Nguyên nhân dịch COVID-19 lây lan dữ dội tại Tây Ban Nha

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Leganes, Tây Ban Nha ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Leganes, Tây Ban Nha ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Giữa tháng 2, khi dịch COVID-19 đang cao điểm ở Trung Quốc, Hàn Quốc thì tại Tây Ban Nha, hàng ngàn người dân vẫn đổ tới sân vận động Italy cổ vũ bóng đá, tụ tập trên các bãi biển hay quán cà phê.

Thời tiết ấm một cách bất thường, giải bóng đá Champions League cùng nhiều sự kiện lớn khác vẫn được tổ chức, cộng với văn hóa cà phê và tụ tập đông người trên bãi biển của người dân là những yếu tố góp phần khiến virus SARS-CoV-2 phát tán khắp Nam Âu, từ thành phố này với thành phố khác, từ Italy đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Theo kênh CNN, độc lực của SARS-CoV-2 càng trở nên nguy hiểm bởi một thực tế là các triệu chứng thường không biểu hiện sau nhiều ngày, cộng với sai lầm của các chính phủ khi họ đuổi theo các tác động của dịch, trước khi chịu thừa nhận rằng chỉ có phong tỏa hoàn toàn mới có thể ngăn được cơn "thủy triều" COVID-19.

Tính đến ngày 29/3, có gần 6.000 ca đã tử vong và hơn 73.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha – quốc gia có số người tử vong vì dịch cao thứ hai trên thế giới, sau Italy. CNN cho rằng dưới đây là những yếu tố góp phần khiến dịch COVID-19 lây lan ồ ạt tại quốc gia này.

Giải bóng đá – “cơ hội” của SARS-CoV-2

Ngày 19/2, gần 3.000 người hâm mộ câu lạc bộ bóng đá Valencia đã đi từ Tây Ban Nha đến Milan (Italy) để cổ vũ đội bóng của họ tranh tài với Atalanta trong khuôn khổ giải Vô địch các CLB châu Âu (UEFA Champions League). Khoảng 40.000 người Italy cũng có mặt trên khán đài cổ vũ trận đấu này, nhiều người trong số họ đến từ Bergamo (điểm nóng dịch của Italy) và các thị trấn lân cận.

Chú thích ảnh
Cổ động viện Atalanta trong trận đấu với Valencia ngày 19/2 tại Milan. Ảnh: CNN

Thị trưởng của Bergamo, Giorgio Gori cho biết, tối hôm đó Milan vô cùng náo nhiệt. Ngoài những người cổ vũ trực tiếp trận đấu, còn “rất nhiều người khác theo dõi từ nhà của họ, quây quần bên gia đình hoặc tụ tập xem tại các quán bar”, ông Gori lưu ý, “Rõ ràng buổi tối hôm đó là thời cơ để virus lây lan một cách mạnh mẽ”.

Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu miễn dịch Francesco Le Foche nói với tờ Corriere dello Sport: “Có nhiều tác nhân và chất xúc tác cho sự phát tán của virus SARS-CoV-2, trận đấu Atlanta-Valencia có thể là một trong số đó”. “Nhìn lại thì thấy, thật điên rồ khi quá đông người hiện diện, nhưng ở thời điểm đó, mọi thứ không đủ rõ ràng”, ông Le Foche nhận xét.

2 ngày sau đó, tại thị trấn Codogno của Italy, cách thành phố Bergamo, khoảng 60 km, một người đàn ông 38 tuổi, được biết đến là “bệnh nhân số 1”, được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng theo nghiên cứu của gần 20 chuyên gia Italy, virus này đã âm thầm lây lan từ lâu trước đó.

Tại thời điểm phát hiện “bệnh nhân số 1”, dịch bệnh đã lan rộng ở hầu hết các khu vực ở miền Nam Lombardy (Italy), nghiên cứu của các chuyên gia nói trên cho biết. Sau khi kiểm tra gần 6.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, đã có 388 bệnh nhân tại khu vực Lombardy nhiễm virus từ ngày 19/2.

“Trong tuần lễ tiếp theo, khu vực Codogno, cũng như một số thị trấn lân cận ở miền Nam Lombardy, đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc bệnh”, các nhà nghiên cứu lưu ý.

Chú thích ảnh
Trung tâm triển lãm Ifema ở Madrid được biến thành bệnh viện dã chiến COVID-19, ngày 22/3. Ảnh: EPA

Sau trận đấu, những vị khách Valencia đã quay trở lại quê nhà. Một trong số họ là phóng viên thể thao Kike Mateu. Mateu nói với CNN rằng 4 ngày sau khi trở về nhà, anh bị ho và khó thở. Vài ngày sau đó, Mateu “quyết định tới bệnh viện vì khi đó đã bùng nổ các ca lây nhiễm ở Lombardy”.

Tới ngày 27/2, một người phát ngôn Sở y tế Valencia xác nhận với CNN rằng có 6 ca mắc COVID-19 trong thành phố. Ba ngày sau đó, một người Bồ Đào Nha từng đến thăm Valencia, có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi trở về nước. Mateu đã lây virus cho 4 đồng nghiệp của anh, và câu lạc bộ bóng đá Valencia sau đó xác nhận, hơn 1/3 cầu thủ và huấn luyện viên của họ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Kike Mateu, hiện đã bình phục ở Valencia, là một trong hàng ngàn người đang giận dữ. “Thay vì cách ly người dân, chính phủ lại mời người dân đổ ra đường”, anh nói.

Trong tuần đầu tiên của tháng 3/2020, Bộ Y tế Tây Ban Nha đã yêu cầu tổ chức các sự kiện thể thao lớn theo hình thức “đóng cửa”, tức là không có khán giả, bao gồm cả trận lượt về Valencia -Atlanta.

Nhưng nhìn chung cuộc sống tại Tây Ban Nha khi đó vẫn diễn ra bình thường. Quán bar và các tiệm cà phê vẫn mở cửa. Thời tiết ấm áp một cách bất thường đã khiến người Tây Ban Nha đổ ra các không gian công cộng. Các cuộc mít tinh trong ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) có sự tham gia của hàng chục nghìn người, diễn ra trên khắp đường phố Tây Ban Nha, trong đó có đám đông ước tính khoảng 120.000 người tại thành phố Madrid.

Chú thích ảnh
Người dân giữ khoảng cách khi xếp hàng vào siêu thị ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 16/3. Ảnh: CNN

Hai nữ Bộ trưởng trong nội các Tây Ban Nha sau đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, mặc dù không rõ họ bị lây như thế nào. Các đảng đối lập chỉ trích chính phủ vì đã cho phép tổ chức những sự kiện như vậy.

Một tuần sau, Chính phủ Tây Ban Nha chuyển sang trạng thái mà Bộ trưởng Y tế nước này Salvador Illa gọi là “củng cố ngăn chặn” COVID-19. Biện pháp chính là đóng cửa các trường học tại Madrid từ ngày 11/3 nhưng điều này không mang đến tác dụng như mong muốn. Hàng trăm nghìn sinh viên đã tận hưởng một kỳ nghỉ bất ngờ. Nhiều người sống tại Madrid rời thủ đô, có lẽ một phần do lo ngại chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn. Các con đường trở nên đông đúc hơn khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 13/3 tuyên bố “tình trạng báo động” sẽ được ban hành. Tuy nhiên, phải đến ngày hôm sau, thông tin chi tiết về lệnh này mới được thảo luận trong cuộc họp nội các.

Chú thích ảnh
Đơn vị Khẩn cấp Quân sự Tây Ban Nha phun thuốc khử trùng tại sân bay Malaga, ngày 16/3.  Ảnh: CNN

Phản ứng rời rạc, thiếu nhất quán

Các phản ứng tổng thể dường như rời rạc, bị thiếu nhất quán bởi sự bất đồng giữa chính quyền trung ương và các khu vực - đặc biệt là xứ Catalonia. Thủ tướng Sanchez đã thừa nhận: "Chúng tôi có thể hiểu rằng lúc này mọi biện pháp dường như là không đủ, dù chỉ một tuần trước, ai cũng cho rằng tình hình dường như bị phóng đại”. “Hạn chế tự do là điều mà một chính quyền dân chủ chỉ có thể làm khi thực sự cần thiết”, ông giải thích trong một phiên họp quốc hội. Người dân Tây Ban Nha dường như vẫn còn bị ám ảnh bởi thời kỳ độc tài Franco và chế độ ‘bàn tay sắt” thời đó.

Hôm 26/3, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa đã nói về một “giai đoạn ổn định” trong xu hướng chẩn đoán, một hy vọng cũng được Giám đốc Trung tâm Y tế khẩn cấp Tây Ban Nha Fernando Simon nhen nhóm. Nhưng ngay cả khi điều này là đúng thì áp lực đè nặng lên hệ thống y tế Tây Ban Nha vẫn sẽ gia tăng trong những tuần tới, khi mà hàng ngàn nhân viên y tế đã nhiễm virus.

Cái giá mà nền kinh tế Tây Ban Nha phải trả do lệnh phong tỏa – hiện đã được gia hạn thêm 2 tuần nữa – sẽ còn nặng nề hơn. Chính phủ nước này hiện đang đề nghị Liên minh châu Âu hành động mạnh mẽ hơn nữa để giúp phục hồi về tài chính.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.