Liên tục trong 4 ngày qua, gần 200 công nhân Công ty TNHH Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên may gia công, địa chỉ ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nháo nhác đổ xô đi tìm ông chủ người Hàn Quốc để đòi trả lương. Thế nhưng, có vẻ như mọi nỗ lực của công nhân đều trở nên vô vọng khi vị giám đốc này đã “cố thủ” nơi quê nhà. Công nhân vác đơn kiện tứ tung.
Công nhân Công ty TNHH Kyung Sung Vina bị chậm lương 3 tháng nay. |
Vụ việc manh nha từ thời điểm tháng 7/2013 khi công ty không trả nổi tiền lương cho CN. Sau khi có sự can thiệp của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH ) và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hóc Môn, ngày 23/8 công ty mới chịu tạm ứng cho mỗi công nhân 1 triệu đồng tiền lương tháng 7. Các lãnh đạo công ty cũng hứa với công nhân là đến ngày 10/9 sẽ thanh toán hết tiền lương còn nợ của tháng 7.
Thế nhưng, đúng hẹn ngày 10/9, các công nhân lên gặp ban lãnh đạo để hỏi lương thì được trả lời là… không có. Quá uất ức vì tin lời công ty mà mấy tháng rồi phải chạy vạy, vay mướn để đóng tiền nhà trọ, tiền ăn uống qua ngày, tập thể công nhân đã ngừng việc để yêu cầu lãnh đạo công ty Kyung Sung Vina phải trả đủ lương.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng và tập thể công nhân, bà Nguyễn Thị Kim Oanh – trưởng phòng nhân sự, nguời được giao quản lý công ty cho biết, công ty Kyung Sung Vina do ông Jung Young Woo làm giám đốc, là đại diện theo pháp luật, bà Oanh cũng chỉ là người làm thuê. Gần cả năm nay ông Jung Young Woo không hề có mặt ở Việt Nam, mà chỉ điều khiển công việc thông qua… điện thoại. Thế nhưng mấy ngày nay, trước áp lực của công nhân, bà Oanh đã nhiều lần điện thoại cho ông Woo để báo cáo tình hình thì không liên lạc được.
Theo bảng tính công và các thông tin công nhân cung cấp, hiện công ty còn nợ lương của họ gần 500 triệu đồng, chưa kể nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng hàng trăm triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Thu – Chủ tịch LĐLĐ quận Hóc Môn thở dài: “Chúng tôi đã báo cáo lên thường trực LĐLĐ thành phố, đồng thời đề nghị Phòng LĐTBXH quận đề xuất lên Sở có văn bản yêu cầu Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM liên lạc, “mời” ông Jung Young Woo qua Việt Nam để giải quyết”.
Trong khi đó, bị rơi vào tình cảnh vô vọng, các công nhân đã tổ chức kéo nhau lên các cơ quan chức năng của huyện Hóc Môn để đề nghị can thiệp. Thế nhưng, không hiểu có vị nào đó trong UBND huyện tư vấn mà hàng trăm công nhân nháo nhác đi mua giấy làm đơn khởi kiện để nộp lên TAND huyện Hóc Môn.
Trong khi đây là DN 100% vốn nước ngoài, do cá nhân người nước ngoài làm đại diện theo pháp luật, theo khoản 3, điều 33, Bộ luật Tố tụng Dân sự (đã sửa đổi, bổ sung) thì vụ việc thuộc thẩm quyền thụ lý của TAND cấp tỉnh, thành phố. Giữa lúc khó khăn, mua mỗi tờ đơn như vậy công nhân lại phải mất cho tòa huyện 5.000 đồng mỗi người.
Luật sư Trần Mạnh Thắng, Đoàn Luật sư TP.HCM ngao ngán: “Không giúp gì được công nhân thì thôi, chứ hướng dẫn kiểu này để công nhân mất thêm thời gian, công sức, tiền bạc, hóa ra lại làm khó thêm cho người lao động”. Theo luật sư Thắng, trong vụ này cách giải quyết thông thường là yêu cầu Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc liên lạc với ông Jung Young Woo về Việt Nam giải quyết, nếu ông Woo không quay lại thì có thể xác định chủ doanh nghiệp bỏ trốn và giải quyết theo thủ tục phá sản. Có như vậy mới nhanh chóng đảm bảo quyền lợi công nhân.
Điều đáng nói là tại địa bàn TP.HCM nhiều năm qua có hàng loạt vụ chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn như vậy, nhưng cách giải quyết của cơ quan chức năng lại không triệt để. Nhiều vụ cứ họp đi họp lại rồi… để đó, nhà xưởng, máy móc bỏ hoang nằm không theo nắng mưa nhiều năm, công nhân tứ tán.
Lam Sơn