Đi ra đường lơ ngơ: “đồ nhà quê”; một món đồ, một cái áo lỗi mốt: “đồ nhà quê”... Dường như đây là câu cửa miệng của không ít người, thậm chí là những người gắn trên mình mác “quê” chính hiệu...
Ảnh minh họa |
“Đồ nhà quê” - câu cửa miệng chốn đô thành
Có thể nói, thành phố luôn là nơi có quầng sáng lung linh, và là ước mơ và khát vọng đổi đời, nơi nhiều người từ nhiều vùng quê khác đã tới học tập, sinh sống và ở lại. Tuy nhiên, trong cuộc sống nơi mà mọi giá trị thường được đánh giá bởi vật chất và sự thực dụng thì mỗi người lại có một cách hành xử khác nhau đối với nguồn cội của mình.
Thu Minh, một phụ nữ trí thức cho biết, bố mẹ chồng mình sống ở quê 2/3 đời người và mới chuyển lên Hà Nội được 7 năm nay, nhưng mỗi lần nói chuyện gì liên quan đến những chuyện ở quê là ông bà lại dè bỉu: nào là bẩn như người nhà quê, thô lỗ như người nhà quê, vô duyên như người nhà quê... cơ man bao nhiêu cái xấu đều do người nhà quê...
Hồi mới về làm dâu, nhiều lúc thấy ông bà có nhiều suy nghĩ coi thường người nhà quê quá chị còn tranh luận và phản đối, nhưng rồi tôi thấy ông bà càng ngày càng khinh miệt người nhà quê hơn... mà bản thân ông bà là con nhà bần nông bao nhiêu đời nay, chỉ nhờ con cái ăn lên làm ra ở Hà Nội nên mới được lên Hà Nội sống. “Tôi thấy lo khi con cái mình hàng ngày ở gần ông bà, tôi sợ ông bà lại truyền vào cháu sự khinh miệt đó... Nghĩ mà thấy buồn!” - chị Minh tâm sự.
Hồng Hạnh, một cô gái xinh xắn chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì là người con được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chiêm trũng đồng bằng Bắc Bô. Những lúc cảm thấy mệt mỏi muốn quên đi cuộc sống xô bồ, ồn ã chồn thành thị tôi lại trở về quê hương để được hưởng bầu không khí trong lành và cuộc sống thanh bình, yên ả nơi đây. Nhiều lúc tôi cảm thấy xấu hổ và đáng buồn thay cho những cô bạn cùng phòng khi họ lên tiếng chê bai người khác là “đồ nhà quê” mặc dù họ cũng chỉ là những cô gái quê mới ra thành phố sống được vài năm”.
Thu Hằng, một phụ nữ trí thức cũng đầy tự hào: “Mình cũng là một người sinh ra và trưởng thành nơi nhà quê. Thành đạt nơi thủ đô sầm uất, nhưng có lẽ nếu không có cái nơi nhà quê nghèo nàn lạc hậu đó thì mình không thể có những thành công và mãn nguyện như bây giờ. Mình có một gia đình đủ đầy, hạnh phúc, công việc không chê vào đâu và hơn nữa mình luôn tự hào khi chồng vẫn nói: “Nếu có kiếp sau anh vẫn chọn cô gái nhà quê như em làm vợ””.
Nhà quê thì đã làm sao
Sống ở thủ đô, nhưng cụm từ “người Hà Nội” dường như đã trở thành một điều gì đó diệu vợi và xa xôi, khi mà Hà Nội chỉ còn rất ít người Hà Nội xưa cũ. Cũng như khi ta về quê, đường làng giờ đã bê tông hóa, phố xá đèn điện sáng choang, nhà nhà xây biệt thự như trên phố, dịch vụ cũng tận răng, thậm chí cần gì alo là có. Thế nhưng, hễ cư ra đường và cả trong cuộc sống thường nhật, khi nhìn một món đồ kệch cỡm, một sự ngơ ngác, một thứ vật chất đã lỗi thời... , câu cửa miệng và khá “xốn tai” được trút ra miệt thị: “Đồ nhà quê!”.
Mà, nhà quê thì đã làm sao...
Bởi, quê hương là cái mà mỗi người chúng ta không sao chối bỏ. Cũng như mẹ, như cha, quê hương lặng thầm trong ta một thứ tình yêu thấm đẫm và mặn nồng, không ầm ĩ, chẳng phấn son. Nhưng bước thành công trên đường đời, sự có mặt của quê hương có thể là rất nhỏ, nhưng trên những nẻo đường sa cơ, thất bại quê hương luôn là nơi giang tay đón ta về, như lòng mẹ, lòng cha có lúc nào ngừng yêu thương con cái, dẫu rằng đâu đó còn đầy bạc bẽo, xót xa.
Này, đây là cái sự sành điệu vặn mình thành dân phố...
Bởi ra phố phải sống như dân phố, nào nhà hàng, ăn nhậu, xe đẹp, “dế” sang, hút xách, trà lá, áo quần... Nhưng lắm khi cái thẩm mỹ, cái văn hoá ấy lại lưng chừng, “rinh” những món đồ cứ phải vài trăm tới vài ngàn USD nhưng “hình” và “bóng” lại chẳng đi liền với nhau. Nó giống như mấy cô váy ngắn mà đi lội ruộng trong các chương trình truyền hình hay phim giờ vàng...
Và điều quan trọng là cái sự quá đà tại rất nhiều văn phòng, công sở, khi mà nhiều người đã ra sức gột sạch những trong lành mộc mạc của thầy u để nhìn đâu, thấy gì cũng ngác ngơ cây gì, con gì như ta đây đích một tiểu thư, một quý cô “sành điệu”. Và đây nữa nữa, những “nhà giàu mới nổi” không tự phân biệt nguồn gốc “quê” hay “tỉnh” của chính mình, nhưng lại luôn oang oang mắng người khác “đồ nhà quê”!?.
Ai bảo ở quê không có điều kiện học hành, ai bảo ở quê con người luôn lạc hậu... có thể đúng phần nào. Những gì liên quan đến công nghệ, khoa học, kỹ thuật rồi tự mình cũng sẽ bù đắp được đầy chỗ trống. Nhưng có một điều mà càng lớn con người càng cảm thấy khó làm và khó đắp xây, đó là tình người.
Miên Thảo