Lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ qua, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách chi tiêu quân sự trong năm 2013. Ngày 8/1, Tokyo cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối sự hiện diện của tàu công vụ của Bắc Kinh tại vùng biển xung quanh quần đảo đang tranh chấp giữa 2 nước.
Tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: ST |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ xem xét lại chương trình phòng thủ cơ bản dài hạn của nước này, vốn được chính phủ của đảng Dân Chủ Nhật Bản (DPJ) soạn thảo từ 2 năm trước. Theo quy định trong chương trình quốc phòng hiện nay, “Nhật Bản sẽ tìm cách cắt giảm chi phí nhân sự và nâng cao hiệu quả”, trong đó kêu gọi cắt giảm khoảng 1.000 binh sỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe lại muốn tăng chi tiêu quốc phòng và nhân sự. Ông Abe – người đã dẫn dắt đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 16/12/2012 - cũng nói rằng ông muốn nới lỏng những hạn chế về quân sự trong bản hiến pháp hòa bình của Nhật Bản năm 1947. Theo tờ Yomiuri, chính phủ mới tại Nhật Bản sẽ xếp xó bản “Chỉ đạo Chương trình Quốc phòng” hiện tại và soạn thảo văn bản chỉ đạo mới cho từng hạng mục trước tháng 12 tới đây.
Một quan chức thuộc LDP cho hay, ủy ban về quốc phòng của đảng đã quyết định sẽ thúc đẩy kiến nghị tăng ngân sách quốc phòng thêm 100 tỉ yên (1,15 tỉ USD) trong năm tài khóa mới, bắt đầu từ tháng 4 tới đây, để đáp lại một hành động khiêu khích từ Bắc Kinh. “Chúng tôi đã quyết định rằng khoản ngân sách bổ sung này sẽ được dùng để nghiên cứu một hệ thống radar mới cùng những khoản chi phí nguyên liệu và chi phí bảo trì các máy bay cảnh báo sớm” – vị quan chức của LDP nói với hãng tin AFP. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã giảm 10 năm liên tiếp xuống còn 4,65 nghìn tỉ yên (53 tỉ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 tới đây.
Thông tin trên được công bố cùng lúc với việc Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đến để phản đối việc 4 tàu công vụ của Bắc Kinh ngày 7/1 lại tiếp tục xâm nhập vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Akitaka Saiki đã gặp đại sứ Trung Quốc Cheng Yonghua lúc 11h00 sáng 8/1 (2h00 GMT). Tại cuộc gặp, ông Saiki đã bày tỏ sự “phản đối mạnh mẽ đối với việc tàu của chính phủ Trung Quốc xâm nhập và lưu lại một thời gian dài trong lãnh hải Nhật Bản, cũng như mạnh mẽ yêu cầu những hành động tương tự sẽ không tái diễn”.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đại sứ Cheng đã đáp lại bằng cách tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo, nhưng cho biết sẽ báo cáo lập trường của Tokyo với Bắc Kinh. Trước đó, ngày 7/1, Bộ Ngoại giao Nhật cũng đã gọi điện thoại đến đại sứ quán Trung Quốc để phản đối sự xâm nhập của các tàu Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng Abe triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối, phản ánh rõ quan điểm cứng rắn mà ông Abe đã tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử.
Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cũng được đưa ra trong bối cảnh đang có sự lo lắng trước những động thái khó đoán định của Triều Tiên, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa qua đi qua các đảo ở phía Nam Nhật Bản hồi tháng trước. Triều Tiên khẳng định đó là một vụ phóng vệ tinh nhưng Tokyo và các đồng minh đều nói rằng đây là một cuộc thử tên lửa đạn đạo.
Ông Abe đã cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Mỹ và các nước khác trong khu vực, trong đó có Australia và Ấn Độ để tạo đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng mạnh về kinh tế và sức mạnh quân sự. Mỹ hiện có khoảng 47.000 binh lính đồn trú tại Nhật Bản, sau khi Tokyo bị tước quyền duy trì một lực lượng quân sự chính thức sau Chiến tranh thế giới II. Việc chính phủ Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng chắc chắn sẽ được Washington - từ lâu đã kêu gọi Tokyo kề vai gánh vác an ninh khu vực - ủng hộ. Tuy nhiên, những nỗ lực để củng cố quân sự của Nhật Bản thường vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Minh Ngọc (Theo AFP, Reuters)