Sáng nay, tại công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Quảng Nam (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) hơn 400 công nhân tổ chức đình công tập thể lần thứ 3 phản ứng việc nhà thầu không trang bị bảo hộ lao động, không có hợp đồng, không bảo hiểm…
Ông Ngô Quang Toàn (40 tuổi, trú xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành), công nhân đội xây bức xúc nói: “Nhiều lần chúng tôi có nhờ tổ trưởng đề đạt chuyện cấp đồ bảo hộ lao động để anh em yên tâm làm việc nhưng chẳng bao giờ thấy đôi giày, cái mũ bảo hộ nào cả. Từ tháng 1/2011 đến nay, hầu như công nhân làm việc đều tự bỏ tiền túi ra trang bị giày, mũ bảo hiểm, áo quần, nếu không bảo vệ không cho vào làm”.
Theo ông Toàn, mới đây, có hai công nhân là Châu Văn Lâm và Hồ Thị Hương đang làm thì đổ giàn giáo, vật liệu xây dựng rơi trúng đầu phải nhập viện. Đến nay đã có đến 3 cuộc đình công mà nguyên nhân cũng vì công nhân bức xúc chuyện tiền lương, bảo hiểm và đồ bảo hộ lao động. Nhưng chuyện vẫn không được giải quyết sau những lời hứa từ nhà thầu BOMI E&C của Hàn Quốc.
Hơn 400 công nhân tổ chức đình công phản ứng việc nhà thầu không trang bị bảo hộ lao động, không có hợp đồng, không bảo hiểm… |
Công nhân Trần Phú Vinh (53 tuổi, thợ tô) cho biết: “Chúng tôi có biết tờ hợp đồng lao động như thế nào đâu. Vào đây họ cấp cái thẻ bảo đi làm và chấm công nhật thôi”.
Được biết, không chỉ việc công nhân không được ký hợp đồng mà họ còn bị ép công, tiền lương thấp. Đàn ông làm đủ 8 tiếng một ngày nhận được 90.000 đồng, phụ nữ thì 60.000 đồng.
“Nhà thầu còn buộc chúng tôi làm thêm 1 tiếng tăng ca nữa nhưng chỉ trả thêm có 15.000 đồng. Còn nếu muốn vào làm việc ở đây thì dễ như trở bàn tay, chỉ cần nộp bản sao chứng minh thư là được cấp thẻ vào cổng và làm ngay”, ông Vinh cho hay.
Ông Đặng Văn Tân, Cán bộ Phòng Hành chính - Nhân sự của Công ty BOMI E&C khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi có ký hợp đồng bảo hiểm của công nhân với phía Công ty bảo hiểm Samsung (Công ty liên doanh TNHH bảo hiểm Sam Sung - Vina - PV). Khi xảy ra tai nạn phía đối tác sẽ lo chi phí điều trị”.
Khi được hỏi, làm thế nào để phía Samsung chi trả bồi thường tai nạn lao động, ông Tân cho hay: “Lấy bản chấm công làm bằng chứng, phía nhà thầu (Công ty TNHH BOMI E&C) sẽ làm báo cáo gửi đến Công ty Samsung và công nhân sẽ được nhận tiền bồi thường” (!?).
Cũng theo ông Tân, Công ty BOMI E&C không có tổ chức Công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Sở dĩ, công ty có hơn 400 công nhân không ký hợp đồng lao động là do họ đều làm theo thời vụ.
Ông Trần Đình Hùng, người đại diện cho phía công nhân cho biết: “Họ hứa sẽ cấp đồ bảo hộ trong tuần tới, tiền lương thì họ hứa trong tháng 8 tới sẽ điều chỉnh. Còn về hợp đồng lao động và bảo hiểm cho công nhân thì họ sẽ làm văn bản trình công ty mẹ bên Hàn Quốc để xem xét sau. Chẳng biết bao giờ nữa, vì lần nào chúng tôi cũng nhận được những lời hứa như thế”.
Phóng viên Báo PLVN Online cố gắng liên hệ với phía lãnh đạo của BOMI E&C để tìm hiểu rõ hơn về sự việc nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không tiếp xúc với báo chí!”…
Trương Gia Hân