Những ngày qua, một trong những thông tin “nóng” nhất trên các sàn giao dịch bất động sản, giới đầu tư nhà cửa là chủ đề Bộ Xây dựng đưa ra ý tưởng bán nhà chung cư có thời hạn.
Trong bối cảnh hàng triệu người dân đã và đang có nhu cầu mua nhà, thông tin này thực sự là vấn đề cực kỳ đáng quan tâm với người dân. Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, ý tưởng này đã gặp phải khá nhiều sự nghi ngại từ người dân và các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai.
Số tiền hàng tỷ đồng mỗi gia đình chắt chiu hàng chục năm bỏ ra để mua được một căn hộ chung cư có thể "bốc hơi" nếu ý tưởng nhà chung cư có thể chỉ… được thuê có hiệu lực. Thông tin gây sốc này vừa được Bộ Xây dựng đưa ra khiến nhiều người dân lo ngại.
"Khoá tuổi" nhà vì... khó quản
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng đưa ra, những khó khăn, vướng mắc của việc cải tạo những khu nhà chung cư, những khu tập thể cũ nát đã làm đau đầu không ít nhà quản lý, quy hoạch về nhà ở. Những khu nhà xập xệ, cơi nới tuỳ tiện không những ảnh hưởng xấu đến mỹ quan thành phố mà còn không đảm bảo an toàn cho người dân sống trong chính những căn hộ cũ kỹ đó.
Luật Đất đai, Luật Sở hữu nhà ở... đã công nhận quyền sở hữu nhà chung cư cho người mua. Chính điều này đã tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý về nhà ở, khu đô thị.
Cũng theo quan điểm của Bộ Xây dựng, hàng loạt các chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương đều đánh giá công đoạn giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân trong những dự án xây dựng là công việc đầy khó khăn, ngốn đến ẵ thậm chí 1/3 tổng số tiền đầu tư của dự án. Do vậy, đề xuất chỉ cho sở hữu nhà chung cư có một thời hạn nhất định, trước hết là để giảm bớt khó khăn trong việc cải tạo nhà chung cư, xây dựng mới đồng bộ các công trình của thành phố.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Duy Thắng Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Đưa ra đề xuất này thực tế là học tập ở các nước bạn. Một công trình bao giờ cũng phải có thời hạn, không có cái gì là vĩnh cửu. Đề xuất này sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh quy hoạch và xây dựng được đồng bộ hơn.
Cũng theo ông Thắng, khó khăn nhất của việc quy định chung cư có thời hạn là quyền sở hữu. Đất đai, nhà cửa cũng là một loại hàng hoá, hàng hoá có giá cả tương thích với giá trị của nó nên một căn hộ có quyền sở hữu trong vòng 50 năm sẽ có giá rẻ hơn một căn hộ có quyền sở hữu vĩnh viễn. Đây là hình thức gần với hình thức thuê mua nhà ở. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu của nhà chung cư có thời hạn thì phải đi kèm với rất nhiều quy định.
"Đây mới chỉ là những ý tưởng, đề xuất chưa được chính thức hoá và cần sự bàn thảo của rất nhiều ban ngành liên quan cũng như nhân dân và quyết định của Chính phủ cũng như Quốc hội. Trong pháp luật nên có những ý tưởng mới, để tạo điều kiện thực thi pháp luật và phục vụ nhân dân tốt hơn. Quá trình hoàn thiện về hành lang pháp lý tới thời điểm này là tương đối đủ rồi, nhưng ngược lại sẽ không bao giờ là đủ bởi tốc độ phát triển kinh tế, xã hội là rất lớn", ông Thắng nhấn mạnh.
Người dân lo ngay ngáy
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thông tin trên, nhiều chuyên gia cũng như người dân đã bắt đầu tỏ ra lo lắng bởi thực tế không phải ai cũng có điều kiện để mua một căn nhà, vì thế khi mua được nhà thường luôn mong muốn nó sẽ thuộc sở hữu vĩnh viễn, để lại cho con cháu sau này. Sẽ ra sao nếu tích cóp bao năm mới mua được một căn nhà để 50 năm sau cả gia đình lại không biết mình sẽ đi đâu, về đâu? Các chung cư đã giao rồi thì xử lý như thế nào, và quyền lợi nguời dân sẽ được giải quyết ra sao?
Chị Minh (ngõ 211, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Một người làm công ăn lương như chúng tôi tích góp cả đời cộng với vay mượn, mong muốn mua được 1 cái nhà làm tài sản cho mình, rồi để lại cho con cái sau này. Nếu nhà chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn, thì chúng tôi rất băn khoăn và sẽ quay ra lựa chọn mua một mảnh đất để có thể sở hữu một cách vĩnh viễn.
Chẳng ai muốn bỏ ra một đống tiền để mua nhà nhưng sau vài chục năm lại bị thu hồi lại". Theo tính toán của chị Minh, nếu chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn nhất định, thì thực chất đây chỉ là hình thức thuê nhà với giá cao mà người sử dụng phải trả tiền một cục. Tâm lý của người dân luôn coi nhà ở là một tài sản cũng như một khoản đầu tư, tích góp, mặt khác nó còn mang ý nghĩa lưu giữ truyền thống gia đình. Khi quy định này được đưa vào thực tế, những giá trị đó, vô hình chung bị mất đi. Có thể đây là điều mà những nhà hoạch định chưa tính đến.
Anh Ngọc Anh (hiện đang thuê nhà ở Linh Đàm trong khi chờ gom tiền tậu 1 căn nhà chung cư để gia đình ở cho ổn định) cho biết: "Bản thân tôi là người đang có nhu cầu mua một căn hộ chung cư. Nếu như chung cư chỉ được sở hữu trong 50 năm, tôi thà tiếp tục thuê nhà và dành dụm để cố mua được một mảnh đất mà mình sở hữu vĩnh viễn, cho dù giá mua đất đắt hơn nhiều lần so với việc mua một căn chung cư. Theo tôi, tâm lý chung của người dân là an cư thì mới lạc nghiệp. Mua một căn nhà nhưng thực chất là đi thuê sẽ làm cho người dân thấp thỏm, đếm ngược thời gian để lo sợ một ngày nào đó mình phải trắng tay".
Là một trong số những người có nhu cầu chuyển đổi căn nhà đang ở để mua 3 căn chung cư cho 3 người con, nhưng thông tin này khiến cho bà Thủy (ô Chợ Dừa, Hà Nội) lưỡng lự: Nên hay không? Bà Thủy chia sẻ: "Tôi muốn cho mỗi đứa con một phần tài sản của bố mẹ, để chúng có chỗ ở lâu dài và yên tâm công tác. Giờ bán nhà dưới đất, mua nhà trên giời để rồi mấy chục năm nữa chỉ còn con số không, như thế là không hợp lý".
Một số người dân nằm trong diện thu hồi đất trong nhiều dự án đều có chung băn khoăn: Khi nhà nước thu hồi đất ở của chúng tôi nhưng lại đền bù bằng nhà tái định cư trong các khu chung cư. Đương nhiên, nếu quy định được ban hành, thì người dân cũng phải chấp nhận và họ lại càng thiệt thòi hơn bao giờ hết.
Một chính sách, sửa... nhiều luật?
ông Phùng Văn Nghệ, Tổng cục Trưởng Cục Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết: "Việc này hiện tại còn đang phải bàn nên chưa thể đánh giá hết được mức độ khả thi của nó. Trên thế giới nhiều quốc gia đã làm như vậy, ngay Trung Quốc cũng quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ cho 60 - 70 năm thôi.
Đây là một chính sách có mức độ ảnh hưởng lớn đến xã hội nên quan trọng là phải ngồi lại bàn với nhau để có một cái nhìn thấu đáo. Hiện tại, Bộ TN&MT cũng đã nhận được đề xuất xây nhà chung cư cũng cần có thời hạn. Nhưng từ việc đề xuất đến thực tế để đưa ra quyết định vẫn phải tính toán kĩ lưỡng chứ không phải đưa ra là xong. Chính sách đất đai là một vấn đề lớn và hết sức nhạy cảm, nhất là trong thời điểm này".
Cũng theo ông Nghệ, thực tế cũng có ý kiến lo ngại trước chính sách này đưa ra, người dân sẽ đổ xô mua nhà trước thời điểm quy định gây bất ổn cho thị trường, vì thế mỗi thông tin đưa ra đều cần xem xét kỹ lưỡng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Đặng Hùng Võ còn cho rằng: "Nếu thực hiện ý tưởng này với khung pháp lý hiện tại là mâu thuẫn nên trước khi thực hiện phải sửa đổi Luật đất đai, Luật sở hữu nhà ở rồi từ đó mới có thể thực thi được quy định mới".
ông Trương Xuân Liêm (Giám đốc Công ty BĐS Hà Nội Home) cho biết: "ý tưởng nghe thì có vẻ hay, nhưng thiệt thòi đầu tiên thuộc về người dân bởi người dân thường có tâm lý sở hữu căn nhà vô thời hạn chứ không muốn sống trong những căn nhà thuê mướn, dù là dài hạn, nhất là khi họ đã bỏ hàng tỷ đồng gom góp cả đời.
Đây chưa hẳn là giải pháp tốt để "hạ nhiệt" nhà chung cư, vấn đề mấu chốt là giải quyết được nhà ở cho người dân, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp. Trong khi quy định này nếu xử lý không khéo, có khi lại là cơ hội để giá đất nền bị đẩy lên vì tâm lý người dân vẫn muốn có quyền sở hữu nhà đất".
Như vậy, ý tưởng trên của Bộ Xây dựng tuy chưa được ban hành nhưng đã gây rất nhiều tranh cãi từ các nhà đầu tư đến người dân. Không phủ nhận tính tích cực và mục tiêu hướng đến của đề xuất là làm giảm bớt gánh nặng cho nhà quản lý cũng như hạ thấp giá thành của nhà chung cư. Nhưng giả thiết đề xuất này được từng bước triển khai, chúng ta phải thay đổi rất nhiều chính sách vì đây là vấn đề có mức độ liên đới rộng.