9 tháng đầu năm, Cục Hải quan Hải Phòng đã phát hiện 42 trường hợp DN vi phạm các quy định về hàng chuyển khẩu, hàng tạm nhập tái xuất. Trong đó, nhiều chủ hàng đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để nhập lậu chất thải nguy hại, hàng hóa cấm xuất nhập khẩu. Để hạn chế tình trạng này, biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại trong hải quan được đặt lên “hàng đầu”….
Khe hở từ quy định pháp luật
Ông Vũ Ngọc Minh, Chánh văn phòng Cục Hải Quan Hải Phòng cho biết, theo quy định của Nghị định 12/2006, DN kinh doanh mặt hàng chuyển khẩu, hàng tạm nhập tái xuất có thời gian lưu hàng tại Việt Nam trong thời gian 120 ngày kể từ ngày hàng hóa về đến cửa khẩu nhập khẩu Việt Nam, DN làm thủ tục chuyển khẩu, làm thủ tục tạm nhập, tái xuất mở tờ khai Hải quan. Ngoài ra, DN có quyền gia hạn thời gian lưu hàng hóa tại Việt Nam thêm hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Nếu chiểu theo quy định này, một DN có hành vi cố ý nhập khẩu trái phép một số mặt hàng là rác thải công nghiệp như ắc quy chì đã qua sử dụng, vi mạch điện tử chứa nhiều tạp chất…, những hàng hóa bị cấm, bị hạn chế xuất nhập khẩu có thời gian lưu hàng tại Việt Nam lên đến gần 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, nếu DN làm thủ tục chuyển khẩu, làm thủ tục tạm nhập tái xuất, thực chất là làm dịch vụ hải quan cho thương nhân nước ngoài bị thương nhân nước ngoài “xù”, không chịu chuyển khẩu, không chịu tái xuất hàng hóa đi nước thứ ba thì hậu quả sẽ do phía Việt Nam gánh chịu.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Nghị định 12/2006, hàng hóa tạm nhập tái xuất còn được tái xuất tại các cửa khẩu khác cửa khẩu nhập khẩu; hàng hóa này có thể được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Về bản chất, hàng tạm nhập, tái xuất cũng là hàng hóa chuyển khẩu nên cơ quan có thẩm quyền cần quy định thống nhất theo quy định về hàng chuyển khẩu để ngăn chặn hàng lậu, chất thải nguy hại lợi dụng chủ trương này để thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Theo Thông tư 163/2009 của Bộ Tài chính quy định hàng tạm nhập tái xuất không phải khai báo trị giá nên không có cơ sở tính thuế. Ngược lại, Thông tư 194/2010 của Bộ Tài chính lại yêu cầu tính thuế trên cơ sở DN làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tự khai báo trị giá hàng hóa để tính thuế. Như vậy, cùng một đối tượng điều chỉnh, hai văn bản hướng dẫn thi hành luật có sự không đồng nhất không chỉ khiến cho cơ quan Hải quan gặp khó trong việc tính thuế, thu thuế, tình trạng này còn dẫn đến hệ lụy Nhà nước bị thất thu thuế hải quan đối với một số mặt hàng tạm nhập, tái xuất.
Cần quyết liệt trong công tác quản lý
Ông Vũ Ngọc Minh cho biết, hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu cảng Hải Phòng trong thời gian qua chủ yếu là loại hàng hóa thực phẩm đông lạnh, nguyên liệu của một số ngành công nghiệp. Theo quy định, nếu những DN làm thủ tục tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của hải quan sẽ được đưa vào diện luồng vàng hoặc luồng xanh, được hưởng cơ chế miễn kiểm tra hàng hóa XNK .
Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thưừng lợi dụng chủ trương này để nhập khẩu trái phép vào Việt Nam các loại hàng hóa như ngà voi, tê tê, vẩy tê tê, rùa, rắn … là những mặt hàng theo công ước Cites bị cấm khai thác, kinh doanh. Ngoài ra, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Hải quan Hải Phòng phát hiện nhiều DN nhập khẩu ắc quy chì, vi mạch điện tử đã qua sử dụng, là những chất thải nguy hại, theo quy định của công ước Basel là những chất cấm vận chuyển qua biên giới.
Khi nhập lậu những lô hàng này, các đối tượng thường khai báo thành các loại hàng hóa thuộc loại miễn kiểm, những loại hàng hóa không phải xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công thương. Khi bị phát hiện, các DN thường lấy lý do phía chủ hàng nước ngoài gửi nhầm hàng.
Cũng chính bởi quy định thời gian lưu hàng tạm nhập tái xuất có thể kéo dài lên tối đa tới 180 ngày, nhiều lô hàng rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đã không được phát hiện kịp thời. Đã có nhiều trường hợp, khi cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa theo quy định thì chủ hàng đã “cao chạy xa bay”, những lô hàng vi phạm pháp luật trở thành hàng vô chủ khiến Nhà nước phải gánh gánh nặng chi phí xử lý.
Theo ông Vũ Ngọc Minh, để giải quyết triệt để việc lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam để nhập lậu những mặt hàng cấm, những chất thải nguy hải, ngoài việc hạn chế một số mặt hàng chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất như quy định mới đây của Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhìn nhận đúng bản chất hàng hóa tạm nhập, tái xuất cũng là hàng chuyển khẩu. Kiên quyết không cho tiêu thu hàng tạm nhập, tái xuất trên thị trường nội địa.
Để tránh các loại hàng hóa này có thể thẩm lậu vào thị trường nội địa, cơ quan chức năng có thể triển khai biện pháp gắn chì định vị vệ tịnh để cơ quan quản lý có thể theo dõi được các container hàng tạm nhập vào Việt Nam có thực sự tái suất đi nước thứ ba hay không….
Linh Nhâm