Nhạc sĩ, ca sĩ Bằng Cường: Cháy hết mình mới cứu được hai chữ 'hết thời'

Nhạc sĩ, Ca sĩ Bằng Cường
Nhạc sĩ, Ca sĩ Bằng Cường
(PLO) - “Các nghệ sĩ lớn trong nước hay nước ngoài luôn được mọi tầng lớp khán giả hâm mộ mặc dù tuổi của họ đã nhiều là vì tài năng của họ, chứ không phải nhờ bất cứ một xì-căng-đan đình đám nào, bởi chỉ có tài năng thật sự, tâm huyết và niềm khao khát được cháy hết mình vì nghệ thuật mới có thể cứu vãn hai chữ "hết thời" của người nghệ sĩ”, nhạc sĩ - ca sĩ Bằng Cường chia sẻ.

Nhắc đến Bằng Cường - cái tên làm người ta nhớ đến hình ảnh một chàng trai nhỏ bé, có khuôn mặt trẻ thơ, nụ cười tươi tắn với má lúm đồng tiền nhưng lại sở hữu một giọng hát mượt mà, truyền cảm.

Hơn 10 năm gắn bó với âm nhạc, Bằng Cường đã tạo cho mình một “thương hiệu” riêng không lẫn với bất cứ ca sĩ, nhạc sĩ nào hiện nay. Để có được những thành công như ngày hôm nay, chàng trai gốc Nam Định đã phải trải qua rất nhiều sóng gió, chông gai nhưng chưa khi nào anh “dựa hơi” xì-căng đan mà luôn đi lên bằng chính tài năng và sự lao động vất vả của mình.

“Con nhà nòi”

Bằng Cường vốn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Ông ngoại anh là NSƯT Thanh An, người mở ra đoàn cải lương Bình Minh, nổi tiếng ở Nam Định những năm 1980, 1990. Cha anh là họa sĩ còn mẹ là nghệ sĩ cải lương Hồng Thái. Chú ruột Bằng Cường, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn cũng là một người rất tài năng và chỉn chu. 

Từ bé đã được sống trong một môi trường lấp đầy âm nhạc, “máu” nghệ thuật đã ngấm vào người anh tự lúc nào không hay. Cường kể, 11 tuổi anh đã tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường cũng như đi diễn cùng với bố mẹ và anh trai. Những ngày tháng tuổi thơ của anh trôi qua êm đềm và được “nuôi dưỡng” với những lời ca, tiếng hát ngọt ngào. 

Nói vậy, nhưng những ngày mới chập chững đi hát, bố mẹ anh luôn khuyên rằng: “Con nên học một cái nghề nào đó cho vững chắc. Như vậy, sự nghiệp sẽ được bền lâu, chứ đi theo nghệ thuật thì vất vả và mông lung lắm”. Bằng Cường biết, bố mẹ anh đều hoạt động nghệ thuật, chắc chắn đã kinh qua nhiều thăng trầm nên những lời dạy bảo ấy, anh không dám không nghe. 

Hồi nhỏ, Cường cũng khá tỉ mỉ và khéo léo, lại sẵn dịp có người thân đến nhà “khoe” đang học nghề chạm khắc gỗ, thế là gia đình cho anh theo học nghề này luôn. Tuy là đi học khắc gỗ chỉ để chiều ý gia đình nhưng nhờ chịu khó và tỉ mỉ nên anh cũng làm được khá nhiều sản phẩm có chiều sâu về ý nghĩa. 

Năm lớp 11, gia đình Bằng Cường xảy ra chuyện buồn liên tiếp khi 2 anh trai ốm mất khi mới ở tuổi 30. Không lâu sau đó, mẹ anh cũng mất vì bệnh nặng. Cường bảo, đó là thời kỳ hết sức khó khăn của gia đình anh, những biến cố quá lớn, những xáo trộn của cuộc sống khiến nỗi sợ hãi chênh vênh lúc nào cũng hiện hữu trước mắt chàng trai trẻ tuổi. 

Ban ngày, mỗi khi rảnh rỗi, Bằng Cường thường nghĩ về mẹ, về anh trai, về những ngày tháng đầy ắp tiếng cười xưa cũ, những điều đó khiến lòng anh như nghẹn lại. Khi ấy, điều duy nhất làm anh có thể tạm quên đi nỗi buồn đó chính là âm nhạc, là những ngày tháng được đứng trên sân khấu và biểu diễn cho khán giả xem.

Những ngày đầu quay trở lại với nghiệp hát, Bằng Cường từng bị nhiều người can ngăn vì cho rằng anh không có ngoại hình đẹp, cũng chẳng có tiền đầu tư nên sẽ khó có cơ hội để trở thành ca sĩ. Mỗi khi buồn bã, tự ti hay mệt mỏi đến độ chỉ muốn gục ngã, anh lại dặn lòng phải cố gắng, phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi anh biết, đâu đó trong thế giới ồn ã này luôn có những người dõi theo, lắng nghe và trân trọng giọng hát của anh thay vì vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.

Những ngày tháng sau đó, Bằng Cường âm thầm, lặng lẽ đi hát để chứng minh cho mọi người thấy rằng mình có thể làm được, mình sẽ thành công. Bởi với những người cùng nghề, anh được xem là một người may mắn vì có “gene” nghệ thuật. Anh nói, đó là may mắn nhưng cũng là áp lực rất lớn với anh, bởi lẽ nếu anh làm không tốt sẽ làm ảnh hưởng tới gia đình.

Đi hát ở Hà Nội được vài năm, công việc cũng dần ổn định nên khi nghe bạn bè rủ rê vào Sài Gòn để thay đổi môi trường, anh giãy nảy từ chối. Tuy nhiên, sau đó, một phần vì “nể” bạn thuyết phục mình, phần khác để đi cho biết đây biết đó mà anh quyết định vào Sài Gòn. Và khi vào rồi thì anh quyết định ở lại luôn.

Những ngày đầu ở Sài Gòn, thuê phòng trọ rồi đi sớm về hôm, cuộc sống tự thân lập nghiệp của chàng trai trẻ ngày ấy đôi lúc khiến anh mệt mỏi. Một mình ở Sài Gòn, tất cả mọi thứ với anh đều lạ lẫm. Một tay Bằng Cường gây dựng lại từ điểm xuất phát. Anh chăm chỉ nhận show đi hát, đi diễn ở tỉnh lẻ.  Thậm chí anh còn đi hát… từ thiện, và free (miễn phí-PV). Cường bảo, nhiều đêm trăn trở nghĩ về tương lai rồi lại oằn mình với hiện tại. Càng nghĩ, anh càng nhớ gia đình đến quay quắt. 

Bằng Cường tâm sự: “Dù bản thân rất cố gắng, nhưng trong giới nghệ thuật, nhiều người gia đình họ điều kiện sẵn có hoặc không thì đằng sau họ cũng là những bệ phóng vững vàng... nhìn lại mình thì thấy chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng may sao tôi vẫn còn có được sự động viên rất lớn từ gia đình và bạn bè - những người sát cánh giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời”. 

Năm 2006, Bằng Cường ra album đầu tiên với số tiền anh và anh trai dành dụm được và vay mượn thêm của bạn bè nhưng sản phẩm đó không gây được tiếng vang. Anh bảo, ngày ấy anh còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm và hơn hết anh luôn nghĩ cuộc sống vốn đơn giản, êm đềm và toàn một màu hồng.  

“Tôi cứ đinh ninh rằng, sau khi ra album chắc chắn mình sẽ nổi tiếng bởi album được tôi đầu tư một cách kỹ lưỡng, làm việc với những nghệ sĩ nổi tiếng nên tôi hy vọng sự nổi tiếng của họ sẽ đem lại may mắn cho tôi nhưng tôi đã nhầm, nhầm tai hại, bởi Sài Gòn là “thánh đường” của giải trí, ở đó có một “rừng” ngôi sao trong khi tôi chỉ là một người mới nên tôi bị “chìm” cũng là điều dễ hiểu”.

Sau khi ra album đầu tay, Bằng Cường trắng tay. Bằng Cường bảo, nói anh không buồn là nói dối. Bản thân anh năm đó luôn cảm thấy xấu hổ, thậm chí không dám về nhà ăn Tết năm đó vì chưa thành danh. Nhưng cũng nhờ những khó khăn ấy giúp anh có thêm động lực để vượt qua, kiên trì trên con đường theo đuổi ước mơ thành ca sĩ của mình.

Bước ngoặt cuộc đời

Hai năm sau, Bằng Cường ra sản phẩm tiếp theo - album Vol 2 “Woa! Em đã về” mang phong cách teen-pop phát hành tạo được tiếng vang lớn trên thị trường âm nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên, Bằng Cường mạnh dạn hát các ca khúc do mình sáng tác và không ngờ đánh trúng được tâm lý thị hiếu của giới trẻ.

Mỗi ca khúc của anh trong album là những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng và trẻ trung. Nổi bật lên là các ca khúc “Anh là gì trong trái tim em” và “Tình yêu đẹp” luôn chiếm vị trí cao trong các bảng xếp hạng uy tín.  

Cũng trong album này, ca khúc “Anh trai tôi”, Bằng Cường viết tặng cho anh trai của mình với ca từ thấm đẫm tình cảm anh em, thể hiện lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của anh với anh trai của mình đã chiếm được tình cảm của rất nhiều người yêu nhạc cũng như đưa bài hát lọt vào Top Làn sóng xanh.

Nhiều người nói vui rằng: “Thời của Bằng Cường đến rồi!”. Anh trở thành một ngôi sao của dòng nhạc thị trường với những ca khúc do chính anh sáng tác và được giới trẻ ủng hộ và yêu mến. Và sau khi album được phát hành thì cuộc đời của một Bằng Cường “không tên không tuổi” dường như đã bước sang một trang mới.

Khán giả biết đến anh nhiều hơn, yêu mến giọng ca của anh nhiều hơn, điện thoại gọi đến đặt show cũng dày hơn. Cơ hội được học hỏi và làm việc với những ca sĩ tên tuổi cũng lớn hơn, báo chí quan tâm đến anh hơn...

Cuộc sống bận rộn hơn gấp nhiều lần nhưng chưa khi nào Bằng Cường cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng trong một tâm thế sẵn sàng cất cao giọng hát. Anh cảm thấy vui và hạnh phúc khi được khán giả đón nhận những “đứa con tinh thần” của mình một cách trân trọng.

Anh coi nó như là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của bản thân. “Nhờ có phần thưởng lớn lao đó mà tôi như được tiếp thêm động lực xây dựng những kế hoạch dự định mới đáp lại tình cảm mến mộ của khán thính giả yêu mến!”, anh nói. 

Tôi tò mò hỏi: “Chọn cho mình nghệ danh Bằng Cường, anh có bao giờ cảm thấy buồn khi nhiều người nhầm sang anh với ca sĩ Bằng Kiều hay Nam Cường nào đó chưa? Anh cười tươi nói: “Đó là một sự trùng hợp tình cờ, nhưng tôi nghĩ rằng mỗi người có một thế mạnh riêng, khán giả biết dòng nhạc Ballad là con đường mà tôi lựa chọn và đó cũng chính là dòng nhạc chạm đến được trái tim khán giả. Thế nên dù có bị trùng tên với bất kỳ ai, bản sắc của riêng tôi cũng sẽ không bị thay đổi”.

Năm 2009, ngoài việc đầu tư 100 triệu để làm MV “Người trở lại” thì Bằng Cường Cường cũng được lọt vào Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất trong năm, top 10 ca sĩ được yêu thích nhất trong năm tại giải thưởng Làn Sóng Xanh.

Anh chia sẻ, mỗi một sản phẩm âm nhạc khi ra mắt thì cần rất nhiều thời gian để chăm chút kĩ lưỡng. Là nghệ sĩ thì ai cũng muốn có nét riêng độc đáo hay muốn lập kỷ lục cho riêng mình. Và anh cũng không ngoại lệ.

Năm 2011, Bằng Cường đã lập được kỷ lục là ca sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành 15 album cùng một lúc. 15 album được phát hành, một phần là ý muốn của cá nhân, phần khác là yêu cầu của khán giả và phía đối tác đặt ra cho Bằng Cường. Anh cũng là ca sĩ đầu tiên ở Việt Nam kết hợp với DJ dưới dạng ca sĩ hát nhạc mix trên nền DJ. 

Đạt được thành quả như vậy ngoài sự nỗ lực của bản thân cũng là một điều may mắn khi tất cả những sản phẩm anh phát hành đều được khán giả đón nhận nhiệt tình. 

Tính đến nay, Bằng Cường đã viết gần 300 ca khúc. Nhìn lại, đôi khi anh cũng không hiểu tại sao bản thân viết nhiều như thế. Bằng Cường chia sẻ ngoài giờ hát trên sân khấu thì hầu như là ở ngoài đời, mọi lúc, mọi nơi.. lúc nào trong đầu anh cũng hiện lên những nốt nhạc, những câu văn, câu thơ. Anh là người rất chịu khó tìm tòi sáng tạo cho riêng mình.

Nhiều lúc mệt mỏi anh hay đọc truyện tiểu thuyết, đọc sách báo, có rất nhiều ý tưởng để phát huy thêm khả năng của mình. Mỗi ca khúc đều được anh chắt lọc cho nó ca từ riêng, thật sâu sắc và ý nghĩa. Có những năm, anh chỉ dành để sáng tác và viết nhạc, có những lúc anh lại trải nghiệm cuộc sống để lúc nào đó sẽ trở thành tác phẩm âm nhạc.

“Những ca khúc của tôi không chỉ viết về tình yêu của riêng mình mà bởi người nghệ sĩ luôn có cảm giác thăng hoa hơn người bình thường khác nên không chỉ có tình yêu, tôi còn viết về gia đình, về mẹ nữa... Tất cả những nguồn cảm hứng mà cuộc sống mang lại đều có thể khiến tôi sáng tác. Tôi cũng lựa chọn và nghiên cứu kỹ để viết được những ca khúc hay dành sự cống hiến cho xã hội như về lĩnh vực Phật giáo...”.

Hiện nay, Bằng Cường đã có thể tự mình phối khí ca khúc và viết được ca khúc cho riêng các ca sĩ khác nếu có yêu cầu. Anh từng bước, từng bước đã chứng tỏ được một điều rằng: là nhạc sĩ “tay ngang” nhưng không có nghĩa là không thể chuyên nghiệp được, chỉ cần có niềm đam mê, điều kiện đủ đầy và ý thức được sự muốn học hỏi của mình.

Sống, chiêm nghiệm và trải lòng trong âm nhạc, với anh, dường như đó là vận số cuộc đời mà anh không thể khẳng định mình đã chủ tâm chọn hay không chọn.

Vẫn chờ một người tới nắm tay

Bằng Cường thuộc tuýp người hiền lành, nhiều năm sống trong thế giới showbiz nhiều thị phi, anh ít khi va chạm với ai. Bản tính của anh là thế, không thích tiếp xúc, bon chen quá nhiều, đặc biệt là không bao giờ bình luận với những chuyện riêng tư của giới nghệ sĩ. 

Đối với một người nghệ sĩ khởi đầu lập nghiệp ai cũng gặp phải những sự cố, những điều không may mắn khi mới bước chân vào nghề. Có những thử thách, những cay đắng mà không phải ai cũng hiểu được. 

Bằng Cường bảo, mỗi nghệ sĩ đều có con đường riêng để đi và đều đến 1 cái đích thôi. Thế nên, nếu chọn cho mình con đường tốt thì sẽ được khán giả nhớ đến lâu dài, còn chọn cho mình “con đường vòng” có nghĩa là chấp nhận bản thân sẽ nổi tiếng nhưng là theo hướng tai tiếng, tiêu cực.

“Nghệ sĩ mà cứ gây ồn ào quá, nếu ai may mắn thì thành công, còn nếu không thì sự ồn ào đó sẽ phản ngược lại. Nghệ sĩ mà sự nghiệp thì ít, sự cố thì nhiều rõ ràng là không nên. Bản thân tôi từ trước đến nay vẫn chỉ thích yên bình. Tôi vẫn luôn cố gắng giữ gìn hình ảnh của mình được càng lâu càng tốt. Bởi khi bước chân vào nghệ thuật cũng có nghĩa là làm dâu trăm họ, càng nổi tiếng nếu không cẩn trọng sẽ càng dễ bị đàm tiếu”.

Hỏi anh: “Có bao giờ anh sợ mình bị hết thời hay lỗi thời?”, Bằng Cường nói, đây cũng là điều mà anh từng suy nghĩ và trằn trọc rất nhiều, sợ một ngày nào đó cái tên của mình sẽ bị lãng quên, khán giả cũng không còn nhớ mặt mình nữa, nhưng nghệ thuật suy cho cùng cũng phải là chính mình, đúng với con đường mình đang đi mới thăng hoa được.

“Với nghệ sĩ, không có điều gì buồn hơn bằng việc đã bị coi là hết thời. Chính vì vậy, ngay khi còn trẻ, tôi luôn cố gắng đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc của mình một cách tốt nhất có thể.

Giống như các nghệ sĩ lớn ở trong nước hay nước ngoài luôn được mọi tầng lớp khán giả hâm mộ mặc dù tuổi của họ đã nhiều, đó thật sự là vì tài năng của họ, chứ không phải nhờ bất cứ một scandal đình đám nào, bởi chỉ có tài năng thật sự, tâm huyết và niềm khao khát được cháy hết mình vì nghệ thuật mới có thể cứu vãn hai chữ hết thời của người nghệ sĩ”.  

Bằng Cường cho hay, hiện nay, khán giả Việt Nam đang theo trào lưu sính ngoại, tuy nhiên đến khi nghệ sĩ Việt Nam hơi hướng ngoại thì lại bị mang tiếng đạo, nhái. Thế nên, đôi lúc, người nghệ sĩ ở Việt Nam không biết khán giả mình đang cần gì nữa, bởi khi ra sản phẩm tử tế thì khán giả không xem, còn làm những sản phẩm “độc, lạ” thì lại bị soi xét quá đà. “Nói không ngoa chứ khán giả Việt Nam đang tự giết chính nghệ sĩ Việt”.

Dù thường có các “bóng hồng”, “chân dài” xuất hiện bên cạnh trong các sản phẩm âm nhạc nhưng hiện tại Bằng Cường vẫn “đi về một mình”. Bằng Cường kể, trước đây anh cũng đã trải qua rất nhiều mối tình. Trong tình yêu, anh luôn dành hết tình cảm, những gì tốt đẹp nhất cho người yêu, còn khi không hợp nhau nữa thì sẽ chia tay trong im lặng. 

Anh không quá khắt khe hay soi xét người yêu mà luôn dành cho người đó một sự tôn trọng, một khoảng không gian riêng cần thiết. Cường chỉ cần người đó luôn bên cạnh anh những lúc vui buồn, những lúc cô đơn. Vất vả, khó khăn trong cuộc sống thì ở bên cạnh động viên cho anh có thêm động lực và dành cho anh một tình yêu chân thành là đủ. 

“Ở cái tuổi này rồi, bản thân tôi cũng có mong muốn giống như bao người bình thường khác: có một người hiểu và cùng mình gắn bó đến suốt cuộc đời, nhưng có lẽ đó là cái nghiệp, cho đến lúc này tôi vẫn chưa tìm được người nào thực sự hiểu và yêu thương mình. Thôi thì khi nào nghiệp đi, duyên đến thì vui vẻ đón nhận thôi”. 

Những khó khăn trước mắt đã qua. Công việc vẫn đang cuốn Cường đi. Chặng đường nghệ thuật dẫu nhiều chông gai nhưng sẽ luôn dành vị trí cho những con người dám vượt qua số phận, dám bước về phía trước. Mơ ước của anh lúc này, đơn giản chỉ là: “Có một người đến nắm tay mình đi đến cuối cuộc đời” là hạnh phúc lắm rồi!

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.