Ngày 8/4, hơn 100 đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, Doanh nghiệp, các Tổ chức phi chính phủ đã tham gia Lễ khánh thành dự án làm sạch sông Cần Thơ. Sự kiện được tổ chức thông qua quan hệ hợp tác toàn cầu giữa tổ chức The Ocean Cleanup và công ty Coca-Cola, đồng phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan, Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ.
Buổi lễ khai mạc bắt đầu với phần phát biểu của Đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, ông Trần Phong - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam. Ông Phong gửi lời chúc mừng nhân dịp hệ thống làm sạch sông ngòi - vận hành bằng năng lượng mặt trời - Interceptor 003 chính thức đi vào hoạt động tại sông Cần Thơ, đồng thời nhấn mạnh về vai trò then chốt của công nghệ và hợp tác đa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa sông ngòi và đại dương.
Tiếp nối những ghi nhận của Bộ Tài Nguyên Môi Trường về dự án làm sạch sông Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đánh giá cao sự hợp tác của tổ chức The Ocean Cleanup, công ty Coca-Cola và Sở Tài nguyên và Môi trường vì những nỗ lực hiện thực hóa dự án, mang đến những lợi ích cho cộng đồng địa phương và giúp làm sạch dòng sông huyết mạch của thành phố Cần Thơ thông qua hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003.
Ông Dương Tấn Hiển – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ |
Có mặt tại sự kiện, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của tổ chức The Ocean Cleanup, ông Boyan Slat chia sẻ tầm nhìn cũng như sứ mệnh dọn sạch rác thải nhựa đại dương, bao gồm việc chặn đứng rác thải đổ ra biển từ các con sông. Để đánh dấu sự kiện hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003 chính thức đi vào hoạt động, ông Boyan Slat đã thực hiện nghi thức bàn giao chiếc điều khiển từ xa của hệ thống này cho Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ, là đơn vị sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm vận hành hệ thống trong thời gian tới.
“Sứ mệnh của The Ocean Cleanup là loại bỏ rác thải nhựa trên các đại dương và tôi rất vui mừng khi được chứng kiến những thành quả bước đầu của dự án tại một khu vực đặc thù như đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án được triển khai trên sông Cần Thơ là kết quả cho sự nỗ lực nhiều năm của các đối tác địa phương và của tổ chức The Ocean Cleanup. Hôm nay, chúng ta cùng chúc mừng một cột mốc rất quan trọng, đây là dự án thứ 4 trong tổng số 15 dự án làm sạch sông ngòi trên toàn cầu mà The Ocean Cleanup hợp tác cùng Coca-Cola. Chúng tôi sẽ cùng nhau tăng tốc để tiếp tục thực hiện các dự án mới tại những khu vực còn lại”, ông Boyan Slat, Giám đốc kiêm nhà sáng lập tổ chức The Ocean Cleanup, chia sẻ.
Hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor™ là giải pháp đầu tiên có khả năng triển khai trên diện rộng giúp ngăn chặn rác thải nhựa từ sông ngòi đổ ra đại dương. Sau nhiều năm lên kế hoạch, Interceptor 003 đã được hạ thủy trên sông Cần Thơ vào tháng 12/2021. Hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003 - hay còn được gọi là René, được đặt tên theo nhà thiết kế Rene Bubberman - đã dọn sạch khoảng 10.000kg rác thải mỗi tháng kể từ khi đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 12 năm ngoái.
Sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để làm sạch trong khuôn khổ Hợp tác Triển khai Toàn cầu giữa công ty Coca-Cola và tổ chức The Ocean Cleanup nhằm thử nghiệm và đánh giá công nghệ ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra đại dương.
“Chúng tôi tự hào là đối tác triển khai toàn cầu đầu tiên của tổ chức The Ocean Cleanup để cùng nhau thúc đẩy hành động chung và các giải pháp thiết thực trong việc bảo vệ môi trường đồng bằng sông Cửu Long”, ông Leonardo Garcia, Tổng Giám Đốc công ty Coca-Cola Việt Nam và Cam-pu-chia cho biết.
Ông Leonardo Garcia, Tổng Giám Đốc công ty Coca-Cola Việt Nam và Cam-pu-chia |
Bên cạnh làm sạch sông Cần Thơ, hai bên cũng đang làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị quản lý tại địa phương trong việc nghiên cứu rác thải nhằm nâng cao hiểu biết về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải trên sông Cần Thơ, từ đó mở rộng quy mô dự án một cách phù hợp.
Tham quan hệ thống làm sạch trên sông Cần Thơ |
“Thời gian triển khai Dự án thử nghiệm Interceptor™ vừa qua tại Cần Thơ là một minh chứng khẳng định rằng với nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ có cách thực hiện hiệu quả thông điệp “Chống rác thải nhựa” thông qua các giải pháp kỹ thuật khả thi, thiết thực. Chúng ta hy vọng, tin tưởng Dự án này sau khi bàn giao sẽ tiếp tục duy trì vận hành với hiệu quả cao để câu chuyện thu gom rác không đơn thuần chỉ diễn ra trên sông Cần Thơ, mà sẽ được thích ứng, nhân rộng ra các con sông, kênh rạch khác ở Việt Nam. Đó cũng là lộ trình góp phần đưa hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa trở thành ngành công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam”, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện.