Khu dân cư tự quản đảm bảo TTATGT, không có tội phạm, ma tuý, TNXH, đảm bảo vệ sinh môi trường… cùng nhiều mô hình tự quản khác do Uỷ ban MTTQ tỉnh phát động đang góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"…
Các thành viên Ban Mặt trận thôn Lộng Đồng, xã Lộc An (TP Nam Định) bàn kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an ninh xã hội ở địa phương.
Ảnh: Xuân Thu
|
Chung tay giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc
Nằm liền kề thị trấn Ngô Đồng, địa bàn xã Giao Nhân (Giao Thuỷ) có đường 56 liên huyện và đường Tiến Hải liên xã chạy qua, giao nhau tại cầu Vòm. Ngoài trường tiểu học, THCS, trên địa bàn xã còn có chợ Bể, Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, hàng ngày lưu lượng người xe qua lại khá đông. Một thời gian dài, tình hình TTATGT trên địa bàn xã diễn biến rất phức tạp. Lòng, lề đường tại các ngã ba, ngã tư bị các hộ kinh doanh lấn chiếm; khu vực trước chợ Bể thường xuyên bị ùn tắc; đường Tiến Hải xuống cấp, nhiều đoạn hình thành các đoạn "sống trâu" rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mỗi năm trên địa bàn xã xảy ra hàng chục vụ TNGT; trong đó riêng năm 2008, các vụ TNGT trên địa bàn đã làm 4 người dân trong xã thiệt mạng. Trước những diễn biến phức tạp về tình hình TTATGT trên địa bàn, xã Giao Nhân được Uỷ ban MTTQ tỉnh chọn là một trong những địa phương chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình "KDC tự quản bảo đảm TTATGT", cấp uỷ, chính quyền, MTTQ xã Giao Nhân đã tích cực triển khai thực hiện. Đảng uỷ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác đảm bảo TTATGT, thành lập ở mỗi KDC một tổ tự quản đảm bảo TTATGT gồm đại diện chi bộ Đảng, trưởng thôn, xóm, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng, chỉ đạo lực lượng công an xã tăng cường phối hợp tuyên truyền các quy định đảm bảo TTATGT để nhân dân biết, thực hiện. Tiến hành các đợt ra quân tháo gỡ, giải toả các điểm lấn chiếm lòng, lề đường, xây dựng các "tuyến đường tự quản về ATGT". Tổ chức cho các hộ dân ở ven đường 56, đường Tiến Hải ký cam kết không vi phạm chỉ giới ATGT. Đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tại các KDC, ngoài việc tham mưu cho chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn, tổ tự quản đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT tới từng hộ dân. Việc tuyên truyền được thực hiện theo hình thức lồng ghép tại các buổi sinh hoạt tập thể của KDC, sinh hoạt của các chi hội đoàn thể. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm các quy định đảm bảo TTATGT. Phát động, duy trì phong trào đảm bảo TTATGT trong cộng đồng KDC với phương châm ngăn ngừa vi phạm ngay từ mỗi gia đình; cộng đồng cùng lên án những trường hợp thiếu ý thức, cố tình vi phạm…Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian qua tình hình TTATGT trên địa bàn xã Giao Nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành quy định đảm bảo TTATGT của người dân được nâng lên. Tình trạng vi phạm TTATGT qua đó giảm đáng kể. Hai năm qua, địa bàn xã không xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng.
Áp dụng mô hình "KDC tự quản không có tội phạm, ma tuý, TNXH", KDC tổ dân phố số 10, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đang từng bước đẩy lùi các loại tệ nạn này trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Thinh, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận KDC cho biết, những năm trước đây, ma tuý, TNXH là vấn nạn nhức nhối ở tổ dân số 10. Có thời điểm trên địa bàn tồn tại 2 ổ nhóm cờ bạc, 3 tụ điểm ghi số đề, 6 đối tượng hoạt động mại dâm, 5 đối tượng buôn bán, nhiều đối tượng tiêm chích ma tuý. Tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự công cộng xảy ra thường xuyên, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng. Triển khai thực hiện mô hình, chi bộ Đảng, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, ban hành giáo phối hợp xây dựng, phát động phong trào đấu tranh, bài trừ ma tuý và TNXH trên địa bàn. Tổ dân phố đã thành lập ban chỉ đạo phong trào gồm đại diện chi bộ, tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội đoàn thể, các chức sắc, chức việc tôn giáo. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục, cảm hoá những người mắc TNXH, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết tham gia thực hiện phong trào, trong đó phải thực hiện nghiêm việc quản lý, giáo dục con em, không để con em, người thân trong gia đình vi phạm pháp luật, mắc TNXH. Phát huy thế trận "an ninh nhân dân", thời gian qua, nhân dân trong tổ dân phố đã phát hiện, phối hợp với lực lượng công an bắt giữ, xử lý nghiêm minh các đối tượng buôn bán ma tuý trên địa bàn, trong đó một số đối tượng đã phải chịu hình thức cải tạo giam giữ, số khác được đưa vào các trung tâm cai nghiện. Xác định nguyên nhân một số con em địa phương mắc nghiện ma tuý, TNXH phần nhiều là do thiếu việc làm, thu nhập ổn định dẫn đến "nhàn cư vi bất thiện", chi bộ tổ dân phố đã xây dựng kế hoạch phát động nhân dân trong tổ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Trong đó, đã tiến hành chuyển đổi 4,5/15ha diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang đào ao thả cá, trồng cây màu, cây cảnh theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được chính quyền cơ sở xác nhận, tạo điều kiện. Hiện tại, trong tổ dân có 100 hộ đang vay vốn các ngân hàng gần 6 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn đóng góp của nhân dân, vận động tài trợ, tổ dân phố đã xây dựng được nhà văn hoá, sân chơi thể thao, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao ở KDC, hướng thanh niên địa phương vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích, tránh xa ma tuý và các loại TNXH khác. Kiên trì, bền bỉ, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống, đến nay tổ dân phố số 10 đã xoá bỏ được các tụ điểm phức tạp về ma tuý, lô đề, cờ bạc, trả lại môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng. Một số người phạm tội sau thời gian cải tạo trở về được gia đình bà con lối phố đón nhận, giúp đỡ đã hoà nhập với cộng đồng…
Để các mô hình duy trì hoạt động bền vững
Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng nhà cho người nghèo trong chương trình
Ảnh: Nam Dương
|
Đồng chí Vũ Đình Khoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết, việc xây dựng, phát động thực hiện các mô hình tự quản nhằm huy động vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị, mỗi gia đình, dòng họ, mỗi người dân trong cộng đồng KDC cùng tham gia giải quyết những vấn đề đang nổi cộm, bức xúc hiện nay. Từ thực tế áp dụng, triển khai ở nhiều địa phương cho thấy các mô hình đang góp phần thiết thực trong việc đảm bảo TTATGT, phòng chống tội phạm, ma tuý, TNXH, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cùng nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc khác ở địa bàn KDC. Tuy nhiên, để nâng cao được hiệu quả hoạt động của các mô hình, nhất là đảm bảo được tính bền vững đang là vấn đề cần quan tâm. Thực tế, ở không ít địa phương, việc triển khai còn mang tính hình thức, cấp uỷ, chính quyền thiếu kế hoạch chỉ đạo cụ thể, thiếu sự kiểm tra đôn đốc dẫn đến nhiều mô hình không phát huy hiệu quả. Tổ tự quản ở KDC tổ chức còn thiếu chặt chẽ, hoạt động nặng tính hình thức, công việc nhiều nhưng chế độ đãi ngộ quá thấp do vậy tính trách nhiệm không cao, các thành viên hoạt động dựa chủ yếu vào lòng nhiệt tình; vai trò tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở KDC do vậy còn mờ nhạt. Mặt khác, tình trạng mạnh nơi nào nơi đó làm vẫn còn phổ biến, dẫn đến hiệu quả giải quyết những vấn đề chung không cao. Cùng nằm trên một trục đường giao thông nhưng KDC này làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo TTATGT, trong khi đó ở KDC kế tiếp thiếu các hoạt động này, người dân không thực hiện nghiêm các quy định thì việc đảm bảo TTATGT trên cả tuyến đường khó đạt được. Cũng như vậy, tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội không tồn tại riêng lẻ mà luôn có sự liên hệ, cấu kết. Nếu gia đình nào, làng xóm, KDC nào cũng làm tốt việc giáo dục, quản lý, không để con em vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội; cộng đồng KDC nào cũng kiên quyết đấu tranh, bài trừ, khi đó thế trận, sức mạnh toàn dân mới được phát huy, công tác phòng chống tội phạm, ma tuý, TNXH ở KDC mới đạt kết quả. Để nhân rộng, tăng cường sức lan toả cho các mô hình, thời gian tới Uỷ ban MTTQ tỉnh tiếp tục lựa chọn thêm nhiều địa phương khác trong tỉnh để phát động thực hiện, góp phần giải quyết hiệu quả hơn nữa những vấn đề nổi cộm, bức xúc ngay tại cơ sở. Trên cơ sở các mô hình đã xây dựng, các địa phương cần chủ động nghiên cứu, vận dụng thực hiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế địa phương. Các KDC trên cùng một địa bàn cần có sự phối hợp khi triển khai thực hiện, tránh tình trạng mạnh nơi nào nơi ấy làm như hiện nay. Mới đây, Nhà nước đã ban hành quy định mới về cấp phát kinh phí hoạt động cho ban công tác mặt trận KDC. Mỗi năm mỗi ban công tác mặt trận KDC sẽ được cấp từ 3-5 triệu đồng, thay bằng chỉ có 1 triệu đồng/năm như hiện nay. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, cần thiết của Nhà nước để các ban công tác mặt trận ở KDC có điều kiện thực hiện tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào, các cuộc vận động. Tuy nhiên, các mô hình cũng như các phong trào, các cuộc vận động ở KDC hiện nay sẽ không thể phát huy hiệu quả, có tính bền vững nếu thiếu vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương; thiếu vai trò đầu tàu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng. Chính vì vậy, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp hiệu quả của chính quyền đối với công tác mặt trận. Mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ mặt trận KDC, người có uy tín trong cộng đồng phải là những "hạt nhân" tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân trong quá trình thực hiện. Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hệ thống chính trị ở KDC hoạt động tích cực, cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt tình với việc xóm việc làng, có kinh nghiệm dân vận, ở đó sức mạnh cộng đồng được phát huy, các phong trào, các cuộc vận động được phát động, thực hiện hiệu quả, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được giải quyết./.
Trần Duy Hưng