Với 90,36% Đại biểu tán thành, Quốc hội chiều qua thông qua dự án Luật Hòa giải ở cơ sở với các quy định mới rất đáng chú ý về phạm vi hòa giải, việc bầu hòa giải viên, tiêu chuẩn hòa giải viên, kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở…
Minh họa nguồn Internet |
Phải được trên 50% hộ gia đình đồng ý
Theo Luật mới được thông qua, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trừ các trường hợp sau: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, Luật quy định công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn (có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật) thì có thể được công nhận là hòa giải viên.
Về vấn đề bầu hoặc lựa chọn hòa giải viên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hình thức tổ chức bầu hòa giải viên thông qua việc tổ chức cuộc họp chung hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, việc lựa chọn hình thức nào sẽ do Ban công tác Mặt trận quyết định; người được bầu làm hòa giải viên phải được trên 50% đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố đồng ý
Bổ sung quy định ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Hòa giải ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: về cơ bản, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo Luật quy định nguyên tắc về việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định Nhà nước phải bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải vì quy định hỗ trợ sẽ mang tính tùy nghi, không bắt buộc, mức hỗ trợ tùy thuộc vào người có thẩm quyền quyết định về tài chính; quy định cụ thể về mức thù lao cho người làm công tác hòa giải, cho hỗ trợ khắc phục hậu quả; bổ sung nguyên tắc quản lý, sử dụng và công khai tài chính các nguồn kinh phí; quy định mức thù lao tối thiểu cho mỗi vụ, việc hòa giải để không có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương trong cả nước; quy định mức thù lao khác nhau cho vụ việc hòa giải thành và hòa giải không thành; quy định phân cấp đối với việc đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở…
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, cần thiết phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn hoạt động hòa giải ở cơ sở với tính chất là hoạt động tự nguyện của cộng đồng dân cư, do vậy, quy định Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở là phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí chi cho công tác hòa giải đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải.
Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Luật Hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.
Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; thông qua Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Đáng chú ý, cũng trong chiều qua, với 88,96% ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Theo đó, Luật mới sẽ nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Ngoài ra, muốn đăng ký thường trú vào nội thành, phải bảo đảm điều kiện diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố và có xác nhận của chính quyền địa phương trong trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014. |
Thu Hằng