Thưa ông, nhiệm vụ và hoạt động của phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tại Việt Nam là gì? Và KCCI đã hỗ trợ thế nào cho các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam?
Ngoài trụ sở chính đặt tại Hàn Quốc, KCCI có đặt 2 văn phòng đại diện tại Trung Quốc và Việt Nam. Những văn phòng này có nhiệm vụ hỗ trợ DN Hàn Quốc đang đầu tư tại rất nhiều nơi ở Việt Nam, Trung Quốc và một số Quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á về mọi vấn đề liên quan.
Ở Việt Nam, KCCI luôn nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam dành cho DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, KCCI cung cấp thông tin và tư vấn cho các DN Hàn Quốc có ý định đầu tư tại Việt Nam.
Khi đặt văn phòng tại Việt Nam, bước đầu tiên KCCI làm là giúp đỡ Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phát triển thành tổ chức có thể có vai trò đại diện cho DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, KCCI cùng tổ chức các hội thảo, diễn đàn với hiệp hội để lắng nghe ý kiến của các DN về tình hình kinh tế Việt Nam. Thông qua đó, KCCI sẽ đưa ra các giải pháp có thể thích ứng nhanh trước sự biến đổi của thị trường. Đồng thời là trung tâm hỗ trợ, giải quyết thắc mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, KCCI còn hợp tác với Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm giúp đỡ doanh nghiệp hai nước Hàn - Việt. Cụ thể: Giúp đỡ các đoàn DN Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc và giúp đỡ các DN tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua các hội thảo. Bên cạnh đó, KCCI phối hợp cùng VCCI giải quyết thắc mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ngoài những nhiệm vụ trên, KCCI còn là văn phòng đại diện của khu vực Đông Nam Á. Theo đó, KCCI hỗ trợ Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Malaysia, Indonesia, đồng thời cung cấp các tài liệu về các quốc gia đầu tư khu vực Đông Nam Á cho các DN Hàn Quốc có ý định đầu tư. Cũng qua diễn đàn Mekong, chúng tôi hỗ trợ các dự án của DN các quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong.
Hiện tại có bao nhiêu doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thưa ông?
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, tôi được biết có rất nhiều DN Hàn Quốc đến Việt Nam đầu tư. Theo báo cáo mới nhất mà KCCI cập nhật, hiện nay có khoảng 3.4000 DN Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Và con số này sẽ không dừng lại. Theo đánh giá của tôi, trong tương lai không xa, nhiều DN Hàn Quốc sẽ đến Việt Nam đầu tư. Bởi Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng.
Vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như ưu điểm, nhược điểm của môi trường kinh doanh ở Việt Nam?
Theo tôi, Việt Nam có tiềm năng và ưu điểm lớn là nguồn lao động dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Sức trẻ là đặc điểm nổi trội của tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam. Nhờ đó, lao động Việt Nam dễ tiếp thu cái mới, nắm bắt công nghệ nhanh… Đây là những tiêu chí rất cần đối với các DN Hàn Quốc khi tuyển lao động. Tôi cũng phải công nhận người lao động của các bạn rất khéo tay, học việc rất nhanh, trách nhiệm cao và giá nhân công lại rẻ…
Ở Việt Nam có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Ngoài những tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, Việt Nam có lợi thế để phát triển du lịch. Hầu như ở địa phương nào của Việt Nam cũng có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ như Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng hay những giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng được UNESCO công nhận… Con người Việt Nam lại thân thiện, nền chính trị ổn định… là nhân tố thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế mà các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm, đầu tư vào thị trường này.
Còn nhược điểm, đó là sự thiếu thốn của cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là giao thông chưa thực sự phát triển lớn mạnh. Để thu hút hơn nữa đầu tư, cần chú trọng phát triển giao thông. Khi tôi đi thăm tỉnh Hà Giang, tôi đã mất 8 tiếng ngồi trên ô tô để đến được địa điểm cần đến, muốn rút ngắn thời gian cũng không được bởi không còn phương tiện nào để đi. Ngồi 8 tiếng để đến một địa điểm, ở lại đó vài tiếng rồi về, thật khiến người ta mệt mỏi…
Nguồn tài nguyên du lịch phong phú và tính khả thi đầu tư cao nhưng thiếu tính tiếp cận, cơ sở hạ tầng thiếu, cần xây dựng sân bay và cải thiện đường xá. Thủ tục hành chính chậm trễ, mất quá nhiều thời gian để nhận được các giấy phép cần thiết… Chỉ cần khắc phục được một số hạn chế trên, tôi tin kinh tế Việt Nam còn phát triển hơn nữa.
Trong thời gian nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông có những kế hoạch nào để tăng cường thúc đẩy thương mại giữa hai nước?
Nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam là 4 năm. Để tăng cường thúc đẩy giao thương, chúng tôi hợp tác với VCCI và chia sẻ vấn đề kinh tế của hai Quốc gia. Giúp đỡ cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường đầu tư, nỗ lực hợp tác với chính phủ hai nước khám phá hiện tượng giao thương và giải quyết khúc mắc. Đồng thời nỗ lực chuyển tải ý kiến của DN để có thể đi đến ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.
Cụ thể hơn là, chúng tôi hợp tác với VCCI để có thể phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn, trao đổi ý kiến vì sự hợp tác kinh tế giữa 2 nước. Đồng thời hỗ trợ dự án của các đoàn doanh nghiệp hai nước khi doanh nghiệp Việt Nam sang thăm Hàn Quốc và ngược lại. Sau đó thúc đẩy các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo hai phòng thương mại và công nghiệp.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các DN hai Quốc gia. Cụ thể là nỗ lực chuyển tải các vướng mắc, khó khăn của DN Hàn Quốc tới Chính phủ Việt Nam và cải thiện môi trường kinh doanh. Lắng nghe ý kiến của DN Việt Nam và cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh.
Hiện nay, rất nhiều DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội phát triển tại Hàn Quốc, đặc biệt là việc xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu trong nông nghiệp, thủy hải sản. Ông có lời khuyên hay kiến nghị nào cho các DN Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc?
Để xuất khẩu sang Hàn Quốc, các DN Việt Nam cần phải hiểu rõ thủ tục thông quan của Hàn Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Khác với một số Quốc gia khác, thủ tục kiểm dịch của Hàn Quốc rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, DN Việt Nam cũng cần phải hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc và chế độ hải quan đặc biệt của Hiệp định thương mại (FTA), chứng nhận C/O (Chứng nhận xuất xứ)…
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
Tính đến nay, Hàn Quốc có hơn 3.392 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 25,7 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước cũng tăng từ 0,5 tỷ USD (1992) lên 21,1 tỷ USD (2012), tăng 42 lần trong vòng 20 năm. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn là nhà tài trợ ODA (nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài) lớn thứ 2 cho Việt Nam với khoảng 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi cam kết cho giai đoạn 1012 – 2015. Có thể nói, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.