Chỉ đóng phạt là xong
Hàng tuần, sở Y tế Tp. HCM đăng công khai trên website của mình danh sách các cơ sở hành nghề y tế bị xử phạt hành chính. Trong đó lỗi "Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo qui định của pháp luật" khá cao. Chỉ tính mỗi tuần lễ cận tết Nguyên Đán, từ ngày 01/02 đến 06/02/2016 thì trong 30 trường hợp bị xử phạt, đã có đến 6 trường hợp mắc vào lỗi này. Tỷ lệ đến 20%.
Báo Pháp Luật Việt Nam tiến hành tìm hiểu ở một số nhà thuốc bị phạt từ 2 tháng trở về trước vì lỗi "Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo qui định của pháp luật" để đánh giá sự cải thiện diễn ra như thế nào sau khi xử phạt.
Ngày 29/02, chúng tôi đến quầy thuốc Hải ở 185B đường Cống Quỳnh. Nhà thuốc này vừa bị phạt 4 triệu đồng vì lỗi nói trên. Lúc chúng tôi đến thì tại quầy có 2 nhân viên đang bán thuốc. Hỏi cho gặp chị Kiền (Bà Nguyễn Thị Kiền, người đứng tên trong Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc) thì nhân viên nói "Cô Kiền không thường xuyên đến tiệm. Muốn gặp thì gặp chú kia". Nhưng, "muốn gặp chú kia thì phải từ 11:30 đến 15:00 mới được.". Hỏi "chú kia" là ai thì nhân viên không nói.
Trước tết Nguyên Đán, chúng tôi cũng đã thực hiện khảo sát một loạt các nhà thuốc ở quận 3, quận 7, quận Tân Bình, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè với hơn 10 nhà thuốc thì chỉ có 02 nhà thuốc là có mặt người quản lý chuyên môn. Còn lại, thì chỉ có nhân viên bán thuê hoặc chủ nhà thuốc đứng bán. Một nhân viên bán thuốc ở một nhà thuốc gần cầu Phú Xuân (Nhà Bè) nói với chúng tôi rằng chuyện vắng mặt người quản lý chuyên môn là phổ biến.
Anh ta nói với phóng viên "Anh nói theo ngôn từ nhà nước thì gọi là "người quản lý chuyên môn" chứ thực ra là thuê mướn bằng. Mà chuyện này thì bình thường mà anh. Không tin anh đến hết các tiệm thuốc gần đây coi, mười tiệm như chục..
Có một thực tế là trong số các nhà thuốc chúng tôi đến tìm hiểu thì hầu hết đều thực hiện việc đóng phạt nghiêm túc. Chỉ có 01 nhà thuốc ở Nhà Bè sau 04 tháng có quyết định xử phạt mà chưa đóng tiền phạt thì các nhà thuốc còn lại đều rất tự tin khi chúng tôi hỏi thăm việc tuân thủ như thế nào sau khi có quyết định xử phạt, ngoại trừ chuyện vẫn vắng mặt dược sĩ đứng tên trong Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhà thuốc.
Nói chung, các chủ tiệm thuốc chỉ cần đóng phạt là xong.
Nói dối nhà báo
Ở góc độ quản lý nhà nước, phạt là để răn đe, điều chỉnh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, việc một nhà thuốc nào đó bị xử phạt thì, thông thường, chỉ có nhà thuốc và cán bộ sở Y Tế được biết. Việc công bố lên website thì có lẽ cũng chỉ những ai quan tâm đến lĩnh vực này mới biết chứ dân chúng xung quanh nhà thuốc - những người sẽ là khách hàng của nhà thuốc không biết, thậm chí chính quyền địa phương sở tại cũng không biết.
Tại nhà thuốc Châu Ngọc, số 247/63 đường Lạc Long Quân (quận 11), sáng ngày 29/02 chúng tôi đến, xin gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (người quản lý chuyên môn) thì gặp một người đàn ông đang đứng tại quầy. Người này hỏi lý do cần gặp. Sau khi nghe trình bày, anh ta nhanh nhảu nói rằng mình chỉ là người cho thuê nhà và bán tạp hóa. Bán thuốc là chị Ánh chứ không phải là anh ta nên anh ta không biết gì cả. Hỏi bà Ánh thì anh ta nói bà Ánh vừa đi đâu đó, anh ta chỉ trông giúp quầy thuốc.
Người đàn ông nói dối nhà báo tại nhà thuốc Châu Ngọc, số 247/63 đường Lạc Long Quân (quận 11). Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Chúng tôi rời đi, 30 phút sau chúng tôi trở ngang qua nhà thuốc thì thấy anh ta đang bán thuốc cho khách. Ngày hôm sau chúng tôi trở lại, cũng thấy anh ta bán thuốc. Khi chúng tôi chụp ảnh thì anh ta phản ứng gay gắt với những lời lẽ thách thức. Rốt cuộc công an phải can thiệp và đại diện UBND phường mời cả hai phía về trụ sở làm việc.
Tại văn phòng UBND phường, chúng tôi hỏi: "Trước mặt lãnh đạo Ủy ban phường, anh có thừa nhận là anh bán thuốc tại nhà thuốc Châu Ngọc không?" Anh ta lặng im. Chúng tôi hỏi chính quyền "Phường có biết là anh này bán thuốc tại nhà thuốc Châu Ngọc không?", đại diện Ủy ban nói "Chúng tôi chỉ quản lý chung thôi chứ cái này chúng tôi chưa trả lời được.".
Ngoài ra, còn có hiện tượng chủ nhà thuốc có vẻ quen biết với những thế lực nào đó nên tỏ ra bất khả xâm phạm đối với báo chí. Tại nhà thuốc Thảo Trinh, số 127 đường 100 Bình Thới (quận 11), khi chúng tôi đến (ngày 29/02) thì thấy 4 nhân viên đang bán thuốc. Trong đó, 01 không mặc đồng phục và cả 04 đều không đeo bản tên theo quy định.
Phóng viên xin gặp bà Phan Thị Xuân Huệ (người quản lý chuyên môn) thì nhân viên gọi điện thoại cho một người, sau đó chuyển máy cho phóng viên nói chuyện. Người này chưa cần nghe phóng viên giới thiệu và cũng không thèm tự giới thiệu, đã sa sả căn vặn. "Anh từ cơ quan nào tới? Tôi bị phạt thì đã nộp phạt rồi. Còn kiểm tra gì nữa. Muốn gặp tôi thì bây giờ không được. Muốn gì sau 5 giờ chiều. Giờ đó tôi mới về.". Câu chuyện không đi đến đâu và phóng viên đành cúp máy.
Ngày hôm sau, chúng tôi quay lại nơi này, xin được gặp bà Phan Thị Xuân Huệ thì được một người phụ nữ đứng tuổi tự xưng là chủ nhà thuốc đứng ra nói chuyện. Chúng tôi làm thủ tục theo quy định của luật Báo chí.
Người này vẫn đúng như cách nói chuyện hôm trước nhưng thái độ nói chuyện còn tệ hơn. Chỉ mỗi chuyện xin gặp người quản lý chuyên môn của nhà thuốc mà bà này một mực không cung cấp thông tin. Bà ấy cầm thẻ và giấy giới thiệu của phóng viên rồi gọi lòng vòng cho những ai đó sau đó nói với phóng viên những lời lẽ đầy thách thức. Rốt cuộc câu chuyện cũng vẫn không đi đến đâu.
Hiện tượng thuê mướn bằng dược sĩ để mở nhà thuốc là khá phổ biến ở Tp. HCM. Không rõ cơ quan chức năng có cách nào để dẹp triệt để hay không?