Nhiều quy định dự thảo xử lý VPHC “dẫm chân” luật hình

Xử lý hành vi lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ “xử phạt hành chính” sẽ có nguy cơ bỏ lọt tội phạm?

Xử lý hành vi lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ “xử phạt hành chính” sẽ có nguy cơ bỏ lọt tội phạm?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất lên đến 50 triệu đồng. Khi Nghị định được ban hành sẽ trở thành một công cụ pháp lý quan trọng để xiết chặt quản lý đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội là bảo trợ, cứu trợ, chăm sóc trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi.

Tuy nhiên, một số quy định của dự thảo gây lo ngại về việc chồng lấn các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm tương ứng. Tại Điều 12 của dự thảo Nghị định quy định về mức phạt tiền đối với các hành vi “dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy...”.

Theo đó, các hành vi như: “nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình nhằm dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc; tổ chức cho trẻ em đánh bạc, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ đánh bạc dưới mọi hình thức có thể bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng.

Đối với hành vi dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng các thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt hành chính lên đến 50 triệu đồng.

Tại Điều 13 của dự thảo quy định về xử phạt các hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em, như: cho trẻ em tiếp xúc với sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung khiêu dâm; tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục; dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm hoặc chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm; dẫn, chỉ dẫn, môi giới, tổ chức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí nơi để trẻ em hoặc sử dụng trẻ em hoạt động mại dâm, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.

Các quy định trên mô tả những hành vi tương tự như những hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Với quy định như trên, nhiều người lo ngại rằng, nhiều hành vi vi phạm sẽ thoát án tù do cơ quan xử lý vi phạm ưu ái lựa chọn chế tài phạt tiền. Điều này cũng rất dễ nảy sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm bởi gianh giới mong manh giữa hai chế tài có thể bị người có thẩm quyền lạm dụng.

Để làm rõ những nội dung gây băn khoăn cho nhiều người, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng về vấn đề  này:

Thưa Luật sư, trước hết xin ông cho biết sự khác nhau giữa một hành vi vi phạm hành chính và hành vi bị xử lý hình sự trong cùng một lĩnh vực?

- Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì một hành vi bị xử lý hình sự phải là một hành vi phạm tội tương ứng với một tội được quy định trong Bộ luật này. Theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, những hành vi vi phạm pháp luật nhưng tính chất, mức độ chưa đến mức phải xử lý bằng các chế tài của Bộ luật hình sự thì phải được xem xét và xử phạt hành chính bằng chế tài chủ yếu là phạt tiền. Hành vi vi phạm hành chính cũng phải được quy định trong một văn bản luật, thường là Nghị định của Chính phủ.

Như vậy, việc xác định hành vi vi phạm pháp luật là tội phạm hay là vi phạm hành chính phải căn cứ vào các văn bản pháp luật có quy định về vi phạm đó với các dấu hiệu cơ bản để “nhận dạng”. Những dấu hiệu tạo ra sự khác nhau của hại loại vi phạm này thường là dấu hiệu về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, trong thực tế, có những hành vi vi phạm pháp luật tương đối giống nhau khiến cơ quan xử lý khó phân biệt được hành vi vi phạm pháp luật đó là tội phạm hay vi phạm hành chính nên đã dẫn đến việc xử lý sai và hậu quả là làm oan hoặc bọ lọt tội phạm.

Trong dự thảo Nghị định nêu trên có quy định xử phạt đối với hành vi lôi kéo, sử dụng trẻ em để tàng trữ, vận chuyển ma túy hay thực hiện hành vi mại dâm. Quy định này liệu có chồng chéo với quy định của Bộ luật hình sự về tội môi giới mại dâm hoặc mua bán trái phép chất ma túy không, thưa ông?

- Đối với hành vi “dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm” có dấu hiệu của tội phạm “môi giới mại dâm” với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là phạm tội với trẻ em. Khi phát hiện hành vi này mà xử lý hành chính bằng chế tài phạt tiền là có thể bỏ lọt tội phạm vì theo Điều 255 Bộ luật Hình sự, hình phạt đối với hành vi môi giới mại dâm đối với trẻ em rất cao, từ 7 đến 15 năm tù. Đây là trường hợp mà điều luật tương ứng không đòi hỏi dấu hiệu về “hậu quả” của hành vi phạm tội nên khó phân biệt giữa tội phạm và vi phạm hành chính. Hay, hành vi “tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục” vốn là dấu hiệu cơ bản của tội “Dâm ô trẻ em”. Quy định này rõ ràng là dễ chồng chéo.

Tương tự như vậy, nếu có căn cứ xác định một người lôi kéo, sử dụng trẻ em để tàng trữ, vận chuyển ma túy thì không phải là xử lý hành chính mà phải xác định đó là tội phạm với tình tiết tăng nặng định khung là “sử dụng trẻ em”.

Những quy định trong dự thảo Nghị định giống như quy định chi tiết của điều luật tương ứng trong Bộ luật hình sự nên theo tôi là có sự chồng chéo. Vì thế, cơ quan soạn thảo phải hết sức cân nhắc để soạn thảo văn bản luật cho chính xác hơn để đảm bảo sự phân biệt rõ ràng giữa tội phạm và vi phạm hành chính, nếu không quy định này sẽ gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm sau này.               

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.