Theo đó, tại TP Hà Nội, dù đạt tiêu chí cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) song nguy cơ dịch tại Thủ đô được cảnh báo rất cao. Đặc biệt, hằng ngày vẫn có một số lượng lớn người về từ các tỉnh - thành có dịch, trong bối cảnh Thủ đô đã mở cửa trở lại.
Thực tế, những ngày vừa qua, số F0 được phát hiện tại Hà Nội là người về từ các vùng có dịch có xu hướng gia tăng. Riêng trong ngày 20/10 đã có thêm 9 ca được ghi nhận, đều là người liên quan các tỉnh có dịch.
CDC Hà Nội đánh giá, chính quyền gặp khó khăn trong việc tiếp cận danh sách người về địa phương bằng đường bộ và đường sắt. Các nhà xe, đơn vị đường sắt phải phối hợp chặt chẽ hơn, cung cấp đầy đủ để cơ quan chức năng rà soát, phục vụ phòng chống dịch.
Do đó, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân về địa bàn ký cam kết theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, khai báo y tế, thông báo với chính quyền để xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày Thứ Bảy. Người có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế.
Từ ngày 13/10 đến 20/10, tỉnh Phú Thọ đã có 161 ca mắc COVID-19 (riêng trong ngày 19/10 ghi nhận 19 ca mắc mới) với 23 ổ dịch trong cộng đồng thuộc TP Việt Trì (12 ổ dịch), huyện Lâm Thao (07 ổ dịch) và huyện Phù Ninh (04 ổ dịch) được phát hiện, điều đáng lo ngại đến nay chưa xác định được nguồn lây ban đầu. Toàn tỉnh Phú Thọ hiện tại có 1.410 F1, 6.660 F2 và 4.938 F3 đang được quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được nguồn lây ban đầu, dự kiến sẽ còn tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp F0 mới trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, cơ bản là trong các khu vực đã được khoanh vùng, phong tỏa và kiểm soát do đã xét nghiệm diện rộng.
Quan ngại trước tình hình dịch diễn biến khó lường, ngày 20/10, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu yêu cầu Sở Y tế Phú Thọ tiếp tục ưu tiên phân bổ các bộ xét nghiệm nhanh cho thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và Phù Ninh.
Phú Thọ cũng trích từ Quỹ phòng, chống COVID-19 tỉnh và huy động các nguồn lực xã hội hóa, sự hỗ trợ từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, Vĩnh Phúc… để mua sắm, tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch… Tỉnh này cũng đang gấp rút xây dựng khu cách ly tập trung số 2 tại khu 7, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.
Hiện Phú Thọ cũng đang tiến hành phân bổ vaccine cho các địa phương. Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm ngay sau khi nhận được vaccine, đảm bảo an toàn tiêm chủng và đúng tiến độ. Cũng từ ngày 20/10, Phú Thọ cũng tạm dừng hoạt động 10 Chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 tại các cửa ngõ giao thông ra, vào tỉnh, cho đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó, những ngày vừa qua, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có những diễn biến rất phức tạp, nhất là ổ dịch tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên. Hiện Nam Định đang nỗ lực ứng phó bằng các biện pháp: tổ Covid cộng đồng tăng cường kiểm tra, nắm chắc di biến động nhân khẩu trên địa bàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Chủ động kiểm soát, theo dõi chặt chẽ người về từ các địa phương là vùng dịch. Từ đó tổ chức, giám sát chặt chẽ việc cách ly, theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Quan trọng nhất là ý thức của người dân, nên tỉnh yêu cầu người dân khi có biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được kiểm tra, hướng dẫn theo quy định.
Ngày 20/10, trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận chùm 11 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng liên quan đến các ca bệnh tại Trường Mầm non Sao Mai, TP Bắc Ninh. Ông Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy Quế Võ nêu rõ, đây là ổ dịch có nguy cơ cao, phức tạp, bước đầu xác định liên quan đến nhiều người, đi nhiều nơi và học sinh tại các trường học ở thị trấn Phố Mới, xã Phù Lãng, xã Châu Phong (huyện Quế Võ). Vì vậy, huyện tận dụng “thời gian vàng” triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Huyện Quế Võ cũng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thị trấn Phố Mới, xã Châu Phong và xã Phù Lãng tạm thời cho học sinh ngừng đến trường học và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cùng với việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng được triển khai mạnh mẽ…
Từ 1/10 đến nay, tỉnh Nghệ An đón hơn 17.500 người từ các tỉnh phía Nam về quê, phát hiện 141 ca COVID-19, 3 ca tái dương tính. Trong đó, 27 ca đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19, 52 ca đã tiêm một mũi. Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, cho rằng người dân về quê tự phát tiềm ẩn nguy cơ bùng phát COVID-19 dù chính quyền triển khai nhiều biện pháp như quản lý khu dân cư, tăng cường vai trò tổ Covid cộng đồng. Do đó, tất cả người từ vùng dịch về cần tự giác chấp hành quy định phòng chống dịch, hạn chế đi lại, thăm hỏi nhau để hạn chế lây nhiễm.
Đặc biệt, Nghệ An đang thần tốc triển khai các biện pháp để khống chế, dập dịch ở TP Vinh. Hiện TP Vinh có 7 nơi phát sinh dịch, chưa tìm thấy mối quan hệ giữa 7 nơi phát sinh dịch với nhau. Qua các chỉ số xét nghiệm, hầu hết các ca nhiễm mới bị lây nhiễm trong khoảng thời gian 7-10 ngày trở lại đây.
Tỉnh Nghệ An đã thống nhất, đưa ra các giải pháp cơ bản nhất để khống chế, dập dịch sớm nhất. Đó là: Phong tỏa tạm thời; cách ly F1; tập trung điều tra truy vết một cách quyết liệt, xét nghiệm diện rộng ở khu vực dân cư F0 sinh sống, khu vực bệnh nhân từng đến; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên trong cộng đồng, không để sót F1; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, ổ dịch Bỉm Sơn có hơn 100 ca COVID-19 và hiện vẫn đang gia tăng. Ổ dịch này hiện đã lây lan ra các địa phương lân cận như huyện Hà Trung, huyện Nga Sơn, TP Sầm Sơn.
Lo ngại dịch có thể diễn biến phức tạp, Thanh Hóa đã ngay lập tức nâng cao cấp độ phòng, chống dịch, rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp liên quan. Chính quyền các địa phương đang phong tỏa các khu phố, điểm dân cư, thôn xóm, doanh nghiệp... có người nhiễm bệnh; trường học trên địa bàn đóng cửa. Nguy cơ lây lan là rất lớn, tỉnh cũng yêu cầu người dân tránh chủ quan, lơ là, cần tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch…
Ngày 20/10 đã có 40 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
22 tỉnh, thành phố đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh bao gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ.
18 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk, Long An, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp.