Hôm nay (3/7), thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi để ngày mai chính thức bước vào đợt 1 kì thi ĐH năm 2013. Tại các trường đại học, cao đẳng, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi. Năm nay, có hơn 1,71 triệu hồ sơ dự thi, giảm khoảng 100.000 hồ sơ…
Thí sinh vẫn được thi nếu thất lạc giấy báo thi
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đều phải tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh được dự thi, tuyệt đối không được gây bất kỳ khó khăn nào đối với thí sinh.
Nếu phát hiện Giấy báo thi (GBT) có thông tin nào sai sót hoặc chưa chính xác, thí sinh nhất thiết phải có mặt tại phòng thi trong buổi làm thủ tục dự thi của từng đợt thi (ngày 3/7/2013 đối với thí sinh dự thi khối A, A1, V, ngày 8/7/2013 đối với thí sinh dự thi các khối B, C, D và năng khiếu, ngày 14/7/2013 đối với thí sinh dự thi tại các trường CĐ có tổ chức thi) để thông báo kịp thời với người làm công tác thi.
Nếu xảy ra trường hợp xấu nhất là thất lạc, mất, hỏng GBT, thí sinh vẫn được dự thi. Thí sinh cần chủ động liên hệ trực tiếp với phòng Đào tạo của trường ĐH, CĐ đã ĐKDT để có được thông tin về số báo danh, địa điểm thi, phòng thi...
Khi đi làm thủ tục dự thi, phải mang theo giấy tờ tuỳ thân hợp lệ, có dán ảnh, tờ phiếu số 2 có đóng dấu giáp lai trong bộ hồ sơ ĐKDT, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2013), các giấy chứng nhận ưu tiên nếu có, giấy chứng minh nhân dân…
Thí sinh cần thông báo với cán bộ làm thủ tục dự thi tại phòng thi của mình để trường đối chiếu với hồ sơ gốc và danh sách lưu tại trường. Nếu xác minh được các thông tin là chính xác, thí sinh sẽ được làm giấy cam đoan và chụp ảnh tại chỗ để làm thẻ dự thi bổ sung hoặc cấp lại GBT (nếu GBT kiêm luôn thẻ dự thi). Sau đó TS sẽ được dự thi bình thường. Thí sinh cần lưu ý mọi chỉnh sửa đều bắt buộc phải có ký xác nhận của cán bộ làm thủ tục dự thi của trường và của hội đồng thi mới có giá trị.
Siết chặt khâu “hậu kiểm”
Trong và sau khi thi, hội đồng tuyển sinh của các trường sẽ tiếp tục tiến hành các khâu “hậu kiểm”. Nếu bị phát hiện có gian lận để thi hộ, thí sinh sẽ bị xử lý theo qui chế tuyển sinh và các qui định hiện hành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để giữ nghiêm kỷ luật trường thi, Bộ GD-ĐT đã thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Các đoàn thanh tra này sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình tại bất kỳ điểm thi nào trên cả nước và không báo trước. Trong quá trình chấm thi, Bộ quy định các hội đồng tự chấm kiểm tra một số lượng bài thi qui định để phát hiện sai sót và điều chỉnh. Sau đó, Bộ sẽ chấm thẩm định như mọi năm.
Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh, trong quá trình thanh tra, cán bộ thanh tra không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng coi thi, chấm thi. Khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra phải kiên quyết yêu cầu cán bộ coi thi xử lý theo quy định, lập biên bản ghi nhớ và theo dõi việc xử lý.
Về chấm thi môn tự luận, đoàn giám sát việc thực hiện quy chế chấm thi, việc giao, nhận bài thi, quy trình chấm 2 vòng độc lập; việc ghi điểm vào phiếu chấm và bài thi; việc xử lý kết quả sau 2 lần chấm bài thi có chênh lệch điểm; việc xử lý bài thi có dấu hiệu bất thường.
Đối với chấm thi môn trắc nghiệm, đoàn thanh tra Bộ sẽ giám sát cán bộ tham gia chấm thi thực hiện đúng quy định về việc không được mang các vật dụng bị cấm khi xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm; giám sát quá trình quét và xử lý, niêm phong phiếu trả lời trắc nghiệm và việc ghi vào đĩa CD các dữ liệu và kết quả bài thi.
Uyên Na