Thay vì đào tạo cơ bản như các trường đào tạo về du lịch của Việt Nam đang thực hiện, một dự án mới do Chính phủ Luxembourg tài trợ sẽ gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường trong phát triển du lịch tại Việt Nam. 9 trường du lịch phân bố đều trên các miền của Việt Nam được thụ hưởng dự án này.
Giảng viên và sinh viên Trường CĐ Du lịch Hà Nội là đối tượng được thụ hưởng dự án |
Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo dự án VIE/031 về “Tăng cường nguồn nhân lực ngành du lịch và khách sạn Việt Nam” vừa được Bộ VHTTDL và Cơ quan hợp tác phát triển Luxembourg (Lux- Development) tổ chức ngày 16.11 sau khi có kết quả khởi động dự án này.
Dự án VIE/031 sẽ được thực hiện từ năm 2010 đến hết năm 2012 với tổng số vốn 3,384 triệu eur trong đó, vốn Chính phủ Luxembourg tài trợ là 2,95 triệu eur, vốn đối ứng của Việt Nam là 434 nghìn eur.
Ông Nguyễn Văn Lưu- giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: “Hiện nay các cơ sở đào tạo du lịch của Việt Nam còn rất hạn chế trong việc cung cấp lao động đủ khả năng làm việc trong các khách sạn từ 3-5 sao. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm, có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt mà chủ yếu thiên về dạy lý thuyết. Các kỹ năng thực hành, đáng ra phải được ưu tiên và định hướng theo nhu cầu sử dụng của thị trường, sát với thực tế thì chưa được chú trọng. Các doanh nghiệp du lịch muốn sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, cho dù là đúng ngành nghề thì vẫn phải đào tạo lại”. Chính vì những bất cập đó trong đào tạo du lịch tại Việt Nam, dự án VIE/031 sẽ tập trung vào việc hỗ trợ phát triển nhân lực ngành Du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm do Chính phủ Việt Nam chỉ định.
Có 9 trường đào tạo du lịch trọng điểm được thụ hưởng chương trình này là các trường: Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Nghề du lịch và Dịch vụ Hải Phòng, Cao đẳng Nghề du lịch Huế, Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng, Trung cấp Du lịch Đà Lạt, Trung cấp Du lịch Nha Trang, Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Cao đẳng Nghề du lịch Vũng Tàu, Trung cấp Du lịch Cần Thơ. |
Dự án sẽ tập trung vào việc tăng số lượng và chất lượng giảng dạy ở các cơ sở đào tạo được lựa chọn, xây dựng nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế, mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo cần thiết để giúp đào tạo du lịch đáp ứng được yêu cầu của ngành và tạo nguồn thu tài chính. Dự án cũng nâng cao tác động cấp quốc gia thông qua các tác động mang tính chiến lược tại các địa phương. Triển khai chương trình xây dựng chất lượng trọng yếu cấp quốc gia cho đội ngũ giảng viên của các trường đào tạo du lịch nhằm trang bị những kiến thức đào tạo có chất lượng và đủ tiêu chuẩn hàn lâm, thích ứng với nhu cầu của ngành khách sạn và du lịch. Thực hiện sáng kiến đào tạo tiếng Anh tổng thể cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên và sinh viên nhằm nâng cao tiếng Anh cho ngành.
“Chính phủ Luxembourg đã nhiều lần tài trợ cho các dự án đào tạo du lịch tại Việt Nam và cho kết quả rất tốt. Chúng tôi hy vọng rằng, sau dự án này, một lực lượng lớn nhân lực ngành du lịch sẽ được nâng cao kiến thức, tay nghề, giàu kiến thức thực tiễn, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong phát triển du lịch ở Việt Nam”, ông Trần Chiến Thắng, Trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết.
Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo dự án đã ký phê duyệt báo cáo giai đoạn khởi động, bảng cập nhật văn kiện và ngân sách dự án, khung logic được điều chỉnh, kế hoạch hoạt động năm và một số thỏa thuận cần thiết.
Chính phủ Luxembourg đã nhiều lần tài trợ cho các dự án đào tạo du lịch tại Việt Nam và cho kết quả rất tốt. Chúng tôi hy vọng rằng, sau dự án này, một lực lượng lớn nhân lực ngành du lịch sẽ được nâng cao kiến thức, tay nghề, giàu kiến thức thực tiễn, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong phát triển du lịch ở Việt Nam. (Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng, Trưởng ban chỉ đạo dự án) |
Theo Báo Văn hóa, Việt báo