Hội nghị Trung ương lần thứ 11 tháng 10-2009 bước đầu thảo luận các văn kiện: cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ lên chủ nghĩa xã hội; chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020; đề cương chi tiết trình Đại hội 11 của Đảng. Tại hội nghị Trung ương lần thứ 12 (dự kiến vào cuối tháng 3) các văn kiện trình Đại hội Đảng 11 sẽ được kiện toàn lần cuối, sau đó được đưa ra lấy ý kiến của đông đảo nhân dân.
Đưa ra xin ý kiến nhân dân về đường hướng phát triển đất nước làmột tiền lệ rất đáng quý thể hiện tính dân chủ của Đảng ta. Đáp lại kỳ vọng của Đảng, đông đảo nhân dân ta sôi nổi đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đảng với tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh dân tộc. Khí thế nhân dân đóng góp vào văn kiện của Đảng có thể coi là một “hội nghị Diên hồng” thời hiện đại. Ý kiến của nhân dân được tiếp thu một cách có trách nhiệm, khoa học đã hóa thân vào đường lối phát triển hợp quy luật, sát đời sống tạo nên cốt lõi nhân văn trong các chính sách kinh tế- xã hội của một thể chế chính trị của dân, vì dân, do dân. Đường lối phát triển bắt đầu từ nhân dân thực sự trở thành cây gậy thần định hướng cho sự nghiệp phát triển mới của đất nước.
Nhưng để việc xin ý kiến nhân dân không trở thành hình thức, làm cho lấy có, nhiệm vụ đặt ra với các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan tham mưu và các cơ quan thông tin đại chúng là rất nặng nề. Làm sao để các văn kiện của Đảng đến tay nhân dân? Làm sao các cơ sở Đảng nắm được sâu sát những ước muốn của nhân dân, bức xúc của nhân dân để có thể báo cáo thật với Đảng? Vấn đề quan trọng là làm thế nào nghe hết được ý dân, tập hợp được ý chí của nhân dân để biến thành đường lối phát triển của đất nước thông qua các văn kiện của Đảng.
Đợt sinh hoạt chính trị này đòi hỏi nhận thức cao của toàn Đảng, những cán bộ có trách nhiêm, có tâm và có tầm.
Dương Trọng Dật