Hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo “đua” nhau mọc lên bên các đường mới được mở rộng. TP. Hà Nội đang quyết tâm dẹp bỏ loại căn hộ này, nhưng mọi việc vẫn chưa như mong đợi…
Theo quyết định số 26/2005/QĐ - UB (ngày 28/2/2005) của UBND TP. Hà Nội, trường hợp nhà nước thu hồi một phần đất ở của người đang sử dụng mà phần diện tích ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng còn lại dưới 20m2 hoặc từ 20m2 trở lên, nhưng hình thể thửa đất không đủ điều kiện xây dựng nhà ở theo quy hoạch - kiến trúc thì UBND quận, huyện ra quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc tạo điều kiện để chuyển nhượng, hợp khối…
Tuy nhiên, thực tế, nhiều diện tích đất tại các tuyến đường mới mở dù không đủ điều kiện xây dựng nhưng vẫn "mọc" lên các căn hộ “tý hon”.
Vừa được giải phóng mặt bằng, các căn hộ "tý hon" đã kịp xuất hiện trên Quốc lộ 32 (đoạn Diễn - Nhổn). Ảnh: Báo Đất Việt.
Từ đoạn cầu vượt đường Xuân Thủy – Phạm Văn Đồng, sau khi mặt bằng tuyến đường 32 được giải phóng, hàng loạt căn nhà siêu mỏng đã được chủ hộ xây dựng. Đứng phía trên cầu vượt, những căn nhà này được thiết kế theo một cấu trúc kỳ lạ với diện tích “siêu bé, siêu mỏng”.
Theo đó, kể từ cầu vượt này kéo dài gần đến cổng trường ĐH Thương Mại, những diện tích đất không bị thu hồi được người dân tận dụng xây dựng. Tấc đất tấc vàng, chủ khu đất nhanh chóng dựng lên các ngôi nhà siêu mỏng, méo mó, làm cho mỹ quan phố phường rất… khó coi.
Điều đặc biệt, các khối nhà này được xây dựng cao tầng, có nhà được “gác lên” ba đến bốn tầng nằm quay mặt ra đường. Có những ngôi nhà chiều rộng chưa đến 2m, chiều dài khoảng 3m, nằm ở diện tích đất “tí hon” nhưng vẫn được xây thành “căn hộ”.
Đoạn đường ngắn này có hàng chục ngôi nhà như vậy mọc lên, một số đã hoàn công, một số đang được công nhân xây dựng hoàn thiện.
Đường Lê Văn Lương kéo dài cũng có hàng loạt ngôi nhà kiến trúc tương tự thi nhau mọc lên. Đến nay, nhiều ngôi nhà đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Chính quyền địa phương không thể không biết những căn nhà siêu mỏng, siêu méo này đang mọc lên trên địa bàn do mình quản lý. Cũng có thể, nhiều biện pháp hành chính như đình chỉ xây dựng đã được tiến hành, nhưng một biện pháp kiên quyết, như cưỡng chế vẫn chưa được thực hiện.
Quận Thanh Xuân đang là nơi đứng đầu về nhà siêu mỏng, với 62 căn, quận Ba Đình có hơn 40 căn. Sau khi Quốc lộ 32 (đoạn Diễn - Nhổn) được mở, huyện Từ Liêm cũng xuất hiện hàng loạt căn hộ loại này.
UBND TP Hà Nội mới đây cho biết sẽ kiên quyết xử lý các căn hộ siêu mỏng, siêu méo. Theo đó, đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, xác định địa điểm cụ thể cần thu hồi (đặc biệt là đối với các dự án mở đường đang triển khai) và tổ chức việc thu hồi đất (nếu không hợp khối được trong thời hạn mà UBND quận, huyện, thị xã thông báo) theo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng chỉ đạo việc rà soát, phân loại, lập danh mục cụ thể các địa chỉ cần thu hồi, xây dựng phương án, tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng phần diện tích sau giải phóng mặt bằng...
Quy định đã rõ, nhưng việc xuất hiện các căn nhà siêu mỏng, siêu méo đòi hỏi Tp. Hà Nội cần có biện pháp mãnh mẽ và quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề mà người dân đang rất quan tâm nói trên.
Như Trang