Chỉ riêng ngành dệt may và da giày Hải Phòng hiện tạo ra khoảng 60.000 chỗ làm việc, đại bộ phận là nữ. Có khoảng 30% số lao động đến từ ngoại tỉnh và các vùng lân cận có nhu cầu thuê nhà. Trong khi đó, doanh nghiệp mới chỉ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho một số ít lao động. Vấn đề nhà ở cho công nhân luôn bức xúc, nhưng sau nhiều năm bàn bạc vẫn giậm chân tại chỗ.
Ăn trưa đã kham khổ, nghỉ trưa còn khổ hơn |
Không đáp ứng nhu cầu
Một thực tế hiện nay, phần lớn công nhân tự tìm thuê phòng ở gần nơi làm việc của mình. Với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/người, họ đều phải chọn giải pháp vài người chung nhau thuê một phòng tại những dãy nhà trọ tư nhân chung quanh nhà máy, khu công nghiệp. Hầu hết dãy nhà trọ dựng tạm bợ, không gian chật hẹp, ẩm thấp, điện nước thường xuyên thiếu thốn, an ninh-trật tự không bảo đảm. Vấn đề nhà ở cho công nhân đang là bài toán nan giải ở nhiều nhà máy, KCN. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chủ động xây nhà ở cho công nhân còn quá ít (trên địa bàn thành phố mới có duy nhất KTX dành cho công nhân của Công ty TNHH Đỉnh Vàng), hầu hết doanh nghiệp thiếu mặn mà về việc xây nhà ở cho công nhân vì không có lợi nhuận.
Những công nhân khi được hỏi về nhu cầu nhà ở, không ai không bày tỏ mong muốn được doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương xây nhà ở dành cho họ. Chị Trần Thị Hồng, ở tổ 1, phường Hải Thành (quận Dương Kinh) cho biết: “Bọn em ít khi thuê nhà trọ cố định, vì phụ thuộc vào việc làm, giá cả và điều kiện sinh hoạt. Với đồng lương eo hẹp hiện nay không biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh tạm bợ”. Liên, một nữ công nhân khác không giấu nổi niềm mơ ước về căn hộ chung cư dành riêng cho công nhân: “Em mong sao có khu chung cư dành riêng cho công nhân, có thể 6-8 người/phòng nhưng sạch sẽ, thoáng mát và an toàn. Sống mãi trong căn phòng trọ ban ngày cũng tối như ban đêm thế này, nhiều khi chúng em tủi thân lắm”.
Bữa cơm... chiều vào lúc 21 giờ trong phòng trọ chật hẹp, nóng bức |
Theo khảo sát của ngành Xây dựng, hiện thành phố có 8 khu, cụm công nghiệp, với tổng số công nhân có nhu cầu thuê nhà dự kiến đến năm 2015 khoảng 39.000 người. Theo quy định, với 5m2/người và dự kiến đầu tư khoảng 5 triệu đồng/m2 thì diện tích sàn khoảng 195.000m2, với số vốn khoảng 975 tỷ đồng.
Đừng để nằm… trong ngăn kéo
Giải quyết nhà ở cho người lao động nói chung, công nhân nữ nhập cư nói riêng là một vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chính phủ ra quyết định số 66 ban hành cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân thuê, có hiệu lực từ tháng 6-2009. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân thuê được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo...
Tại Hải Phòng, mặc dù một số doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng nhà giá thấp, nhưng đến nay, sau hơn một năm triển khai chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở cho công nhân thuê, tình hình vẫn giậm chân tại chỗ. Trong bối cảnh thành phố thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cho khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay, nếu doanh nghiệp giải quyết được nhu cầu chỗ ở và đời sống của người lao động thì tăng khả năng ngăn chặn nạn "chảy máu" lao động sau đào tạo.
Khu nhà trọ của công nhân da giày |
Lý giải điều này, bà Bùi Thị Hân (LĐLĐ thành phố) cho biết, chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để xây nhà lưu trú hiện nay thiếu hợp lý. Ngân hàng Chính sách cho vay tiền để xây nhà lưu trú tối đa trong vòng 7 năm, nhưng nhà lưu trú phải cần 10-20 năm mới có thể thu hồi được vốn, nên doanh nghiệp ngần ngại. Hoạt động này đòi hỏi vốn lớn nhưng vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp, trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải thuê đất để sản xuất, kinh doanh và đóng thuế nên họ thiếu mặn mà. Bất cập này khiến thị trường nhà ở cho công nhân tiếp tục bị bỏ trống. Chẳng hạn, hội đồng quản trị của KCN Nomura – Hải Phòng nhiều năm qua dành đất xây dựng nhà ở cho công nhân và kêu gọi đầu tư, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vì khả năng thu hồi vốn kém.
Để tháo gỡ vấn đề nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp thì tiền lương của công nhân tại doanh nghiệp phải được quan tâm đúng mức, bảo đảm cuộc sống tối thiểu và tiền thuê nhà. Mặt khác, các cấp có thẩm quyền ở địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, giúp công nhân tiếp cận nhà ở, đồng thời khuyến khích các tổ chức tài chính tín dụng vào cuộc để tạo ra nguồn tài chính dồi dào, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với việc mua nhà trả góp hay vay tiền mua nhà ưu đãi. Thành phố cần nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về nguồn vốn, mẫu nhà, công nghệ, quy chế quản lý theo tiêu chí: diện tích, hạ tầng, hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà ở cho thuê...
Phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp ở khu vực đô thị là một chủ trương lớn, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở hiện nay. Tuy nhiên, một khi đã có cơ chế, chính sách, để chủ trương này sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì các doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, tích cực hơn trong việc tạo ra cơ hội về nhà ở cho các đối tượng trên, cũng là một cách đầu tư để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của bản thân doanh nghiệp. Với người lao động, có an cư thì mới lạc nghiệp được.
Hải Nguyễn
Ảnh: Giang Chinh