Đề án Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân vùng biên giới, hải đảo đã tiến hành tổng kết giai đoạn 1 với nhiều kết quả khả quan. Theo ông, người dân khu vực biên giới có đón chờ giai đoạn 2 của Đề án này không?
- Mặc dù giai đoạn 1 đã kết thúc và chúng tôi vẫn chưa có hướng dẫn để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 nhưng hầu hết người dân đều thấy hứng thú với Đề án này. Chính quyền địa phương cũng bày tỏ sự mong đợi tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, do đó Đồn Biên phòng Pò Mã vẫn tiếp tục công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2017, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền đặc biệt 1 buổi cho 16 người về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước và các quy định của địa phương, 3 văn kiện pháp lý về biên giới. Thông qua những buổi tuyên truyền này, vận động nhân dân thành những mắt xích quan trọng trong công tác tuần tra, bảo vệ biên giới lãnh thổ.
Không chỉ tuyên truyền phổ biến pháp luật, chúng tôi còn tổ chức các buổi tuần tra với sự có mặt của đông đảo quần chúng nhân dân. Tính đến ngày 15/5/2017, Đồn đã tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới được 30 lần với 282 lượt, cán bộ, chiến sĩ tham gia; trong đó 16 lần với 97 lượt dân quân, nhân dân tham gia, thường xuyên duy trì quan sát nghiêm túc tại Điểm cao 820 để kịp thời phát hiện mọi biểu hiện vi phạm trên biên giới.
Trong quá trình tuyên truyền, cán bộ chiến sĩ gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Do đặc thù miền núi, bà con dân tộc thường đi làm vào ban ngày nên việc tuyên truyền thường phải thực hiện vào ban đêm. Chúng tôi thường tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, trong dịp tổ chức các sự kiện như: đại hội phụ nữ, đại hội cựu chiến binh và các cuộc họp chi bộ. Các cuộc tuyên truyền cũng được thực hiện trên 2 cấp, tuyên truyền cho cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, cán bộ thôn và tuyên truyền cho dân.
Do Đồn Pò Mã quản lý hơn 21km biên giới quốc gia với 50 cột mốc và 12 thôn giáp biên nên việc tuyên truyền pháp luật càng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhất là ở những khu vực dân cư dân trí thấp, người dân vẫn dùng nhiều vũ khí tự chế mà không ý thức được đó là việc vi phạm pháp luật. Do đó, chúng tôi phải tuyên truyền rất nhiều về vấn đề này. Qua những buổi tuyên truyền người dân đã ý thức hơn, tự động giao nộp 61 khẩu súng kíp tự chế, 04 nòng súng, 04 súng cồn tự chế.
Với hơn 21km đường biên giới, chắc hẳn công tác tuần tra, bảo vệ và giữ người vượt biên trái phép sẽ gặp nhiều khó khăn?
- Đúng vậy. Trước đây, trên địa bàn 2 xã do Đồn quản lý, việc người dân ngang nhiên vượt qua biên giới sang Trung Quốc làm thuê, chặt mía diễn ra khá phổ biến, đặc biệt không ai nghĩ đến chuyện phải qua xã xin giấy tờ. Nhưng hiện nay, sau nhiều đợt bị giữ lại biên giới cộng thêm những buổi tuyên truyền tại chỗ cho những đối tượng này, dần dần người dân hiểu rõ hơn nên mỗi khi sang đất bạn làm việc, họ đều thông qua xã trình và xin đầy đủ giấy tờ mới đi.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn đối với những cư dân từ các địa bàn khác đến, có những thời điểm họ thuê hẳn một xe ô tô đưa người lên biên giới để vượt biên trái phép, nhất là sau mỗi mùa vụ. Nắm được quy luật hoạt động này, các cán bộ của Đồn đã tăng cường tuần tra vào dịp nông nhàn, kịp thời phát hiện và giữ lại số dân cư chuẩn bị vượt biên. Chúng tôi thường xuyên phải tổ chức tuyên truyền lưu động để mọi người cùng hiểu ra và tự động lên xe quay trở về nhà.
Cám ơn ông về cuộc chuyện trò này!