Hoạt động ly hôn ở Israel vô cùng đặc biệt khi chỉ một tòa án tôn giáo mới có tiếng nói quyết định về việc cuộc hôn nhân có được kết thúc hay không. Nhiều người đàn ông ở Israel đã tận dụng kẽ hở liên quan tới hoạt động ly hôn để giam cầm và hành hạ những người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân đã chết từ lâu.
Chờ ly hôn suốt hàng thập kỷ
Sau 4 năm kết hôn, Tamar Tessler đã đâm đơn xin ly hôn và mang theo đứa con gái mới 4 tuổi của bà bỏ đi, với hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày hôm nay đứa con gái đã 36 tuổi, còn Tessler vẫn đang chờ việc được cho phép ly hôn.
Chồng Tessler đã dọn tới sống ở Mỹ từ lâu. Nhưng theo luật Israel, người phụ nữ 61 tuổi vẫn mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân thất bại mà chồng bà không cho phép nó kết thúc.
Tessler chia sẻ về câu chuyện của đời bà tại Tel Aviv với phóng viên tờ LA Times |
Luật pháp không cho Tessler tái hôn. Bà, với tư cách vợ của một người đàn ông, phải trả một số khoản nợ ông ta để lại. Bà không được miễn giảm thuế với tư cách một bà mẹ đơn thân, dù phải nuôi con gái lớn lên một mình.
Nhưng Tessler không phải là nạn nhân duy nhất. Bà chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người phụ nữ Israel mắc kẹt trong hoạt động ly hôn đầy rắc rối ở Israel. Nguyên nhân do một đạo luật đã cho phép một tòa án tôn giáo ở đây được quyền quyết định vấn đề ly hôn của mọi công dân là người theo đạo Do Thái.
Tòa án, thực tế là một hội đồng gồm nhiều giáo sĩ Do Thái, đưa ra phán quyết dựa trên truyền thống của Do Thái giáo Chính thống. Phán quyết của họ được áp dụng và có hiệu lực với mọi người Israel theo Do Thái giáo, cho dù họ thuộc phái Chính thống, Bảo thủ hay Cải cách.
Quyền lực của tòa án này thậm chí còn mở rộng ra cả với những người Israel tổ chức kết hôn ở nước ngoài, nhưng đăng ký kết hôn tại Israel.
Theo quy định của tòa án, một cuộc hôn nhân chỉ chấm dứt khi có sự chấp nhận của người vợ hoặc người chồng. Theo truyền thống, một cuộc hôn nhân của Do Thái giáo sẽ không chấm dứt cho tới khi người đàn ông thả một tờ giấy thông báo ly hôn vào đôi bàn tay đang đưa ra hứng của người phụ nữ. Tiếp đó người phụ nữ phải giơ cao tờ giấy để một giáo sĩ Do Thái xé nó thành nhiều mảnh. Cuối cùng họ sẽ làm thủ tục giấy tờ để cặp vợ chồng được ly hôn thực sự.
Quy định có lợi cho đàn ông
Các giáo sĩ có thể yêu cầu người vẫn chưa đồng ý ly hôn, thường là người chồng, phải thuận theo ý chí của người còn lại. Quốc hội Israel hiện đang xem xét mở rộng quyền lực của tòa án tôn giáo để gia tăng áp lực. Nhưng tòa án nói rằng nếu người chồng từ chối thực hiện nghi thức tôn giáo kể trên, họ sẽ không có quyền kết thúc một cuộc hôn nhân.
Các giáo sĩ Do Thái khẳng định họ cần giấy tờ chứng thực sự đồng thuận ly hôn, ngay cả trong các trường hợp người chồng đánh đập vợ, bỏ đi, nói dối về xu hướng giới tính của mình hoặc lạm dụng tình dục con đẻ.
Lợi dụng quyền phủ quyết của tòa với một cuộc ly hôn, không ít gã đàn ông ở Israel thường gây sức ép buộc vợ phải trả tiền bồi thường, trao nhà cho họ, từ bỏ quyền nuôi con... để được giải thoát.
Được biết tại Israel, không có cơ quan đăng ký kết hôn dân sự. Vì thế nhiều người Do Thái phải kết hôn theo truyền thống. Nhiều người đã chọn việc kết hôn ở nước ngoài và sau nhiều năm, các cuộc hôn nhân như thế đã được thừa nhận ở Israel. Nhưng cho dù người ta có nhiều cách để đi tới hôn nhân, họ chỉ có một lối ra: Tòa án tôn giáo.
Các nhóm nữ quyền ở Israel hiện đang gây sức ép lên chính quyền liên minh để thông qua hoạt động cải cách nhằm vào luật ly hôn. Hồi tháng 4 vừa qua, nhóm hoạt động vì quyền con người Hiddush đã xếp hạng Israel ở mức thấp về tự do hôn nhân.
Để giải quyết vấn đề từ chối ly hôn, hồi năm 1995, Quốc hội Israel đã điều chỉnh luật để cho tòa án tôn giáo quyền thực hiện các hoạt động trừng phạt những kẻ cứng đầu như đình chỉ giấy phép lái xe, thu giữ tài khoản ngân hàng, ngăn không cho ra nước ngoài hoặc thậm chí là bỏ tù kẻ không chịu cho vợ/chồng mình ly hôn. Một người đàn ông ở Israel từng bị tuyên phạt 10 năm tù.
Nhưng các nhóm nữ quyền nói rằng sự thay đổi luật trong năm 1995 không tạo ra nhiều sự khác biệt bởi tòa án mới chỉ sử dụng quyền của họ trong chưa đầy 2% số vụ ly hôn.
Trong động thái thể hiện sự thay đổi, gần đây tòa án đã quyết định thêm các thành viên nữ vào hội đồng xét xử. Họ cũng thuê các cựu nhân viên tình báo để truy tìm những ông chồng đã bỏ trốn, đăng danh sách những kẻ trốn chạy trên trang web và tìm cách làm đàn ông phải xấu hổ mà ký vào đơn ly hôn. Tòa án còn triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn thế. Ví dụ hồi tháng 4 năm nay, một người chồng đã bỏ vợ tới sống ở Mỹ và mới về Israel để nghỉ ngơi trong mùa hè, đã rất sốc vì bị bắt lúc đang uống rượu với bạn trong quán bar. Sau một đêm ngồi tù, anh ta đã quyết định ký mọi giấy tờ.
Phụ nữ Israel cũng có quyền từ chối ly hôn. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng có một kẽ hở cho đàn ông. Họ chỉ cần 100 giáo sĩ đồng ý cho kết hôn lại là có thể bắt đầu cuộc sống mới. Và vì thế, gánh nặng của việc bị từ chối ly hôn đè nặng lên vai phụ nữ.
Cuộc sống khốn khổ vì tờ giấy hôn thú
Các nhà hoạt động ước tính 1/5 phụ nữ tìm cách ly hôn, tức khoảng 3.400 người mỗi năm, đã bị chồng họ cản trở. Nhiều trường hợp được dàn xếp nhanh, nhưng không ít vụ kéo dài trong hàng thập kỷ.
Tessler, người đâm đơn ly hôn lần đầu vào năm 1977, nói rằng bà đã không còn nghĩ tới việc gây dựng gia đình mới. Bà giờ chỉ muốn hoàn tất việc ly hôn để ngăn không cho chồng lãnh phần lương hưu của mình, sau khi bà qua đời.
Con gái của bà hiện đã có bạn trai và cô muốn có con với anh. Nhưng cô không có ý định tổ chức đám cưới và Tessler không hề ngạc nhiên. "Con bé thậm chí không muốn nghe tới từ 'hôn nhân'" - Tessler, người đang sống một mình cùng 2 chú chó ở Tel Aviv nói - "Anh không cần một mảnh giấy để được hạnh phúc. Tôi đã có mảnh giấy đó và nó chẳng mang tới cho tôi thứ gì ngoài sự rắc rối trong suốt cuộc đời tôi".
Tường Linh