Hôm nay (8/8), Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố điểm sàn nhưng hầu hết các trường ĐH đã đưa ra điểm chuẩn dự kiến và thậm chí đưa ra nhiều “chiêu" hút” thí sinh trượt NV1. Cửa vào ĐH dù đã được nới rộng với thí sinh điểm cao vẫn trượt nhưng với các trường dân lập và trường tốp dưới, “cuộc chiến” xét tuyển xem ra không "giảm nhiệt" với cả thí sinh thấp điểm…
Tin vui từ các trường công…
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ sẽ công bố điểm chuẩn NV1, xét tuyển các nguyện vọng bổ sung (NV2, NV3) sau khi có điểm sàn của Bộ. Mọi thủ tục, điều kiện xét tuyển các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường cao đẳng thuộc các đại học) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0).
Nguyên tắc xét tuyển các trường lấy điểm từ cao xuống đến hết chỉ tiêu. Do vậy, thí sinh cần theo dõi chặt chẽ thông tin nhận hồ sơ xét tuyển của các trường để dự đoán khả năng đỗ của mình.
|
Nhiều trường dùng các "chiêu, trò" để lôi kéo thí sinh đăng ký |
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, dự kiến điểm chuẩn năm nay tương đương với năm 2011 khoảng từ 16 điểm trở lên với hệ ngoài ngân sách. Ông Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện cho biết, để nâng cao chất lượng đầu vào, Học viện dành 50% chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2. Năm 2012, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có 2.200 chỉ tiêu đào tạo. Trường ĐH Hà Nội dự kiến điểm chuẩn cao hơn năm trước có thể tăng từ 1- 2 điểm nhưng trường vẫn dành 200 chỉ tiêu xét tuyển NV tiếp theo.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên là hơn 2.300, số thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên là gần 1.600. Trong khi đó, chỉ tiêu vào trường là 4.300. Dự kiến trường sẽ lấy điểm thi bằng điểm sàn và sẽ xét tuyển nguyện vọng tiếp theo.
Ông Trịnh Đình Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, năm nay điểm thi của trường cao hơn năm trước nhưng trường dự kiến trường sẽ dành 20-30% chỉ tiêu tuyển NV bổ sung để bảo đảm chất lượng đầu vào. Theo thống kê điểm thi, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh chỉ có hơn 50 thí sinh đạt điểm ba môn từ 13 điểm trở lên trong khi trường có 800 chỉ tiêu ĐH. Do vậy, nhà trường thông báo xét tuyển NV2 đối với cả 9 ngành đào tạo ĐH.
Trường ĐH Tài chính- Ngân hàng Hà Nội, số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên cho ba môn chỉ đạt được 1/2 số chỉ tiêu. Theo đó, dự kiến trường sẽ phải tuyển thêm khoảng 400 thí sinh cho NV bổ sung.Tương tự, Trường ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Vinh, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Điều dưỡng Nam Định, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, Công Đoàn, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Thái Nguyên, ĐH Mở Hà Nội… dự kiến dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV tiếp theo.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm nay có trên 5.200 thí sinh đạt 13 điểm trong khi đó chỉ tiêu bậc ĐH năm nay là 5.000. Dự kiến điểm chuẩn nhiều ngành của trường sẽ từ điểm sàn trở lên. Trường dự kiến xét nguyện vọng bổ sung cho các ngành như: Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ may, Công nghệ kỹ thuật điện tử - truyền thông…
Và học bổng “khủng” từ các trường dân lập
Nếu như với các trường tốp đầu, mức điểm sàn của Bộ dù cao hay thấp thì các trường này vẫn ung dung bởi lượng thí sinh chất lượng hàng năm đã biết lượng sức mình khi thi vào trường. Do vậy, mức điểm chuẩn các trường này năm nay thậm chí còn có xu hướng tăng từ 1-3 điểm tùy theo từng chuyên ngành nhưng các trường như ĐH Bách Khoa, ĐH Ngoại thương, Học viện Báo chí tuyên truyền… đều không quan tâm tới thời hạn xét tuyển được kéo dài tới hết năm vì họ gạt không hết thí sinh điểm cao.
Tuy nhiên, do tính phân loại của đề thi, với các trường dân lập, các trường tốp dưới, phổ điểm trung bình của TS dự thi quá thấp nên dù điểm chuẩn dự kiến có bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT ( khoảng 13, 14 điểm) thì số TS trúng tuyển của nhiều trường ĐH cũng không đạt 1/5 chỉ tiêu.
Trường ĐH Đại Nam chỉ có 119 TS đạt 13 điểm trở lên. Với chỉ tiêu là 1.600 thì dù dự kiến điểm đỗ NV bằng điểm sàn, trường này vẫn phải đối mặt với nguy cơ khó tuyển đủ. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ có 279 TS đạt từ 14 điểm trở lên. Nếu so với chỉ tiêu tuyển sinh, trường sẽ phải tuyển tới 1.200 chỉ tiêu các NV. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ có 185 TS đạt 13 điểm trở lên trên tổng số 1.500 chỉ tiêu. Trường này dự kiến sẽ phải xét tuyển hàng ngàn chỉ tiêu với mức điểm từ sàn…
Theo ước tính ban đầu, nếu điểm sàn của Bộ vẫn giữ nguyên như mọi năm và nhiều trường top dưới lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thì đầu vào nhiều trường chưa đạt nổi 20% chỉ tiêu. Theo nguyên tắc, trường muốn tồn tại thì phải có sinh viên, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa ngành học. Chính vì thế, với các trường có tiềm lực về tài chính đã đưa những chiêu “ hút” thi sinh rất quyết liệt…
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh thông báo năm nay có 3 loại học bổng “khủng”: Học bổng toàn phần trị giá 360 triệu đồng cho mỗi TS trúng tuyển NV1 đạt điểm thi 21 trở lên; học bổng toàn phần trị giá 290 triệu đồng cho mỗi TS đỗ NV2 vào trường với điểm thi từ 21 trở lên và nhiều mức học bổng có giá trị từ 30- 50 triệu đồng cho các TS đăng ký xét tuyển NV có điểm thi từ 18- 21 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng dành trên 5 tỷ đồng cho tân sinh viên. Trong đó, học bổng tài năng vượt khó cho TS có đầu vào đạt 22 điểm trở lên và thuộc diện gia đình khó khăn, mức 10 triệu đồng/ năm và miễn 100% học phí. Ngoài ra, thí sinh xét tuyển NV có điểm cao hơn sàn từ 3 - 7 điểm sẽ nhận học bổng từ 3- 7 triệu đồng.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dành 100 suất học bổng toàn phần, trong đó có 80 suất cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt (trị giá gần 200 triệu đồng/suất) và 20 suất cho chương trình dạy bằng tiếng Anh (gần 500 triệu đồng/suất). Ngoài ra còn nhiều mức học bổng tương ứng 5 - 20% học phí...
Tuy nhiên, các “chiêu” đón rước thí sinh này chỉ có được ở các trường có tiềm lực, còn với những trường bất khả kháng thì nguy cơ đóng cửa một số ngành học không có thi sinh là điều hoàn toàn có cơ sở.
Uyên Na