thuộc địa phận thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt là các biện pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm nước và hạn chế khai thác quá mức nước ngầm ở tầng sâu; tăng cường đầu tư cho xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Phát triển hình thức BOT để thu hút khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng các nhà máy xử lý nước; có thể điều chỉnh quy trình sản xuất của các ngành công nghiệp và nuôi tôm thâm canh để giảm đáng kể việc sử dụng nước ngầm.