Tự nhận mình thích đọc thơ hơn in thơ, nhà thơ Phan Vũ vừa có buổi giao lưu với công chúng yêu thơ của Thủ đô, thực hiện tâm nguyện được “đọc và chính thức giới thiệu với người Hà Nội trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” trong một không gian Hà Nội”. Cùng với những tình cảm gửi về trái tim của cả nước, chuyến đi này cũng gợi lại trong ông những xúc cảm tha thiết khi được trở ra miền Bắc, nơi có mảnh đất Hải Phòng quê hương ông. Nhân dịp này, nhà thơ đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hải Phòng về trường ca và những tâm sự, tình cảm ông dành cho phố Biển – mảnh đất nơi ông đã sinh ra và gắn bó suốt thời thơ ấu.
- Xin chào nhà thơ Phan Vũ! Được biết ông sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Nhà thơ có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Hải Phòng những kỷ niệm của ông với thành phố Cảng?
- Hải Phòng là nơi tôi sinh ra và gắn bó suốt thời thơ ấu, đến năm 13, 14 tuổi, tôi theo gia đình lên Hà Nội. Nhà tôi trước ở gần khu vực bến Sáu Kho nhưng tôi lại học ở trường Lạc Viên, qua nhà máy Tơ. Trường cách nhà 3, 4 km nhưng chỉ đi bộ thôi. Tôi nhớ, hồi đó tôi rất thích đội mũ nồi đi học và thường bị các anh lớn trêu đùa giật mũ. Đến trường, tôi phải đi qua bến Cảng. Bến Cảng ngày đó chỉ là những thanh gỗ xếp. Tôi thường đi dọc những thanh gỗ đó, nghịch ngợm, nhìn xuống dưới sông. Thời gian tôi sống ở Hải Phòng không nhiều nhưng vì đó là nơi mình sinh ra và sống những tháng ngày đầu tiên của cuộc đời nên mỗi lần nhớ tới những kỷ niệm đó, tôi luôn thấy xúc động.
- Ấn tượng sâu sắc nhất của nhà thơ về thành phố Cảng là gì?
- Đó chính là những chuyến tàu. Khi nhỏ, tôi hay lang thang chơi ở bến Sáu Kho, chứng kiến những chuyến tàu đến, tàu đi. Tiếng còi tàu rúc từng hồi dài mỗi khi cập bến hoặc rời bến đã trở thành những ký ức in đậm trong tâm trí tôi, trở thành nguồn cảm hứng, người bạn dẫn tôi đến với thơ ca.
- Nói về thơ ca, xin nhà thơ chia sẻ đôi nét về hoàn cảnh sáng tác trường ca “Em ơi! Hà Nội phố”?
- Tháng Chạp năm 1972, khi đế quốc Mỹ đưa máy bay B52 bắn phá Thủ đô, tôi bắt đầu viết những câu thơ “Em ơi! Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa”. Tại đêm thơ giao lưu với công chúng Thủ đô vừa qua, một bạn đọc băn khoăn hỏi tôi: “Tại sao lại là Em ơi! Hà Nội phố” mà không phải là “Cô ơi! Hà Nội phố”, “Bà ơi! Hà Nội phố”. Xin nói ngay rằng, tôi viết bài thơ không phải là sự thách thức đối với lời hăm dọa của Tổng thống Mỹ Nixơn “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”. Đó chỉ là tiếng lòng tôi chùng lại trước hình ảnh đất đai Hà Nội bị cày xới, máu người Hà Nội đã đổ. Và tiếng gọi em thân thương ấy là câu thần chú, là chốn để tâm hồn tôi nương náu, tìm sự an ủi, là tiếng kêu thương với hy vọng qua cơn lốc xoáy của tâm hồn. Điệp từ “Ta còn em” được nhắc đi, nhắc lại vừa khẳng định những ký ức của Hà Nội đã ở đây, in đậm trong tâm trí của ta, đạn bom quân thù không xóa được nhưng đồng thời “Ta còn em” cũng có nghĩa “ta mất em”, một sự tiếc nuối cho những gì không còn là của Hà Nội, không chỉ do chiến tranh mà còn do quên lãng của thời gian, do tác động của con người. Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” được viết bằng lòng tự ái của một người con Hà Nội trước cảnh Hà Nội bị kẻ thù tàn phá. Những cảm xúc dâng đầy trong tâm trí và câu chữ cứ tự ùa về.
- Trực tiếp đọc và giao lưu với bạn yêu thơ của Thủ đô về trường ca “Em ơi! Hà Nội phố”, nhà thơ có cảm xúc như thế nào?
-Gần nửa thế kỷ ra đời nhưng mãi tận bây giờ, bản trường ca về Hà Nội mới trở lại với Hà Nội. Đối với tôi, điều đó thật có ý nghĩa. Mấy chục năm ra đời nhưng xưa bài thơ đâu có in, thơ tôi chỉ là thơ miệng vì thế mà tam sao thất bản. Tôi hy vọng bản đọc lần đầu tiên trước công chúng Thủ đô cũng là bản chính thức cuối cùng của “Em ơi! Hà Nội phố”. Ở tuổi 85, khi quãng thời gian “ở trọ trần gian” (nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) của tôi cũng đã quá dài, việc thực hiện được đêm thơ là điều tôi mãn nguyện nhất. Tôi thật sự rất ấn tượng trước tình cảm nồng nhiệt mà bạn yêu thơ Hà Nội dành cho tôi.
- Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!
Hồng Châm thực hiện