Khoảng 8h hôm qua, UBND phường An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự đô thị đối với ông Trần Đăng Hải (ngụ nhà số 306, KV 5, đường Vành đai phi trường, phường An Thới) theo quyết định cưỡng chế số 131 của Chủ tịch phường ký ngày 4/9/2012.
Điều đáng nói ngay từ khi lực lượng cưỡng chế của phường với Cảnh sát 113, CSGT, bảo vệ dân phố… có mặt đã bị gia đình ông Hải phản ứng, yêu cầu chủ tịch phường công bố quyết định thành phần đoàn cưỡng chế như thế nào, đồng thời gia đình cho rằng đã khiếu nại quyết định cưỡng chế nhưng đến nay chưa nhận được quyết định hay văn bản giải quyết việc khiếu nại mà đã cho lực lượng đến cưỡng chế…
Một người trong gia đình có công trình bị cưỡng chế khi tỏ thái độ to tiếng, yêu cầu cưỡng chế phải làm đúng quy định và cản một bảo vệ dân phố khi người này xảy ra giằng co với mẹ ruột của mình ngay sau đó đã bị khống chế bằng roi điện, đưa lên xe Cảnh sát 113 rồi còng tay đưa đi. Ngay sau đó, lực lượng của phường An Thới với sự hỗ trợ của công an và bảo vệ dân phố đã tiến hành tháo dỡ mái tôn, đập phần nhà xây dựng vi phạm…
Thời điểm này, tại hiện trường có mặt một nam thanh niên đi chung đoàn cưỡng chế sử dụng máy quay phim quay lại quá trình cưỡng chế, được tạo điều kiện vào tận hiện trường đang đập, tháo dỡ phần nhà xây dựng vi phạm để ghi hình…;
Trong khi đó, một số PV báo chí trung ương và TP.HCM tại Cần Thơ tác nghiệp, chụp hình phía bên ngoài hiện trường cưỡng chế liền bị một người đàn ông mặc áo bảo vệ dân phố hùng hổ lao đến điểm mặt cản trở, lớn tiếng ra lệnh thu máy chụp hình của PV Báo SGGP, sau đó lao đến cùng một bảo vệ dân phố khác túm lấy máy ảnh của PV Báo SGGP. Người đàn ông này còn “lệnh” giữ PV Báo SGGP lại và khi các bên giằng co, roi điện trong tay bảo vệ dân phố được bật lên rẹt rẹt để hăm dọa… PV Báo SGGP ngay sau đó đưa thẻ nhà báo ra nhưng vẫn bị hăm dọa thu máy ảnh, không cho tác nghiệp… Một đồng nghiệp cơ quan báo chí TW phải đứng ra yêu cầu người đàn ông mặc áo bảo vệ dân phố không được thu máy vì báo chí tác nghiệp theo luật định nhưng người này vẫn hung hăng…
Khi nhóm PV đứng ở phía xa để quan sát khu vực cưỡng chế thì phía đoàn cưỡng chế gọi thanh niên đang cầm máy quay phim chĩa ống kính để quay… Lúc này, PV của Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) Văn phòng đại diện tại ĐBSCL yêu cầu không được quay phim gương mặt mình và cho rằng, nếu không được sự đồng ý thì không được ghi hình nhưng phía những người trong đoàn cưỡng chế cho rằng chỉ quay quang cảnh chung (?!). Giữa hai bên có sự to tiếng và ngay sau đó cũng chính người đàn ông mặc trang phục bảo vệ dân phố đã “lệnh” thu máy ảnh của PV Báo SGGP đã cùng một bảo vệ dân phố khác lao đến giằng co, khống chế PV Báo Pháp luật Việt Nam dẫn giải lên xe của Cảnh sát 113. Phải đến khi một số PV khác can thiệp thì những người này mới lảng đi chỗ khác…
Điều đáng nói việc cưỡng chế là công khai, có người của đoàn cưỡng chế (theo tìm hiểu là PV của Đài Phát thanh quận Bình Thủy) ghi hình tác nghiệp để sau này tuyên truyền, nhưng không hiểu vì sao PV báo chí lại bị cản trở tác nghiệp. Chưa hết, khu vực có công trình xây dựng phải cưỡng chế tháo dỡ nằm sâu phía trong, cách mặt đường khoảng 20m, có cổng rào và phía ngoài hàng rào giáp với đường lộ lực lượng cưỡng chế không giăng dây để khoanh vùng khu vực cấm ra vào, cũng không có biển cấm quay phim chụp ảnh.
Ngoài ra, khi xảy ra việc bảo vệ dân phố hung hăng “lệnh” không cho tác nghiệp, thu giữ phương tiện tác nghiệp và giữ cả nhà báo lại thì có mặt lãnh đạo UBND phường An Thới – chủ trì buổi cưỡng chế - và có cả công an phường, cảnh sát 113 nhưng chẳng ai can thiệp, để mặc cho người đàn ông mặc áo bảo vệ dân phố hung hăng ra lệnh thu máy, giữ nhà báo, không cho tác nghiệp…
Ngọc Long