Luồng gió độc chủ yếu ảnh hưởng tới xuất khẩu
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Việt
Nam
dù đã hội nhập kinh tế quốc tế hay chưa thì vẫn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đến nỗi lắm bởi nền kinh tế của ta còn quá nhỏ so với thế giới. Hơn nữa, chúng ta hội nhập chưa sâu, riêng tài chính, tiền tệ hầu như chưa hội nhập, không có liên hệ với các ngân hàng trên thế giới bị sụp đổ, việc thực hiện những cam kết về tài chính tiền tệ khi gia nhập WTO vẫn chậm. Bên cạnh đó, sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam những năm trước đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì bây giờ lại là thế mạnh, trở thành đệm đỡ tích cực cho nền kinh tế khi không những lo đủ ăn, mà còn xuất khẩu tới 6 triệu tấn gạo, cao nhất từ trước tới nay. Dung lượng thị trường nội địa với 86 triệu dân là khá lớn và cũng là một yếu tố quan trọng đỡ cho nền kinh tế. Cho nên, luồng gió độc của khủng hoảng ảnh hưởng chủ yếu tới xuất khẩu vì tỷ trọng xuất khẩu của Việt
Nam
chiếm tới 60- 70% GDP. Không những thế, cứ cái gì dính tới “ngoại” là giảm như nguồn vốn ngoại, xuất khẩu lao động, du lịch… đều giảm. Đây chính là tác động nhất thời.
Trong bối cảnh đó, Việt
Nam
có nhiều ứng phó nhanh nhạy mà cụ thể là thực hiện nhiều đợt điều chỉnh chỉ tiêu, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, chính sách tài chính tiền tệ và các gói kích cầu là quan trọng. Từ đó, có thể rút ra bài học kinh nghiệm qua khủng hoảng là phải bốc thuốc cho đúng, liều lượng vừa phải, thời gian cho uống đúng lúc mới mang lại hiệu quả. Nguyên Phó thủ tướng nhắc lại, giá như việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ được thực hiện sớm hơn, từ từ hơn thì đỡ sốc hơn. Cho nên, phải luôn luôn chú ý tới mạch đập của nền kinh tế, tâm tư của người dân. Đặc biệt, khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập thì cả 2 vấn đề này đều rất đỏng đảnh, mong manh, dễ biến động. Bây giờ không phải là thời kinh tế kế hoạch như trước đây, Quốc hội quyết định như thế nào thì thực hiện được như thế đó mà phải luôn tuân theo quy luật của thị trường, luôn có thể thay đổi và phải nắm thông tin nhanh nhạy để dự báo và xử lý. Nguyên Phó thủ tướng cũng cho rằng, ứng xử với những biến đổi này cần rất linh hoạt nhưng là linh hoạt theo chuẩn mực chứ không tùy tiện. Trong đó cần chú trọng điều tiết thị trường trong nước và nước ngoài sao cho hài hòa, thỏa đáng và tiến lên CNH- HĐH nhưng với Việt Nam, nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng. Thời điểm này, càng cần phối hợp tốt hơn nữa 2 đòn bẩy: quy luật cung cầu của thị trường và sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước không thể can thiệp quá mức nhưng cũng không thể thả lỏng, càng không nên cấm đoán… Đó là những bài học kinh nghiệm lớn cần rút ra để xây dựng chính sách phù hợp.
“Ba trong một” của năm 2010
Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, năm 2010, Việt Nam phải gánh trọng trách “ ba trong một” cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đó là phải xử lý ngay những vấn đề trước mắt của hậu suy giảm. Thứ hai là sẽ nảy sinh một loạt những nhiệm vụ trung hạn khi là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2006- 2010, chiến lược kinh tế 10 năm 2000- 2010, tiến tới Đại hội lần thứ 11 của Đảng. Thứ ba là năm 2010 cũng phải chuẩn bị hành trang bước vào chặng đường nước rút 10 năm để biến Việt Nam trở thành nước CNH- HĐH. Đó là mục tiêu dài hạn và Việt
Nam
phải có tầm nhìn ở cả 3 vấn đề đó.
Thực hiện mục tiêu này, Việt
Nam
có nhiều thuận lợi như đã chặn được đà suy giảm, bắt đầu vươn lên. Năm 2010 có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng dương đồng thời đã rút ra được bài học, kinh nghiệm ứng phó với các tình huống thành thạo hơn. Cùng với việc nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, vị thế quốc tế của Việt
Nam
ngày càng được nâng cao… Nhưng bên cạnh đó, còn không ít thách thức như kinh tế thế giới hồi phục nhưng còn bấp bênh, thất nghiệp ở Mỹ còn cao, lượng tiền bơm ra trong năm 2009 quá lớn dẫn tới một loạt hậu quả khác cần giải quyết, trong đó có việc một số nước như Trung Quốc sau khi bỏ ra tới 585 tỷ USD để ứng cứu thì giờ đây lại phải thắt chặt lại, dễ dẫn tới cực đoan. Chủ nghĩa bảo hộ còn rơi rớt, việc cơ cấu lại kinh tế của các nước cũng khiến tiêu dùng giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt
Nam
. Mặt khác, năm 2010 là năm ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, một số chính sách sẽ thắt chặt hơn, sản xuất sẽ gặp nhiều thách thức hơn…
Trước những tình hình đó, nguyên Phó thủ tướng cho rằng, cần xác định rõ mô hình phát triển của Việt Nam phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu thế của thế giới để đề ra cơ chế chính sách đi theo đúng đắn. Theo đó, tái cấu trúc nền kinh tế cần sớm được thực hiện bởi mô hình phát triển của ta mới chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào lao động và vốn là chính chứ năng suất lao động, hàm lượng chất xám còn ít, hơn nữa còn dựa quá nhiều vào nền kinh tế thế giới cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, công nghiệp mới chủ yếu là khai thác tài nguyên và gia công chứ công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; nông nghiệp chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, dịch vụ chưa thật sự phát triển, cơ sở hạ tầng còn mất cân đối và lạc hậu, nguồn nhân lực chưa mạnh… Vì thế, cần chỉnh sửa những cái lệch để đến năm 2020 Việt
Nam
có một nền kinh tế hài hòa, hợp lý. Một vấn đề nữa cần chú ý là giải quyết tốt mối tương quan giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng, giữa tăng trưởng và tính bền vững thể hiện ở yếu tố môi trường, chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Nguyên Phó thủ tướng kết luận, cần cố gắng đạt hiệu quả cao nhất bằng những phương tiện hạn chế nhất; bảo đảm cái tối thiểu mà không hạn chế cái tối đa.
Có thể nói, những vấn đề mà nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đề cập tới là sự nghiên cứu, tổng hợp, nhận định, khái quát nhất về kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy ở tầm vĩ mô nhưng qua đây, Hải Phòng và các doanh nghiệp cũng có thể rút ra những nhận thức cần thiết để xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong năm 2010 với nhiệm vụ nặng nề nhưng lại đầy khó khăn, biến động.
Hồng Thanh lược ghi