Tăng cường các chốt kiểm dịch
Tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện nay xảy ra nghiêm trọng và có chiều hướng lan rộng. Đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố xảy ra dịch. Tại Thái Nguyên, theo báo cáo, dịch đã xảy ra trên địa bàn huyện Phú Bình và được phát hiện khi hai hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Úc Kỳ và xã Kha Sơn có tình trạng đàn heo hai hộ này có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn rồi chết. Công tác chống dịch đang được địa phương này khẩn trương thực hiện.
Tại xã Hồng Tiến, chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi được đặt ngay ở đường vào của xã. Gác chắn barie được lập lên chắc chắn, vững chãi, đi kèm với nó là bình xịt khử trùng, khử độc luôn được sẵn sàng trong mọi tình huống khi có người dân chuyên chở lợn đi qua để kịp thời phun khử. Theo quan sát của phóng viên, vôi bột được chính quyền địa phương chỉ đạo rải trắng xóa dọc đường vào xã, giường chiếu được kê gọn gàng đảm bảo cho ca, kíp túc trực 24/24 giờ. Trên bảng dán là lịch trực và ghi nhận những trường hợp bị phát hiện chuyên chở lợn vượt qua tuyến đường này vào xã.
Trao đổi với PV, ông Dương Văn Lụa, Công an viên chốt giữ điểm chốt dịch này cho biết: Riêng xã Hồng Tiến đã lập ra 6 chốt canh giữ sự vận chuyển lợn qua xã này. Chốt này đã được lập cách đây 4 ngày và đã phát hiện được 5-6 trường hợp vận chuyển lợn vào địa bàn. Tuy nhiên, khi qua các chốt chúng tôi đều phun thuốc sát trùng, khử độc và yêu cầu người vận chuyển phải quay trở lại không cho vào địa bàn xã. Quan điểm của chúng tôi là nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Trong khi đó, tại Nam Định ngay sau khi kết quả xét nghiệm các mẫu lợn hộ gia đình ông Phạm Văn Kiên xóm 9, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh cho kết quả dương tính vào ngày 10/3, ngay lập tức 80 con lợn đang được nuôi nhốt tại đây với tổng trọng lượng 2.080kg đã được đem đi tiêu hủy hoàn toàn. Cùng với việc tiêu huỷ đàn lợn nhà ông Kiên, Chi cục Thú y Nam Định đã phối hợp với huyện Trực Ninh tiến hành phun thuốc, rải vôi bột tiêu độc, khử trùng tại điểm phát dịch cũng như toàn bộ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của dịch trên địa bàn xã Trực Thắng.
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay: Hiện Nam Định đã thành lập một đội kiểm dịch động vật lưu động liên ngành và 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành đóng tại quốc lộ 10 (TP Nam Định); trạm thu phí Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc); khu vực gần chân cầu Non Nước - quốc lộ 10 (huyện Ý Yên) và bến phà Sa Cao (huyện Xuân Trường) với nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông; phun thuốc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định phòng, chống dịch của pháp luật.
“Có thể nói các đường vào tỉnh chúng tôi đã lập chốt chặn để không vận chuyển ra, vận chuyển vào. Đối với xã Trực Thắng, chúng tôi chỉ đạo khoanh vùng lại kiên quyết không cho vận chuyển lợn ra cũng như vận chuyển vào. Đối với hộ phát hiện dịch vừa rồi chúng tôi cho tiêu hủy ngay. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân. Nhận thức điều đó chúng tôi chỉ đạo cán bộ bám sát địa bàn, liên tục vận động nhân dân không dấu dịch. Khi phát hiện lợn bị ốm là phải báo ngay cho cơ quan thú ý để lấy mẫu gửi đi xét nghiệm” - ông Nghị nói và cho biết tỉnh đang thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy bằng 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái.
Được biết, toàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 760 nghìn con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 152.173 tấn. Vì vậy, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh thì việc tuyên truyền để người dân tích cực tiêu thụ thịt lợn rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng cũng là cách để ổn định thị trường, ủng hộ người nông dân.
Tập trung khoanh vùng, dập dịch
Tương tự, tại Thừa Thiên Huế, sau khi các ngành chức năng xác nhận, dịch tả lợn Châu Phi đã lan đến địa bàn, tỉnh đã khẩn cấp khoanh vùng, cấm tiêu thụ, mua bán, giết mổ lợn ở địa bàn có dịch. Đồng thời, lập thêm chốt kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, ngay sau khi phát hiện có dịch tả lợn tại huyện Phong Điền, Chi cục Thú y đã tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh và tiến hành tiêu độc khử trùng. Ban chỉ đạo các xã đã tiến hành kiện toàn, thành lập các chốt xung quanh khu vực ổ dịch để phong tỏa người ra vào cũng như các loại gia súc, gia cầm. Đồng thời triển khai rà soát nhằm thực hiện việc không mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn thôn Hiền An.
Sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi và nguy cơ dịch bệnh lây lan trên địa bàn, UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành họp dân để tuyên truyền và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tiêu độc khử trùng, rải vôi tại hộ chăn nuôi ở thôn Hiền An và khu vực, các xã lân cận ổ dịch.
Ngoài huyện Phong Điền, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư chủ động ứng phó kịp thời nếu phát hiện ổ dịch tiếp theo...
Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, ngoài việc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh thì việc phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, dập dịch là công tác quan trọng bậc nhất. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các hộ nuôi, doanh nghiệp, hợp tác xã phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, thông báo kịp thời tình hình đàn lợn của mình. Việc chẩn đoán bệnh khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng mà cần lấy mẫu xét nghiệm. Vì thế, người dân phải báo ngay với cơ quan chức năng liên quan để kịp thời phát hiện dịch và có giải pháp tiêu hủy hạn chế lây lan.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong tỉnh tiêu thụ; không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Kiểm soát buôn bán vận chuyển lợn cảnh: Bộ NN&PTNT vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn cảnh bất hợp pháp.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền cơ sở tập trung tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn cảnh mini qua biên giới; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép lợn cảnh mini không rõ nguồn gốc, lợn cảnh nhập lậu.