Dịch cúm A/H5N1 đã quay trở lại tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều biện pháp cấp bách để khoanh vùng, dập dịch đã được triển khai. Tuy nhiên, mọi công sức con người đổ ra có thể bị “phủ nhận” chỉ bởi con vịt chạy đồng.
Gia cầm nuôi mới không tiêm phòng vắc-xin là nguyên nhân lây lan dịch cúm gia cầm |
Tại ĐBSCL, thật ra một số địa phương đã ghi nhận cúm gia cầm H5N1 nhỏ lẻ trước khi dịch cúm bùng phát ở Đồng Tháp và Tiền Giang. Tuy nhiên, các thông tin này gần như đều rơi vào “thinh không”; chỉ đến khi Đồng Tháp ghi nhận ca tử vong đầu tiên do cúm A/H5N1 là một bé trai 4 tuổi tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh và dịch cúm H7N9 bùng phát ở Trung Quốc thì chuyện phòng chống dịch cúm gia cầm mới được hâm nóng.
“Trong điều kiện chăn nuôi ngoài trời như hiện nay, mầm bệnh lưu tồn rất đa dạng, gần như người dân phải sống chung với dịch bệnh. Ý thức của cộng đồng về dịch cúm gia cầm hiện nay là chưa trọn vẹn, nhiều người chủ quan, rất đáng lo ngại. Dịch cúm cứ như treo lơ lửng.” – một cán bộ thú y ở ĐBSCL nhận định.
Ngành thú y ĐBSCL hiện nay đang lo “sốt vó” với đàn thủy cầm chăn nuôi “ngoài trời” – cụ thể là vịt chạy đồng. Thời điểm năm 2005, được xem là đỉnh điểm của dịch cúm H5N1 ở Việt Nam khi cả nước phải tiêu hủy hơn 45 triệu con gia súc, gia cầm. Khi đó, nhiều chuyên gia nhận định: quản lý vịt chạy đồng là khó nhất trên bản đồ dịch tễ! Tâm điểm hiện nay là quản lý chặt đàn vịt. “Trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ khó kiểm soát như hiện nay, cúm gia cầm rất dễ lây nhiễm. Ngành thú thú y trong tỉnh đang dàn mạng lưới thú y để giám sát chặt chẽ; ghi nhận các biểu hiện lạ, lấy mẫu và gởi xét nghiệm nhanh, để kịp thời khoanh vùng, xử lý ngay các ổ dịch” – ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Thú y Hậu Giang cho biết.
Những “lỗ hổng” lớn
Khác với gà, vịt mang bệnh khó có thể nhận ra qua những biểu hiện bên ngoài. Có lúc nhiều địa phương đã áp dụng hình thức “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với đàn vịt chạy đồng khi phát hiện dịch cúm, mặc dù đây là giải pháp thụ động khi mạng lưới thú y quá mỏng, còn người dân lơ là trong tiêm phòng vắc - xin. Nhiều người đề xuất nên “dời vịt chạy đồng” vào mô hình chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học. Mô hình này được nhiều địa phương trong vùng áp dụng. Tuy nhiên, theo tập quán lâu nay người dân vẫn quen thả vịt ăn mót lúa sau khi thu hoạch để “tiết kiệm” tiền thức ăn.
Ngành thú y đang dồn lực để tiêm phòng vắc-xin nhưng vấn đề hiện nay là các địa phương gần như không thể có đủ cán bộ để lội vào đồng sâu tiêm vaccine cho đàn vịt và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây được xem là “lỗ hổng” lớn nhất trong phòng chống cúm gia cầm hiện nay!
Ngoài ra, việc quản lý bán buôn gia cầm sống và các loại chim trời hiện nay cũng nan giản. “Dẹp một lần thì dễ nhưng sau khi các cơ quan chức năng rút thì họ lại buôn bán như cũ. Thậm chí sáng ra quân dẹp bán gia cầm, chim trời ở các điểm cố định, thì buổi trưa nhiều điểm buôn bán như thế lại mọc lên gần đó” – một cán bộ thú y ở Hậu Giang nói trong lo lắng!
Không chỉ người chăn nuôi, mua bán gia cầm mà ngay cả người tiêu dùng cũng chủ quan mua gia cầm sống không rõ nguồn gốc. Trong bối cảnh như hiện nay câu chuyện về hình thành hệ thống bán gia cầm sạch trở nên bức xúc. Chuyện các điểm bán gia cầm sạch, lò giết mổ tập trung có kiểm định của cơ quan thú y đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay gần như “dậm chân tại chỗ” không có chuyển biến lớn.
Bộ NN-PTNT đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017”. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất: “Ngân sách địa phương đảm bảo mua vắc - xin tiêm phòng dịch, người chăn nuôi chi trả công tiêm phòng”. Theo một số cán bộ thú y, hiện khâu tiêm phòng vaccine trên đàm gia cầm chưa lấy tiền công. Nhưng không ít người dân còn lãng tránh. Nếu thu tiền công tiêm vaccine sẽ phát sinh thêm khó khăn đối với những hộ chăn nuôi gia cầm. |
Ngọc Long