Trên đường hội nhập, đã không ít doanh nghiệp (DN) “trắng tay” sau mỗi lần vướng vòng kiện tụng vì ý thức pháp luật còn hạn chế và luôn bối rối trong “rừng” các qui định pháp luật, nhất là về pháp luật quốc tế. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý (HTPL) đã được triển khai song thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề khúc mắc.
LS Đào Ngọc Chuyền: “LS và DN phải là bạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ lẫn nhau”. |
Còn tình trạng “thà vi phạm còn hơn thiệt hại”
Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Điều khẳng định, DN rất cần được HTPL vì cả doanh nhân và người tư vấn về pháp lý cho họ đều đang “u u, minh minh về pháp luật nước ngoài, vốn như ma trận, nên động đâu là thua đấy, không biết đường nào mà đi”. Cũng chính vì thế mà nhiều DN đành từ chối những đơn hàng xuất khẩu tốt bởi lo ngại lợi nhuận thu được không đủ để giải quyết những rủi ro pháp lý phát sinh.
Thêm vào đó, trong hoàn cảnh các qui định pháp luật chưa thống nhất thì người thực thi pháp luật lại góp phần là rối thêm bởi những thủ tục “hành nhau là chính”, càng giải đáp các thắc mắc của DN càng khiến DN hoang mang khiến DN càng thêm khó khăn khi vận dụng qui định pháp luật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thậm chí dẫn đến nghịch lý là vi phạm pháp luật trở thành phổ biến vì như nhận xét của LS.Trương Thanh Đức và LS.Trần Minh Hải (Công ty Luật Basico): “Cái giá phải trả cho việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhiều khi đắt hơn so với việc vi phạm pháp luật”, xuất phát từ những vấn đề mập mờ, khó hiểu, chồng, chéo, mẫu thuẫn trong các văn bản pháp luật.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là còn có nguyên nhân từ chính ý thức tìm hiểu các chính sách, qui định pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của bản thân các chủ DN, nhất là những DN vừa và nhỏ. Đây là vấn đề đáng lưu tâm đòi hỏi cả nhà nước và DN phải có giải pháp nhằm thúc đẩy tính chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức pháp luật của chủ DN để tránh việc những rủi ro vì thiếu hiểu biết trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
DN cần bạn đồng hành về pháp lý
Các vấn đề trong quá trình phát triển cũng như qui định pháp luật rất đa dạng và luôn có sự biến động nên mỗi DN không thể tự mình “thâu tóm” được toàn bộ mà vẫn cần đến sự hỗ trợ, quan tâm từ phía Nhà nước thông qua hoạt động HTPL.
Ông Nguyễn Bá Vinh (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) cho biết, thông qua các hoạt động HTPL, các DN ở Hà Nội đã có nhiều chuyển biến về nhận thức trong việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật. Từ đó, đem lại kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn, giảm thiểu những tranh chấp, rủi ro gặp phải. Vì thế, như nhận định của ông Nguyễn Trọng Điều, vấn đề không nằm ở số lượng những hoạt động mà quan trọng là để HTPL đi vào thực chất, gắn kết với những hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Vì thế, phải xây dựng một giải pháp mang tính tối ưu để tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ HTPL cho DN với các tổ chức đại diện cho DN tham gia thực hiện, tận dụng được nguồn lực trong công tác HTPL, tập trung vào một số đối tượng cụ thể không dàn trải với phạm vi quá rộng sẽ khó mang lại hiệu quả thiết thực. “Và điều cơ bản là muốn HTPL cho DN thì phải thông qua các “kênh” dẫn pháp luật thâm nhập vào DN, quan trọng nhất là các tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý và lực lượng pháp chế DN” – LS.Trương Thanh Đức đề nghị.
Như vậy, phát triển đội ngũ LS và pháp chế là vấn đề then chốt trong việc đảm bảo tính hiệu quả của HTPL cho DN, làm cầu nối thông suốt giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh và các qui định pháp luật. LS.Nguyễn Chiến (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội) nhấn mạnh đến sự đồng hành giữa LS và DN bên cạnh việc DN “tự lo cho bản thân thông qua việc kiện toàn đội ngũ pháp chế DN chuyên nghiệp.
Huy Anh