Việc đi lễ cầu phúc đầu năm đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt. Trong rất nhiều điểm đến của Hà Nội, phủ Tây Hồ vẫn luôn là điểm thu hút rất đông người dân đến ngay từ phút giao thừa.
Theo tính toán của Ban quản lý Phủ Tây Hồ, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách thăm quan. Ông Trương Tiến Hồi – Phó trưởng Ban quản lý Phủ cho biết: “Tết năm nào Phủ cũng rất đông khách tới đi Lễ, từ ngày 1 đến ngày mùng 3 Tết thì đa số là người Hà Nội, từ mùng 5 Tết khách thập phương lại đổ về khiến đường đông hơn… phải đến hết rằm tháng Giêng, lượng khách tham quan mới giảm bớt”.
Phủ Tây Hồ luôn nêm cứng người dịp đầu năm. |
Đây cũng là thời điểm bọn “đạo chích” thường xuyên tìm đến “làm ăn”. Việc đảm bảo an toàn và tạo nét văn hóa trong khu vực Phủ được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu.
Những ngày Xuân mới, lực lượng an ninh sẽ được tăng cường từ 20 lên 45 người, bố trí hoạt động 24/24 tại các điểm lễ. Công an phường Quảng An, các chiến sĩ trường Đại học An Ninh, Đội CSHS, CS 113 CAQ Tây Hồ được yêu cầu duy trì ít nhất 12 cán bộ chiến sỹ (CBCS), phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phòng (BVDP), Ban quản lý di tích Tây Hồ… ứng trực vào các buổi trưa và chiều tối - giờ cao điểm du khách thập phương đến phủ.
Bên cạnh việc tuyên truyền trên loa phát thanh, công khai dán ảnh số đối tượng trộm cắp, móc túi từng bị bắt để cảnh báo người dân, lực lượng CSHS được chỉ đạo tăng cường tuần tra bí mật, theo dõi, phát hiện các đối tượng nghi vấn qua hệ thống camera giám sát đặt ở nhiều nơi.
Cảnh sát mặc sắc phục năm nay chỉ làm nhiệm vụ ở vòng ngoài, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Còn lại, hàng chục trinh sát hóa trang “ẩn” vào vòng trong để có thể tiếp cận được ngay số đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội.
Các chiến sẽ được quán triệt, không chờ đợi đối tượng gây án xong mới bắt giữ. Nếu phát hiện trường hợp khả nghi, trinh sát kiểm tra hành chính ngay. Biện pháp này giúp phòng ngừa hiệu quả tội phạm, răn đe từ xa số đối tượng có ý định trộm cắp, móc túi.
Lực lượng bảo vệ kiên quyết không cho người đi lễ mang đồ mã, kinh sách ngoài luồng đặt lên bàn thờ, đồng thời, hạn chế tối đa việc thắp hương trong phủ, ngăn chặn bẻ cây lấy lộc.
Để du khách đi lễ thanh thản, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ đã cương quyết thực hiện chiến dịch…“7 không”.
Ông Hồi cho hay: “Ban quản lý chúng tôi luôn đặt sự linh thiêng, trang nghiêm của Phủ lên hàng đầu và coi trọng sự an toàn của khách thập phương. Bởi vậy ở Phủ không cảnh xóc quẻ, cờ bạc trá hình, không khấn thuê, không cúng mã, không cho thuê đồ cúng lễ, không ăn mày, đặc biệt là không có… hầu bóng”.
Những năm gần đây, Phủ Tây Hồ không còn bóng dáng của những kẻ ăn mày hay giả sư khất thực xin tiền. Nếu như ở nhiều đền chùa nơi khác, sách tử vi, tướng số còn bày bán, cảnh xóc quẻ, lên đồng, cờ bạc trá hình vẫn tồn tại thì ở Phủ tuyệt nhiên không có. Nội quy ở đây là cấm những du khách đến vãn cảnh thắp nhang ăn mặc thiếu lịch sự (áo sát nách, quần đùi hoặc có thái độ đùa cợt) trước chốn linh thiêng.
Nhằm giúp nhân dân đi lại thuận lợi vui xuân Quý Tỵ, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu các tổ chức được cấp phép trông giữ xe máy - ô tô, chia “bãi” thành nhiều điểm nhỏ dọc theo tuyến đường kè hồ Tây, dẫn vào phủ. Phương án này đã góp phần giảm lượng phương tiện dồn về bãi trông xe lớn bên trong như mọi năm, hạn chế ách tắc giao thông.
T. Dương