Hôm nay (11/3), Nhật Bản tưởng niệm hàng nghìn nạn nhân của trận động đất và sóng thần hung dữ tàn phá vùng Đông Bắc quần đảo này cách đây một năm (11/3/2011) và gây ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trên thế giới từ 1/4 thế kỷ nay. Một năm đã trôi qua, chính quyền và người dân Nhật Bản kiên cường vượt qua nỗi đau để tái thiết đất nước cùng với sự chia sẻ của toàn thế giới, song họ vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước.
Nhật hoàng và hoàng hậu trước đài tưởng niệm các nạn nhân xấu số của trận sóng thần. Ảnh: AFP |
Tiếp tục nỗ lực tái thiết
Nếu chính quyền các địa phương Nhật Bản khử nhiễm xong khu vực bị ô nhiễm phóng xạ sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, thì một số người dân sơ tán có thể sẽ được phép trở về nhà mình trong vài năm tới. Tuy nhiên, nhiều người khác có thể phải đợi nhiều thập kỷ, bởi vì một số thành phố đã trở nên quá nguy hiểm và chưa thể là nơi cư trú cho dân chúng.
12 tháng sau thảm họa, công ty điện lực Tokyo (Tepco) – công ty quản lý nhà máy Fukishima Daiichi – đã bồi thường một số khoản tiền cho những người phải chạy đi sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, song vẫn còn nhiều việc phải làm.
Khoảng 340.000 người hiện sống trong những ngôi nhà tạm, chủ yếu là tại 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm Iwate, Miyagi, và Fukushima.
Ngoài việc phải hoàn trả những chi phí cho việc sơ tán, Tepco đã bồi thường cho người dân trong khu vực nói trên vì “nỗi đau tinh thần” 120.000 yen (tương đương gần 1.600 USD) mỗi tháng.
Đối với 1,5 triệu người sống ngoài khu vực nói trên, nơi đất nông nghiệp bị ô nhiễm và hoạt động thương mại bị cắt đứt, Tepco chi một khoản bồi thường 400.000 yen (tương đương hơn 5.200 USD) cho những phụ nữ mang bầu và trẻ em, số tiền này được cộng thêm 200.000 yen (hơn 2.600 USD) cho những người tự nguyện sơ tán và chỉ thêm 80.000 yen (hơn 1.000 USD) đối với tất cả những người khác. Hiện Tepco đang tiếp tục xử lý các hồ sơ và đã tăng số cán bộ xử lý hồ sơ từ 3.000 lên tới 10.000 người. Tuy nhiên, công việc của họ còn quá bộn bề…
Kể từ tháng 12 năm ngoái, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushiam được đánh giá là ổn định, song khu phức hợp nguyên tử vẫn còn cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là đối với khoảng 3.000 người lao động làm việc ở đây mỗi ngày. Mặc dù không người nào tử vong vì phóng xạ bị rò rỉ ra sau thảm họa động đất và sóng thần ngày, song chính quyền vẫn cảnh báo hậu quả xảy ra trong tương lai của thảm họa vốn được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ thảm họa Tchernobyl năm 1986 đến nay.
Mức độ phóng xạ vẫn còn chưa an toàn khiến cho các cán bộ và công nhân tại đây bắt buộc phải mặc những bộ quần áo và đeo mặt nạ chuyên dụng khi làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian 3 hoặc 4 giờ mỗi ngày đối với mỗi người. Dự kiến việc phá dỡ nhà máy này đòi hỏi phải huy động nhiều nghìn người làm việc trong vòng 4 thập kỷ tới.
Q.M (theo AFP, AP)