Ngày 1/10 Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tiến hành cải tổ nội các nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ông Noda cũng đã có những động thái mà theo các nhà phân tích là nhằm cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, vốn đang căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Ông Noda hôm qua bổ nhiệm nhà lập pháp kỳ cựu của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Koriki Jojima vào vị trí Bộ trưởng Tài chính. Ông Jojima sẽ nhận trách nhiệm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện đang ở bên bờ vực suy thoái do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông Jojima được cho là sẽ tiếp tục đường lối cải cách tài chính theo chủ trương của Thủ tướng Noda, với kế hoạch tăng gấp đôi thuế bán hàng lên 10% vào tháng 10/2015.
Thủ tướng Noda đã giữ lại 8 thành viên trong nội các cũ, trong đó có Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura, Ngoại trưởng Koichiro Gemba, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto. “Đây là cuộc cải tổ nhằm giúp chính phủ và đảng cầm quyền hợp tác để giải quyết một số vấn đề trong nước cũng như ngoại giao mà chúng ta đang đối mặt và củng cố chức năng của nội các” – ông Noda nói.
Cuộc cải tổ nội các lần này được xem là nỗ lực cuối cùng để cải thiện uy tín của DPJ trước cuộc tổng tuyển cử và là cuộc cải tổ lần thứ 3 kể từ khi ông Noda lên nắm quyền vào tháng 9/2011.
Giảm nhiệt căng thẳng với Trung Quốc?
Thủ tướng Nhật trong cuộc cải tổ nội các cũng đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Makiko Tanaka vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học. Bà Tanaka được cho là có quan hệ tốt với giới lãnh đạo Trung Quốc. Cha của bà Tanaka là Thủ tướng Kakuei Tanaka - người đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc 40 năm trước.
Việc bổ nhiệm bà Tanaka vào nội các mới, theo các nhà phân tích là động thái cho thấy Thủ tướng Noda dường như đang muốn khôi phục quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đã gia tăng sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bà Tanaka tuần trước tham gia phái đoàn liên nghị viện giữa 2 nước tới Bắc Kinh.
Tân Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Nhật Bản Makiko Tanaka. Ảnh: Kyodonews |
Ông Noda phủ nhận việc bổ nhiệm bà Tanaka có liên quan đến tranh chấp trên biển với Trung Quốc, khẳng định kinh nghiệm của bà trong lĩnh vực khoa học, công nghệ mới là yếu tố quan trọng trong việc bổ nhiệm bà. Tuy nhiên, ông Takehiko Yamamoto - giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Waseda - cho rằng việc bổ nhiệm bà Tanaka chắc chắn là một tính toán ngoại giao.
“Dù Thủ tướng có nói gì đi nữa thì đây rõ ràng là một tín hiệu và thông điệp tới Trung Quốc” – ông Yamamoto nhận định. “Trung Quốc coi bà ấy là một người rất quan trọng. Bộ trưởng giáo dục là một vị trí then chốt, giám sát việc trao đổi văn hóa giữa Nhật và Trung Quốc và bà Tanaka dự kiến sẽ cải thiện mối quan hệ từ khía cạnh này” – ông Yamamoto nói thêm.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo công bố danh sách nội các mới chiều 1/10, Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng đã khẳng định Nhật Bản không có ý định sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp ở quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông vì Nhật Bản cho rằng không hề tồn tại tranh chấp lãnh thổ chính thức giữa 2 nước.
“Chúng tôi sẽ không xem xét việc sử dụng ICJ” – ông Noda nói và nhấn mạnh không có nghi ngờ nào về việc quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ của Nhật Bản, xét cả về mặt lịch sử và quốc tế. Ông Noda cũng nhấn mạnh cả Nhật Bản và Trung Quốc cần xử lý bình tĩnh tranh cãi xung quanh quần đảo trên thông qua đối thoại.
Hồi tháng 8 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã chính thức đề nghị Hàn Quốc cùng đưa tranh chấp liên quan đến nhóm đảo Takeshima, mà Seoul gọi là Dokdo, lên ICJ để dàn xếp.
Tàu Đài Loan và Trung Quốc lại tiến gần Senkaku/Điếu Ngư
Trong một diễn biến khác, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) ngày 1/10 cho biết, một tàu tuần tra của Đài Loan đã tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải, rộng 12 hải lý từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khi 4 tàu giám sát của chính phủ Trung Quốc đã tiến vào vùng biển này từ 12h30 (giờ địa phương) và lưu lại đây 40 phút. Lúc 9h05, tàu Đài Loan ở cách Uotsuri – đảo lớn nhất trong chuỗi Senkaku/Điếu Ngư 40km về phía Tây.
Tàu tuần tra của JCG đã phát tín hiệu cảnh báo tàu Đài Loan không tiến vào lãnh hải Nhật Bản. Tuy nhiên, tàu Đài Loan đáp lại rằng họ đang bảo vệ ngư dân Đài Loan trong vùng đặc quyền kinh tế của vùng lãnh thổ này.
Tàu tuần tra của JCG vẫn đang tiếp tục giám sát tàu Đài Loan tại vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo mà Đài Loan gọi là Tiaoyutai. Lần cuối cùng các tàu của Đài Loan xuất hiện tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư là ngày 25/9 vừa qua. Ở thời điểm đó, tàu của JCG đã phải dùng vòi rồng để xua đuổi khoảng 40 tàu cá và 12 tàu tuần tra của Đài Loan khi các tàu này tiến vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Minh Ngọc (tổng hợp)