Giữa mùa hè nóng nực nhưng Đại hội Đại biểu nhạc sĩ lần thứ VIII, hầu hết các nhạc sĩ cho rằng nhạc Việt đang trong thời kì... ngủ đông. Chẳng cần nhìn đâu xa, cùng tìm hiểu xem cái sự “ngủ đông” trên bề nổi truyền thông và thời của hoa ít, cỏ dại thì nhiều.
Không nhiều sản phẩm mới Trên thị trường băng đĩa không có nhiều sản phẩm mới, các ca sĩ thì đều cũng chỉ dám nói rằng "tôi đang" hoặc "tôi có ý định", chứ không thấy làm hoặc đã nói từ lâu nhưng chưa thực hiện, một số khác lại muốn thăm dò tình hình thị trường và những ca sĩ khác đang làm gì. Ra album thì chìm nghỉm, còn liveshow cầm chắc lỗ trong tình trạng bão giá hoành hành, các ca sĩ dù hàng sao cũng bắt đầu “sợ” phải đổi mới, sáng tạo. Nhạc sến nay đã.. nhạt, hợp tác nước ngoài dạng “công nghệ cao” như Mỹ Tâm với phía Hàn Quốc cũng chỉ để làm cho Mỹ Tâm hâm nóng tên tuổi, chứ chưa đủ tạo sức bật. Để làm một album nhạc pop bây giờ cũng không phải đơn giản, pop ballad, pop rock hay pop remix cũng… xịt, gu âm nhạc của khán giả lên cao, họ đòi hỏi sự sâu sắc hơn ở những thể loại quen thuộc, chứ không đơn thuần lấy công nghệ và hình ảnh ra để tung hỏa mù, còn nhạc “hú hét, gầm gừ” của Đại - Lâm - Linh trên Bài hát Việt khiến khán giả phát hoảng.
Mỹ Linh úp mở về một album cuối năm, vẫn là ekip Anh Quân, Huy Tuấn, nhưng sẽ hoàn toàn là nhạc cụ mộc |
Mọi kế hoạch âm nhạc được công bố gần đây đều quay về với mộc, là unplugged (sử dụng các nhạc cụ mộc). Mỹ Linh úp mở về một album cuối năm, vẫn là ekip Anh Quân, Huy Tuấn, nhưng sẽ hoàn toàn là nhạc cụ mộc. Đoan Trang acoustic được thực hiện với nhạc sĩ Quốc Bảo, hy vọng một sự bất ngờ tiếp theo của cô sau Âm bản. Tuy vậy, đâu phải “mộc” là hay, những ai hiểu và yêu phong cách mộc trên thế giới đều thừa hiểu, thể loại này đòi hỏi ca sĩ một đẳng cấp sân khấu, có căn bản âm nhạc tốt như các ca sĩ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam chưa có một phòng thu đủ tầm để phản ánh một cách trung thực nhất âm thanh từ các nhạc cụ mộc, chưa nói đến chi phí cho nhạc cụ cơ bản như piano, violin, guitar không hề rẻ. Những phong cách giản dị, muốn làm sâu sắc và gây sự rung động thực sự nơi khán giả, cần đầu tư không ít.Thiếu chiến lược dài hạn Nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc cần nhiều hơn nữa những chuyên gia, hoặc nguồn đầu tư, sự xuất hiện của những ca sĩ nổi tiếng nước ngoài vào nhằm xốc lại tình hình ảm đạm trong nước. Rõ ràng kể từ khi các clip tặng kèm có sự chung tay của các đạo diễn Hồng Kông, Trung Quốc, người nghe nhạc đã chịu khó móc hầu bao hơn cho những đĩa DVD chất lượng. Sự xuất hiện của các sao từ Hàn Quốc, Đài Loan khiến không khí showbiz cũng trở nên sôi động trong thời gian họ “tạm trú” tại đây. Tuy vậy, các sao châu Á đến đây chủ yếu là để giao lưu văn hóa và góp vui là chính, chứ hoàn toàn không có tí mặn mà nào với thị trường Việt, vì thế mà nhiều fan đã thất vọng tràn trề khi chứng kiến màn trình diễn của thần tượng họ trên sân khấu. Bi (Rain) đã quá dũng cảm khi ghi thêm tên Việt Nam vào tour diễn vòng quanh thế giới của anh, nhưng sự thất bại hoàn toàn từ phía chủ nhà lại gây mất tinh thần hoàn toàn cho những ca sĩ khác có kế hoạch tương tự. Thời điểm 2 cuộc thi Việt Nam Idol và SMĐH đang rục rịch, người ta lại nhớ đến chuyên gia Thái Lan trong những năm qua. Dù âm nhạc Thái Lan cũng chưa là gì so với nền âm nhạc trong khu vực, nhưng phải công nhận rằng chuyên gia của họ chuyên nghiệp hơn chúng ta rất nhiều. Thế nhưng thầy dạy là một chuyện, trò có muốn học không lại là chuyện khác, đã không dưới 2 lần thầy Jo thực sự “nóng mặt” về phong cách làm việc thiếu chính xác, nhiệt tình, “hoa lá cành” của các thí sinh SMĐH. Năm 2008, ông cảnh báo rằng “bình thường tôi dạy luôn lấy học phí rất đắt, các thí sinh nên chớp lấy cơ hội quý giá này”. Hiệu quả nghèo nàn trong phần trình diễn của 2 cuộc thi này vào năm 2008 đã đặt nhiều bức xúc cho chuyên gia, nhiều người cho rằng sao không lấy số tiền đó đầu tư cho ban nhạc và bản thân thí sinh, chuyên gia trong nước, có khi còn ổn hơn. Có một số ca sĩ trẻ yêu ca hát, có khả năng, thậm chí có người chỉ “ăn và thi”, thi liên miên, từ Sao Mai, VNIdol đến SMĐH, nhưng sau khoảng thời gian rút khỏi cuộc thi, họ bỗng biến mất. Rồi chiến lược tìm người và lăng xê ca sĩ của "nhà đài" cũng không có tín hiệu khả quan. Làng nhạc Việt vẫn chưa đủ tiền chạy theo những chiến lược dài hạn, các Cty tuyển ca sĩ và đào tạo nghiêm túc đều từ tầm 8X đổ về trước, lứa tuổi được cho là già và trở nên khó khăn để bắt đầu những thứ mới mẻ. Xem ra, muốn nhạc Việt hết “ngủ đông” thì còn phải bàn nhiều!
Theo Nông Thôn Ngày Nay