Nhiều yếu kém trong quản lý nhà tái định cư tại Hà Nội được Thường trực HĐND thành phố chỉ rõ, như tình trạng chậm cấp sổ đỏ, quản trị nhà tái định cư…
Ảnh minh họa. |
Hàng ngàn căn hộ tái định cư chưa có sổ đỏ
Theo thông tin từ Cty TNHH nhà nước MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – đơn vị được giao quản lý quỹ nhà của thành phố, còn hơn 4.000 căn hộ trong tổng số hơn 9.427 căn nhà tái định cư (TĐC) đã bàn giao cho người dân nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) do nhiều vướng mắc.
Ngoài nguyên nhân việc thụ lý giải quyết của nhiều quận huyện rất chậm, thì tất cả các hợp đồng của những nhà TĐC chưa được cấp sổ đỏ nói trên đều không rõ ràng về diện tích sở hữu chung - riêng dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện.
Hầu hết trong 149 toà nhà TĐC đều chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị, từng bước nâng cao chất lượng quản lý và minh bạch các khoản thu chi...
Tình trạng chậm sửa chữa thang máy, hệ thống điện nước và dịch vụ cho công trình, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Điều này liên quan đến khoản tiền 2% phí bảo trì được trích từ tiền bán nhà, Cty Quản lý và Phát triển nhà cho biết, số tiền này đã được thu vào ngân sách khi bán nhà, nhưng vẫn chưa được chuyển về để phục vụ người dân.
HĐND thành phố cũng yêu cầu sở ngành liên quan xem xét lại việc sử dụng tiền cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, việc áp dụng các quy định của thành phố về giá trông giữ xe, phí quản lý các loại dịch vụ với quỹ nhà này...
Phải chủ động tháo gỡ vướng mắc, không thể chỉ ngồi chờ
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, còn nhiều vướng mắc trong quản lý quỹ nhà TĐC là do quá trình đầu tư xây dựng quỹ nhà này kéo dài nhiều năm, có rất nhiều thay đổi, thậm chí mâu thuẫn về cơ chế chính sách, như trong một toà nhà TĐC tồn tại cả sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, quỹ nhà lại được đầu tư bằng vốn ngân sách, nhiều dự án giải phóng mặt bằng cả chục năm mới xong.
Nhiều quy định của Bộ Xây dựng về quản lý nhà chung cư bộc lộ nhiều bất hợp lý. Vì quỹ nhà TĐC của thành phố gồm nhiều loại nhà, nhiều đối tượng, nhiều vướng mắc, nên chưa thể áp dụng mức phí dịch vụ như nhà ở thương mại. “Nhằm nâng cao chất lượng quản lý sau đầu tư, sẽ thực hiện cơ chế cạnh tranh trong quản lý” – ông Tuấn khẳng định – “Cty nào quản lý tốt mới được giao”.
“Sở Tài chính, Cty Quản lý và Phát triển nhà, Sở Xây dựng... cần khẩn trương tìm biện pháp tháo gỡ, tìm mô hình quản lý phù hợp cho quỹ nhà TĐC” - bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu – “Có tới 16,6% dân cư Hà Nội đang sống trong chung cư, nhà TĐC. Nếu quy định của Bộ Xây dựng chưa phù hợp thì thành phố phải tháo gỡ chứ không thể ngồi chờ hay buông xuôi được”.
Cách đây ít ngày, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở TĐC trên địa bàn thành phố đến năm 2020, theo đó Hà Nội sẽ chi 2.300 tỷ đồng xây dựng nhà TĐC cho người dân phải di dời phục vụ các dự án.
Từ nay đến 2015 sẽ có 53 dự án xây dựng nhà ở TĐC với quy mô 14.054 căn. Đồng thời nhằm tạo chỗ ở tốt nhất cho người dân phải di dời trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cũng sẽ triển khai xây dựng 16 khu nhà TĐC mới. Với các dự án nhà ở thương mại, UBND thành phố cũng sẽ tổ chức mua lại quỹ nhà ở 30%, 50% hoặc quỹ nhà ở kinh doanh để chuyển sang làm nhà TĐC phục vụ cho dự án.
Tuấn Nguyễn