Tiếng là cầu nối giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, song nhiều ban phụ huynh lập ra cốt để… thu tiền và làm bình phong cho lạm thu.
Phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Đầu năm học 2010 – 2011, họp với ban đại diện cha mẹ học sinh (ban phụ huynh) các lớp, ban phụ huynh nhà trường Tiểu học Nam Trung Yên- Hà Nội đưa ra chủ trương lắp rèm và điều hoà cho lớp học. Nhưng các lớp không được tự tiện mua mà phải thông qua ban phụ huynh nhà trường. Theo đó, rèm cửa phải là loại 7,7 triệu đồng/ bộ; điều hoà phải hơn 30 triệu đồng/ 2 máy/ lớp học.
Chỉ đạo này khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Ngay cả người ủng hộ chủ trương cũng cho rằng, không nên mua thiết bị đắt tiền mà để họ tự lựa chọn sản phẩm phù hợp. “Có phụ huynh muốn ủng hộ bằng cách tự may rèm cho lớp con mình hoặc đề nghị chỉ nên mua bộ rèm 4 triệu đồng. Nhưng ban phụ huynh nhà trường không chấp thuận”, một phụ huynh kể.
Do cha mẹ học sinh phản đối gay gắt nên nhiều lớp vẫn chưa thu được tiền mua điều hoà và rèm cửa. Tuy nhiên, tất cả phụ huynh có con học lớp 1 hoặc phụ huynh có con mới chuyển về trường đều phải nộp các khoản này. Làm thủ tục cho con nhập học lớp 1, họ phải đóng tiền tự nguyện, đúng tuyến 500 ngàn đồng, nhưng trái tuyến tối thiểu 1 triệu đồng.
Anh L., một phụ huynh có con vừa chuyển đến học tại trường kể, hôm làm thủ tục nhập học, nhà trường yêu cầu anh đóng 1 triệu đồng tự nguyện với lý do mua điều hòa cho lớp con anh học. Nhưng đến nay, lớp đó không hề có điều hoà. Hỏi ra, mới biết cũng có 10 phụ huynh có con mới vào lớp này phải đóng tiền như anh L.
Không chỉ thu tiền cơ sở vật chất cho trường, ban phụ huynh nhà trường Nam Trung Yên còn đưa ra nhiều loại quỹ. Ngoài các khoản thu tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền an ninh, quỹ phụ huynh trường..., còn thu 50.000 đồng/ học sinh/ năm cho quỹ Ủng hộ các hoạt động của nhà trường.
Trường chỉ mua hộ?
Học sinh tiểu học của Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Phụ huynh nhiều trường khác ở Hà Nội cũng phàn nàn về việc núp bóng ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu. Một phụ huynh trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa), bức xúc: “Không hiểu ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động kiểu gì mà cứ vô tư chi rồi thông báo thu tiền. Mà khoản chi gì, từ photo câu hỏi bài kiểm tra đến mua quyển vở... , cái gì cũng đắt hơn so với giá thị trường. Phụ huynh thắc mắc thì họ bảo đi mà hỏi người mua hộ là nhà trường và giáo viên”.
Ở nhiều trường, ban giám hiệu chỉ làm việc với ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, để mọi khoản thu chi do ban đại diện này phát ngôn. Trao đổi với phóng viên, hiệu trưởng các trường có chung câu trả lời: Tất cả phụ huynh đều có đơn tự nguyện đóng góp, mọi việc đều do ban phụ huynh thu chi, trường không dính dáng gì (?).
Anh V., một phụ huynh trường THPT V.Đ nhận xét: Một nguyên nhân dẫn đến lạm thu là cha mẹ đóng góp quá dễ dãi. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra hào phóng để “lấy điểm” với trường và thầy cô.
“Hôm tôi đi họp phụ huynh, có ý kiến nói tạm thời nộp 300 ngàn đồng tiền tự nguyện. Cô giáo bảo các lớp khác đều nộp 500 nghìn đồng, chưa ai phản ứng thì có mấy phụ huynh rút tiền nộp luôn. Thậm chí có phụ huynh tuyên bố là ủng hộ quỹ lớp thêm 10 triệu đồng”, anh V. chưa hết bức xúc. “Nếu có tiền thì đóng góp đúng nơi, đúng chỗ chứ không phải để tiêu xài ở chỗ ít được kiểm soát như quỹ lớp, quỹ trường”.
Theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, UBND các tỉnh/ thành quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, kể từ khi điều lệ được ban hành đến nay, Hà Nội chưa có quy định cụ thể về việc này. Trước thềm năm học 2010 - 2011, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội hứa sẽ sớm tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản quản lý thu chi quỹ cha mẹ học sinh. Đồng thời, Sở sẽ họp với đại biểu ban đại diện cha mẹ học sinh để quán triệt tinh thần chỉ đạo của thành phố về hoạt động của ban. Song đến nay, lời hứa này chưa được thực hiện. |
Theo Tiền Phong