Sự kiện này góp phần tạo động lực cho các mô hình làng du lịch bền vững tại Việt Nam phát triển mạnh hơn, khai thác hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc sắc từng vùng nông thôn.
Du lịch từ sáng kiến “sống chung với lũ”
Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) là vùng đất có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, hữu tình, bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, ở giữa thung lũng bằng phẳng, nơi có con sông Rào Nan vắt ngang qua, hệ thống hang động Tú Làn tuyệt đẹp đã xuất hiện trong những bộ phim nổi tiếng như: “Kong: Đảo đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt - Roberts, “Người bất tử” của Victor Vũ… Nơi đây cũng được biết đến là một làng quê nghèo khó khi phải gánh chịu thiên tai, lũ lụt hàng năm. Nhất là vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn chảy về khiến cả xã chìm trong biển nước, người dân phải sơ tán lên núi ở tạm.
Để thích ứng và “sống chung với lũ”, từ năm 2010, người dân Tân Hóa đã sáng chế ra mô hình nhà nổi. Mỗi căn nhà nổi làm bằng gỗ, rộng khoảng 20m2, gắn cố định trên hệ thống thùng phuy nhựa, trở thành nơi trú ẩn, cất giữ tài sản và lương thực của người dân. Đến năm 2023, đã có gần 620 căn nhà nổi như vậy được xây dựng, bảo đảm an toàn cho 100% dân làng, đặc biệt khi mùa lũ về.
Đáng nói, năm 2014, Tân Hóa bắt đầu tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis (Công ty TNHH MTV Chua Me Đất) với tuyến du lịch khám phá Tú Làn. Những người nông dân trong làng trước đây chỉ biết làm ruộng, trồng lúa, ngô, khoai, sắn, nuôi bò… đã có thêm nhiều cơ hội sinh kế khác về du lịch như làm đầu bếp, phục vụ…
Tân Hóa hiện được đánh giá là một trong những làng du lịch và điểm đến nổi bật của Quảng Bình. Từ tháng 11/2022, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương phối hợp với Công ty Oxalis xây dựng Đề án phát triển làng Tân Hóa thành làng du lịch cộng đồng do người dân tự vận hành, với các mô hình homestay, nhà hàng ẩm thực phục vụ các món ăn địa phương và các tour du lịch tham quan nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Nguồn. Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Bình, hoạt động du lịch ở Tân Hóa trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc, tổng số lượt khách đón và phục vụ giai đoạn 2013 - 2023 là 63.115 lượt.
Hiện nay, làng du lịch Tân Hóa đang khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thích ứng thời tiết độc đáo như: Trải nghiệm mô hình du lịch thích ứng thời tiết tại các homestay nhà nổi và Tú Làn Lodge; thám hiểm hệ thống hang Tú Làn và hang Tiên; trải nghiệm lái xe địa hình ATV; tham quan phim trường “Kong: Đảo đầu lâu”; ăn tối nhà dân và trải nghiệm văn hóa; tham quan làng bằng xe đạp; trải nghiệm tham gia cùng người dân trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Bài học phát triển du lịch nông thôn bền vững
Đáng nói, dù Tân Hóa phát triển du lịch, nơi đây vẫn gìn giữ vẻ mộc mạc của làng quê Việt Nam. Năm 2023 có 260 làng du lịch từ 60 nước trên thế giới tham gia Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong đó có 4 làng du lịch của Việt Nam từ các tỉnh Quảng Bình, Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình. Mô hình “Làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa” là đại diện duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn cùng một số làng khác trên thế giới cho giải thưởng năm nay, trở thành điểm đến thứ 2 tại Việt Nam nhận danh hiệu này. Trước đó, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tại Thái Nguyên cũng đã góp mặt trong danh sách “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022 do UNWTO lựa chọn.
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các mô hình làng du lịch tại Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của yếu tố bền vững trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã xác định quan điểm “phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm”. Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông thôn phải “bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo”; đồng thời “phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác”.
Từ câu chuyện thành công tại Tân Hóa, có thể thấy, một trong những điều quan trọng để phát triển du lịch nông thôn là cần xây dựng được mô hình kiểu mẫu để người dân có niềm tin làm theo. Trong quá trình này, rất cần có những cuộc đối thoại công - tư để chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng “bắt tay nhau”. Đặc biệt, các cơ quan chức năng có vai trò định hướng, quản lý, giám sát rất quan trọng, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp sát thực tiễn từng địa phương; xây dựng bộ tiêu chuẩn, bộ tiêu chí để các địa phương, cộng đồng tuân theo… hướng tới bảo đảm phát triển du lịch bền vững, lâu dài, hiệu quả.