Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) ngày 25/9 đã sử dụng vòi rồng để đuổi khoảng 40 tàu cá và 8 tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan (TCG) khỏi vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố thuộc chủ quyền của nước này.
Tàu Nhật Bản (giữa) đã sử dụng vòi rồng để xua đuổi tàu Đài Loan (trái). Ảnh: Kyodonews |
JCG cho biết, lúc 6h ngày 25/9, từ 40 đến 50 tàu cá cùng khoảng 10 tàu hải giám của Đài Loan đã tiến vào biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhóm tàu này thuộc đội tàu đã rời cảng Suao, phía Đông Bắc Đài Loan ngày 24/9 để phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính thuộc chuỗi đảo đang xảy ra tranh chấp.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, sau khi phát đi cảnh báo, yêu cầu nhóm tàu này rời vùng lãnh hải Nhật Bản nhưng không được đáp ứng, JCG đã sử dụng vòi rồng để đuổi tàu Đài Loan. Hình ảnh do Đài truyền hình Nhật Bản NHK công bố cho thấy, tàu của JCG đã phun nước vào đội tàu cá của Đài Loan trong khi tàu tuần tra của vùng lãnh thổ này cũng dùng vòi rồng đáp trả. JCG cho hay, đến 11h40 (giờ địa phương), toàn bộ các tàu của Đài Loan đã rời khỏi vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản coi đây là vụ xâm phạm lãnh thổ của nước này lớn nhất từ chiến tranh thế giới thứ 2.
Phía Nhật Bản đã ngay lập tức đệ trình văn bản phản đối tới Đài Loan, một ngày sau khi nước này gửi thư tương tự, phản đối Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải của nước này.
“Chúng tôi vừa gửi thư phản đối tới phía Đài Loan. Lập trường của chúng tôi là, đây là vấn đề cần phải được giải quyết trên cơ sở mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Nhật Bản và Đài Loan. Chúng tôi muốn xử lý vấn đề này một cách bình tĩnh”, ông Fujimura phát biểu trong một cuộc họp báo.
Theo các chuyên gia, sẽ ít có khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự nhưng một cuộc đụng độ ngoài ý muốn có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trên biển Hoa Đông.
Đáp lại, từ Đài Bắc, Văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Cửu Anh đã lên tiếng ủng hộ “hành động yêu nước” của các ngư dân Đài Loan và biểu dương lực lượng bảo vệ bờ biển đã “dũng cảm” bảo vệ ngư dân. Ông Mã cũng thúc giục chính phủ Nhật Bản tôn trọng quyền đánh bắt của ngư dân Đài Loan.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trong khi đó cho hay, gần 200 tàu Trung Quốc đang đánh bắt cá tại vùng biển xung quanh chuỗi đảo đang xảy ra tranh chấp với Nhật Bản. Tuyên bố của Bộ này không nói rõ liệu tất cả các tàu đều ở khu vực này cùng một thời điểm cũng như khoảng cách của đội tàu này tới nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trước đó, ngày 24/9, 2 tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã lưu lại vùng biển xung quanh Uotsurijima – đảo lớn nhất trong chuỗi Senkaku/Điếu Ngư trong 7 giờ. 2 tàu ngư chính của cũng đã tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý của Nhật Bản. Đến 9h00 (giờ địa phương, 0h00 GMT), vẫn còn 4 tàu hải giám và 2 tàu ngư chính của Trung Quốc đang hiện diện ở vùng tiếp giáp lãnh hải.
Trung Quốc dọa không tha thứ cho Nhật Bản
Trong lúc căng thẳng trên biển với Nhật Bản đang lên cao, Trung Quốc ngày 25/9 đã chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này vào biên chế của lực lượng hải quân.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, tàu sân bay vừa được đặt tên là Liêu Ninh này sẽ “tăng cường sức mạnh tổng thể của hải quân Trung Quốc” và giúp Bắc Kinh “bảo vệ hiệu quả chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển”.
Trên thực tế, theo các nhà phân tích, tàu sân bay, vốn được tân trang lại từ một con tàu cũ mà Trung Quốc mua lại của Ukraine, sẽ chỉ có năng lực hạn chế, chủ yếu là nhằm mục đích huấn luyện và kiểm tra trước khi tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất trình làng sau năm 2015.
Việc chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên vào biên chế của lực lượng hải quân Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Nhật Bản đang lên cao, sau khi Tokyo mua lại một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ các chủ sở hữu tư nhân, dấy lên các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân trong một cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Chikao Kawai nhằm làm dịu căng thẳng giữa 2 nước tuyên bố sẽ không tha thứ bất kỳ hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ nào của nước này từ phía Nhật Bản.
“Nhật Bản cần loại bỏ những ảo tưởng, suy xét và đưa ra những hành động cụ thể để sửa chữa những sai sót của họ, trở lại sự đồng thuận và hiểu biết đã đạt được giữa lãnh đạo 2 nước” – thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Nhật Bản ngày 25/9 đã đệ đơn lên Liên hợp quốc, phản đối bản đồ hải giới sửa đổi mà Trung Quốc đã đệ trình, trong đó đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Các quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết văn bản này khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như các đảo phụ cận. Văn bản cũng nói rằng Tokyo không thể chấp nhận tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.
Dự kiến hôm nay (26/9), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó đề cập tới nguyên tắc luật pháp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Minh Ngọc (theo Reuters, Kyodonews)