Hàng chục năm nghiên cứu và tiếp xúc với rắn, anh Nguyễn Thiên Tạo, Cán bộ phụ trách ếch nhái, bò sát tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện tài nguyên và sinh vật Việt Nam, số 18, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) thường bị đùa vui là nhà khoa học duy nhất Việt Nam chuyên… rắn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiên Tạo |
Say mê “rắn đẹp”
Lý do nghiên cứu về rắn là niềm say mê vẻ đẹp của loài rắn, có sở thích "nguy hiểm" là chụp ảnh nghệ thuật cho rắn, thế nhưng những kỷ niệm đáng nhớ nhất về rắn lại là những lần… chết hụt. Để có được những bức ảnh đẹp, “độc”, thường phải tạo bối cảnh và tạo hình cho rắn nên trong lúc thao tác, những lần bị rắn cắn không thể đếm xuể.
Nguy hiểm nhất là một lần tại phòng nghiên cứu của viện, khi đang" tắm rửa" cho một cá thể rắn thuộc họ cạp nong, cạp nia được nuôi để nghiên cứu, chú rắn này đã “tặng” “ông chủ” một vết cắn chí mạng. May mắn chưa thể lý giải là sau một khoảng thời gian ngắn sưng và hơi buốt, vết thương không có biểu hiện gì khác thường. Có thể vì rắn đã được nuôi nhốt nên nọc “hết thiêng”, cũng có thể như lời vị cán bộ cười bông đùa “chưa đến lúc nọc độc phát tác".
Hết mình, rồi tới người khác chết hụt. Từng chứng kiến không ít đồng nghiệp, "tiền bối", những người nuôi rắn phải tháo khớp các chi, riêng một trường hợp ám ảnh anh tới tận bây giờ. Năm 2010, người thanh niên này là chuyên gia duy nhất của Việt Nam tham gia làm chương trình về rắn với đoàn làm phim của kênh truyền hình Mỹ National Geographic. Chương trình đang làm tới tập cuối trong seri 4 tập thì nhận được thông tin từ khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về một ca bệnh nặng.
Cùng đoàn làm phim có mặt, anh chứng kiến hình ảnh một gia đình đang vật vã bên con trai bị rắn cạp nong cắn. Người thanh niên chỉ ngoài 20 tuổi khi ấy đã rơi vào trạng thái hôn mê, liệt toàn thân, phải mở khí quản để thở oxy, tính mạng như "chỉ mành treo chuông". Gia đình người gặp nạn nghèo khó, thấy đoàn tới thì như "chết đuối vớ được cọc".
Trường hợp này nếu không được tiêm vắc xin điều trị trong vòng 48 tiếng đồng hồ thì “thần Chết dắt tay”, mà vắc xin chống độc loại rắn này chỉ có ở Thái Lan, giá rất đắt. Sự sống chết chỉ còn tính trong gang tấc, vị cán bộ vận động mọi người và cả đoàn làm phim góp tiền mua thuốc. Việc vận chuyển cũng rất khó khăn do thời gian đã gần kề, thuốc lại ở dạng dung dịch nên rất khó chuyển.
Lại nhờ vả những mối quan hệ của mình, anh nhờ người quen bên Thái Lan mua thuốc, nhờ phi công một hãng hàng không mang về. Đêm ấy là một đêm bồn chồn, lo lắng. Chính tay anh là người lao ra sân bay, mang thuốc về bệnh viện, dịch hướng dẫn sử dụng thuốc cho các bác sĩ. Nín thở chờ điều kỳ diệu xảy ra, mọi người vỡ oà sung sướng khi bác sĩ thông báo thuốc đã có tác dụng.
Ngay sau đó đoàn làm phim lại lên đường đi Tam Đảo, Phú Quốc để hoàn thành nốt những cảnh quay cuối cùng. Một tuần sau trở lại Hà Nội, việc đầu tiên cả đoàn làm là quay lại bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân chưa hồi phục nên hầu như bất động, thấy mọi người tới thì ra hiệu đưa cho một chiếc bút rồi run run viết lên tờ giấy hai chữ “cảm ơn”. Máy quay phim đã ghi lại được những khoảnh khắc quý giá ấy. Đó chính là kỷ niệm mà anh Tạo gọi là "sự ám ảnh tuyệt vời".
Rắn lục Trùng Khánh mới chỉ tìm thấy tại Việt Nam |
Cơ duyên với rắn
Tạp chí Bò sát và Ếch nhái của Nga xuất bản tháng 1/2009 có một bài viết chấn động giới khoa học về việc tìm thấy một loài rắn lục mới tại Khu bảo tồn thiên nhiên Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng. Tới nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được ghi nhận tìm thấy loài rắn này, được phát hiện của anh Tạo.
Đây là loài rắn thứ tư thuộc họ rắn lục Protobothrops ở Việt Nam, cùng với các loài rắn lục sừng, rắn lục giéc- đôn và rắn lục cườm. Loài rắn mới này được đặt tên theo địa điểm được tìm thấy là rắn lục Trùng Khánh. Rắn dài 733 mm, kích thước nhỏ so với các loài cùng giống, khác biệt rõ nét ở sự sắp xếp các vảy trên thân, các vảy nhỏ ngăn cách giữa đầu và cổ, lỗ mũi lớn; mình thon, vảy hình thang, có gờ nổi rõ; có màu nâu xám nhạt ở lưng và đầu; có nhiều vệt nâu sẫm trên thân và đuôi; gần đuôi có vệt đen; không có vệt đỏ trên chóp đuôi.
Việc phát hiện ra loài rắn này đối với anh Tạo và đoàn nghiên cứu Nga hết sức tình cờ, trong chuyến công tác phối hợp giữa Viện bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Viện động vật Xanh - Petecbua. Tháng 1/2009, anh và đoàn chuyên gia Nga có cuộc khảo sát tại Cao Bằng. Những cuộc khảo sát thường tiến hành từ khoảng 19h tới nửa đêm, hôm đó anh và một người dẫn đường người địa phương soi đèn đi bộ men theo một lộ trình nghiên cứu đã được vạch sẵn trong rừng, chợt nhìn thấy một cá thể rắn trong khe đá vôi.
Kinh nghiệm mách bảo đây là một loài rắn lục cực độc, anh dùng panh (dụng cụ chuyên dụng để bắt rắn) tóm gọn con rắn, mang về địa điểm tập kết. Lúc đầu chỉ nghĩ đó là một loại rắn lục thường, nhưng suốt đêm cứ hình dung lại con rắn, lại thấy có điều gì đó ngờ ngợ. Sáng hôm sau, quan sát kỹ, mọi người mới nhận thấy những điểm khác biệt hoàn toàn của cá thể này với các loài rắn lục khác và khẳng định đây là một loài rắn mới lần đầu tiên phát hiện trên thế giới. Đây là một cá thể đực trưởng thành với những đặc tính hoàn thiện của loài.
Một điều thú vị là hai ngày sau, khi đoàn nghiên cứu chuẩn bị rời đi, lại nhận được thông tin một người dân tìm thấy một cá thể khác có đặc điểm tương tự. Xem tận mắt, mọi người mừng rơn nhận ra đó chính là một cá thể rắn cái cùng loài, có kích thước lớn hơn con đực. Mọi người còn đùa nhau: "Có khi là một "cặp vợ chồng" rắn?".
Vị chuyên gia này cho biết chưa thể khẳng định đây là loài đặc hữu ở Việt Nam, chỉ có thể nói rằng tới nay mới chỉ phát hiện loài này ở nước ta. Do là những cá thể loài đầu tiên được phát hiện, mẫu chuẩn dưới dạng tiêu bản hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Mẫu đồng chuẩn, là cá thể cái được lưu giữ tại Viện bảo tàng Xanh- Petecbua phục vụ nghiên cứu.
Để có được những nghiên cứu thiết thực về rắn phục vụ công tác cứu chữa những người bị rắn cắn và mục đích kinh tế, những nhà nghiên cứu sinh vật như anh Tạo thường phải làm việc trong những điều kiện hết sức nguy hiểm. Có những chuyến công tác hàng tháng trời trong rừng núi rậm rạp, đi bộ hàng chục km, cắm trại ngay trong rừng và làm việc thâu đêm suốt sáng. Thế nhưng niềm đam mê vẫn chiến thắng tất cả.
Vị chuyên gia trẻ cho biết ở Việt Nam có hơn 200 loài rắn, trong đó có khoảng 25% là có độc, tuy nhiên phần lớn trong đó gần như không bao giờ bắt gặp nên tỉ lệ rắn độc trong tự nhiên chỉ khoảng 5%. Anh cười “bênh vực”: “Rắn là loài động vật rất nhút nhát, không bao giờ tự tấn công con người mà chỉ tự vệ khi bị bắt, bị trêu chọc, bị đánh. Rắn cũng là biểu tượng của sự may mắn, của điềm lành, mọi người nên nâng cao ý thức chung sống hoà bình và bảo tồn loài rắn”.
Thanh Nguyệt