Những người bị khởi tố, truy tố sai cần phải được xin lỗi và bồi thường luôn là vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng họ mà còn là trách nhiệm bảo vệ công lý và sự công bằng của Nhà nước.
Trong lần bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư của năm năm 2010, Ban Tổ chức đã tặng danh hiệu Vụ việc tiêu biểu cho một vụ việc từng xôn xao dư luận với cái tên “vụ án Phùng Thị Thu”. Vụ án mà người ta chứng kiến tận cùng nỗi đau của một công dân bị hàm oan và sự vô trách nhiệm của những cơ quan gây oan sai.
|
Các Luật sư nhận danh hiệu “Luật sư của công chúng”. |
Bà Phùng Thị Thu, nữ doanh nhân bị đẩy vào cảnh tan cửa, nát nhà phải sống qua ngày và nuôi người con gái bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông bằng nghề rửa bát thuê tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội do các quyết định tố tụng trái pháp luật gây ra. Ai đã gặp bà trong căn phòng tồi tàn mà bà cùng cô con gái thuê trọ để sống qua ngày trong những ngày và rửa bát thuê vừa đi kêu oan mới thấy được tận cùng nỗi đau của một nữ chủ doanh nghiệp đầy triển vọng của tỉnh Thái Bình.
Gần 15 năm trước, bà Thu là Giám đốc Xí nghiệp May xuất khẩu Thành Công của tỉnh Thái Bình với hàng trăm công nhân, có lúc nghìn lao động. Xí nghiệp này có ký hợp đồng may gia công với cty của Đài Loan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, bà Thu lấy nguyên liệu đã nhận hợp đồng gia công cho cty này đem đi bán để gán nợ. Đến thời hạn giao hàng do chưa thực hiện đủ hợp đồng, dẫn đến tranh chấp.
Cùng với việc tranh chấp này, các khoản tiền mà bà Thu vay của ngân hàng có thế chấp bằng tài sản là dây chuyền may cũng không trả được nợ. Lúc đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khám xét xí nghiệp và phát hiện thêm một quả lựu đạn giả (vỏ nhựa, lõi cát). Bà Thu bị khởi tố, bắt tạm giam với các tội danh lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Quá trình điều tra, xét xử kéo dài từ năm 1998 đến 2000, bà Thu được xác định là không phạm các tội danh trên vì những việc xảy ra tại Xí nghiệp may của bà là tranh chấp dân sự, không cấu thành tội phạm như truy tố. Bên cạnh đó, quả lựu đạn nhựa vốn là dụng cụ tập quân sự, không phải là vũ khí quân dụng nên bà Thu cũng không phạm tội tàng trữ trái phép vũ khí. Cả 5 tội danh mà bà Thu bị khởi tố đều không thể thành án.
Tháng 3/2004, VKSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và đình chỉ các tội danh đã truy tố đối với bà Thu. Nhưng thay vì căn cứ việc bà Thu không phạm tội, VKS phải xin lỗi và bồi thường oan sai thì VKSND tỉnh Thái Bình lại áp dụng quy định về miễn trách nhiệm hình sự để đình chỉ vụ án. Có nghĩa là bà Thu vẫn có tội nhưng được VKSND… tha.
VKS tỉnh Thái Bình trả lại tự do cho bà Thu bằng một ân huệ là “tha miễn tội” trong khi thực tế việc bắt giam, truy tố đối với bà Thu là trái pháp luật. Với các quyết định đình chỉ này, VKS đã lẩn tránh trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm của cơ quan này đối với việc gây oan sai đối với công dân. Không đồng ý, bà Thu tìm đến luật sư và các cơ quan truyền thông để đấu tranh đòi lại quyền lợi hợp pháp. Bà đã sống những ngày cơ cực bằng nghề rửa bát thuê với quyết tâm theo đuổi công lý đến hơi thở cuối cùng. Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các luật sư, năm 2009, VKSNDTC đã có quyết định hủy bỏ quyết định “tha miễn tội” của VKSND tỉnh Thái Bình, yêu cầu cơ quan này đình chỉ vụ án theo đúng pháp luật là căn cứ vào việc bà Thu không phạm tội, đồng thời phải xin lỗi và bồi thường cho nữ doanh nhân chịu cảnh đau khổ hơn 1 thập kỷ do quyết định khởi tố, bắt giam oan.
Vụ việc trở thành tâm điểm của dư luận và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của cá nhân bà Thu cũng như luật sư của bà. Ban Tổ chức bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư của năm đã vinh danh vụ việc là “Vụ việc của năm” bởi các lý do:
Thứ nhất, đây là vụ việc điển hình trong đấu tranh đòi bồi thường oan sai của công dân. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2003, có rất nhiều công dân đã mắc cảnh tù tội oan do nhận thức hạn chế của cơ quan tố tụng các địa phương. Những tranh chấp dân sự bị biến thành tội phạm đã trở nên rất phổ biến. Nhưng khi phát hiện ra việc làm trái pháp luật của mình thuộc đối tượng phải xin lỗi và bồi thường cho công dân, các cơ quan gây oan sai đã lợi dụng Điều 25 Bộ Luật hình sự về miễn trách nhiệm hình sự để đình chỉ vụ án và “tháo chạy” và chối bỏ trách nhiệm gây oan sai. Việc bà Thu đòi lại được công bằng là một vụ việc điển hình cho sự đấu tranh kiên quyết để bảo vệ công bằng trước sự vô trách nhiệm của các cơ quan gây oan sai.
Thứ hai, tình trạng gây oan sai cho công dân hiện vẫn là điểm nóng trong các khiếu nại, tố cáo. Vấn đề hình sự hóa quan hệ dân sự đang tái bùng phát trở lại với nhiều vụ án oan sai tiếp tục được phanh phui và tình trạng lợi dung Điều 25 Bộ luật Hình sự làm bình phong che đậy các quyết định gây oan sai vẫn đang rất nhức nhối. Những vụ án như Vũ Đắc Lý, Nguyễn Văn Lượng, Đỗ Thị Hà… vẫn là những điểm nóng thời sự của vấn đề này cần phải được giải quyết đúng pháp luật. Vụ việc nhắc nhở các cơ quan tố tụng thận trọng và có trách nhiệm đối với quyết định khởi tố cũng như đình chỉ vụ án để không gây oan sai và thiệt hại cho công dân.
Thứ ba, vụ việc có vai trò và trách nhiệm rất lớn của các luật sư. Trong lúc bà Thu rơi vào cảnh khánh kiệt, luật sư vẫn ở bên bà với những trợ giúp không lợi nhuận để đấu tranh vì sự công bằng của xã hội, bảo vệ những con người đau khổ để họ tìm lại được công lý và hạnh phúc.
Những lưu ý khi lập báo cáo đề nghị xét tặng danh hiệu Báo cáo đề nghị xét tặng danh hiệu và những yêu cầu về hồ sơ đã được Ban Tổ chức hướng dẫn trong tài liệu gửi các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư. Ban Tổ chức lưu ý các yêu cầu cụ thể sau: 1. Đối với mỗi danh hiệu, tổ chức và cá nhân đề nghị xét tặng phải lập thành một hồ sơ. Trong hồ sơ xin xét tặng danh hiệu cần có đủ các tài liệu yêu cầu của Ban Tổ chức. 2. Đối với các hồ sơ có yêu cầu báo cáo về vụ việc tiêu biểu, các tổ chức và cá nhân xin xét tặng danh hiệu có thể báo cáo nhiều vụ việc (mỗi vụ việc được lập thành một báo cáo). Số lượng vụ việc tiêu biểu càng nhiều thì sẽ có ưu thế trong việc cạnh tranh danh hiệu xin xét tặng. |
Bình Minh