Một người thầy bắt nguồn từ một chữ “duyên”
Với nhà báo Vương Xuân Nguyên, những kỷ niệm gần 20 năm với nhà báo lão thành Đỗ Phượng là tài sản hết sức quý báu trong cuộc đời cầm bút của anh.
20 năm trước, từ một cơ duyên mà anh Vương Xuân Nguyên đã vinh dự được gặp nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN. Những thiện cảm ban đầu về một nhà báo lão thành giản dị, gần gũi, am tường nhiều lĩnh vực nhưng lại rất khiêm tốn đã khiến anh dần trở nên yêu thích nghề báo từ lúc nào không biết.
Kể từ đó, dù đi bất cứ đâu, anh Vương Xuân Nguyên cũng luôn chăm chú quan sát, ghi lại những diễn biến xung quanh và đến báo cáo xin ý kiến ông triển khai bài viết. Và anh luôn nhận được những lời phê bình, đánh giá nghiêm khắc từ nhà báo Đỗ Phượng qua các bài viết.
Nhà báo vẫn nhớ như in về bài báo đầu tiên của mình không được cố nhà báo Đỗ Phượng cho đăng không phải vì viết yếu mà vì nhạy cảm. Cảm xúc hụt hẫng khi bài viết đã được chuẩn bị cẩn thận từ câu chữ đến từng tấm ảnh kèm tài liệu chứng minh...Vậy mà phút cuối ông Phượng lại quyết định không cho đăng mà còn phải đi gặp một đồng chí lãnh đạo để báo cáo trực tiếp vụ việc.
Luôn ghi nhớ tận tâm 7 lời dặn trong nghiệp vụ báo chí của thầy Đỗ Phượng
Kinh qua những bài học vỡ lòng “đau thương”, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã có được cho mình vốn kinh nghiệm quý báu, ngày càng hoàn thiện bản thân và kỹ lưỡng, chắt chiu hơn trong từng bài viết, từng con chữ.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên có 20 năm gần gũi giúp việc nhà báo Đỗ Phương với bao kỷ niệm khó quên trong nghề báo |
Khi nhắc đến 7 lời dặn của cố nhà báo Đỗ Phượng, nhà báo Vương Xuân Nguyên không ngần ngại chia sẻ với phóng viên: “Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ xác thực. Thứ hai, viết cho sát đối tượng. Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị. Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn. Thứ năm, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu. Thứ sáu, khiêm tốn và nghiêm khắc với chính mình. Thứ bảy, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của người thầy Đỗ Phượng, sau gần 20 năm gắn bó với nghiệp báo chí, nhà báo Vương Xuân Nguyên trở thành một cây bút viết về nhiều lĩnh vực, nhưng nổi bật hơn cả là đề tài môi trường, Sinh Vật Cảnh và phát triển Nông thôn.
“Với tôi, việc gặp gỡ Nhà báo Đỗ Phượng ngay từ những năm đầu ra Thủ đô học đại học là một cơ hội thay đổi cuộc đời, một cơ duyên hiếm có giúp tôi nhận ra giá trị của mình khi gắn bó với nghề báo và sự nghiệp Sinh Vật Cảnh những năm tiếp theo” - nhà báo Vương Xuân Nguyên tâm tình.
Lấy tấm gương và phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ Nam
Nhớ lại những ngày tháng còn gần gũi để “học nghề”, nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ: “Cố nhà báo Đỗ Phượng thường nhấn mạnh với tôi rằng báo chí là phương tiện sắc bén trong đấu tranh chính trị. Vì vậy, người viết cần phải thường xuyên rèn luyện “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo. Trong đó, cần phải thường xuyên học tập, vận dụng phong cách viết báo và làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Chính vì vậy, ngoài người thầy Đỗ Phượng trực tiếp chỉ dạy, với nhà báo Vương Xuân Nguyên, Bác Hồ cũng chính là một người thầy, là tấm gương sáng để anh noi theo và áp dụng nguyên tắc làm báo của Bác một cách triệt để trong mọi bài viết.
Những nguyên tắc của Bác như kim chỉ nam giúp cho nhà báo Vương Xuân Nguyên đã trở thành một cây bút trẻ năng động. Những năm tháng mài giũa ngòi bút, đạo đức nghề báo từ trong thực tiễn, nhà báo đã sáng tác hàng ngàn bài viết bằng phương pháp luận khoa học, cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề xuất phát từ thực tiễn, văn phong giải dị kết hợp giữa thông tin và lối phân tích kể chuyện hấp dẫn gây nhiều ấn tượng cho độc giả.
Chia sẻ quan điểm làm báo trong thời đại Công nghệ 4.0, nhà báo Vương Xuân Nguyên cho biết: "Chất lượng báo chí ngày nay không còn chủ yếu nằm ở việc các nhà báo kinh nghiệm đi đến các nơi,…phát hiện các nguồn tin, xác minh và tái xác minh dữ kiện rồi kể lại, thuật lại cho độc giả theo mô hình làm tin truyền thống gồm 6 yếu tố 5W + H…, mà chất lượng báo chí thực sự nằm ở những hoạt động tổ chức thông tin sao cho Nhanh - Trúng - Đúng - Hay để cho ra đời những tác phẩm báo chí góp phần làm tăng tri thức, sự hiểu biết cho người đọc. Vì vậy, thay vì phản ánh báo chí cần phải sáng tạo. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin thuần túy một cách chính xác, tin cậy để kịp thời định hướng dư luận, mà còn cần phải tích hợp giữa cung cấp thông tin và phân tích, nhận định, kể chuyện để tin tức sâu sắc hơn, có sức sống hơn. Đặc biệt mỗi bài báo cần phải được đầu tư công sức trí tuệ thích đáng để tạo được những dấu ấn, quan điểm, góc nhìn riêng mang tính chính thống của người viết. Hơn cả tin tức, báo chí phải cung cấp tri thức mới cho độc giả. Đây yếu tố quyết định sự sống còn của báo chí trong bối cảnh cạnh tranh thông tin khốc liệt với người khổng lồ mạng xã hội".
Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên phải) nhận vinh danh tại Hội Báo toàn quốc năm 2017 |
Ngoài vai trò là một nhà báo năng động với nhiều bài viết chuyên ngành để lại những dấu ấn riêng, người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Sinh Vật Cảnh, Phát triển Nông thôn, nhà báo Vương Xuân Nguyên còn được biết đến là nhà hoạt động xã hội sôi nổi với nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực như: văn hoá, lễ hội, kiến trúc cảnh quan, tài chính ngân hàng…
Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) mỗi người làm báo chúng ta hãy thành kính tưởng nhớ về những bậc tiền bối cách mạng. Biết ơn những người thầy, người làm báo đi trước đã hướng dẫn, chỉ dạy, giúp đỡ ta trưởng thành trong nghề. Với nhà báo Vương Xuân Nguyên luôn bày tỏ tấm lòng tri ân và ghi nhớ 7 lời nhắn nhủ năm xưa của người thầy Đỗ Phượng.