Bệnh nhân vượt tuyến vì ngại trạm y tế
Theo thống kê của Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện trong số những bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến Trung ương có tới hơn 35% bệnh nhân có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; đặc biệt, trong số các bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có tới hơn 41% bệnh nhân có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Việc không tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở đã dẫn đến việc người dân kéo lên tuyến trên, gây quá tải trầm trọng cho tuyến trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải thừa nhận, có thực trạng này là do hiện nay, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu chưa thực sự tốt, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa.
Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý được các bệnh mạn tính. Đặc biệt, số lượng và chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế tuyến đầu còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Hiện nay, trạm y tế xã, phường mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.
Cùng với đó, hạn chế về nhân lực tại các trạm y tế hiện nay cũng khiến người dân chưa tin tưởng. Trong số 26 trạm y tế được chọn xây dựng thí điểm chỉ có 3 tỉnh là: Hà Nội, TP HCM, Yên Bái là có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế; vẫn còn 8/26 trạm chưa có bác sĩ làm việc tại trạm; 9/26 trạm chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 trạm chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa hợp lý, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.
Một nguyên nhân khác khiến bệnh nhân vượt tuyến là do tuyến y tế cơ sở chưa đảm bảo được quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vì danh mục thuốc BHYT ở trạm y tế rất ít, thiếu nhiều loại thuốc cơ bản. Hơn nữa, một số trạm y tế không có bác sĩ nên cũng hạn chế việc chỉ định sử dụng các loại thuốc, một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: huyết áp, tiểu đường,… chưa được chỉ định ở tuyến xã.
Để khắc phục tồn tại, triển khai đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn để triển khai mô hình điểm. Các trạm y tế này được xây dựng theo hướng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo đó, 26 trạm y tế được chọn thí điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang,...
Đem lại nhiều lợi ích cho người dân
Theo bà Tiến, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Trong khi đó, vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Chính vì thế việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
“Khi tôi đi công tác ở Thổ Nhỹ Kỳ, hỏi người bệnh vì sao họ không lên tuyến trên chữa bệnh mà lại đến bác sĩ gia đình thì họ nói ngay là tuyến dưới chữa được không cần thiết phải lên tuyến trên. Còn tại Việt Nam, tôi vừa đi khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày khám đến 5.000 bệnh nhân, quá tải trầm trọng như vậy khó mà đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện Trung ương chỉ nên tập trung y tế kỹ thuật cao, còn các bệnh nhẹ khác thì nên điều trị ở tuyến dưới”, bà Tiến cho hay.
Ngoài ra, theo bà Tiến, điều cốt lõi là phải nâng cao chất lượng chuyên môn của các bác sĩ tại trạm y tế để người dân tin tưởng khi đến khám, đồng thời luân chuyển bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ và “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ tại trạm.
Cùng đó, theo Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, khi thực hiện nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các trạm y tế xã, phường có thể kết nối với Trung tâm Y tế huyện, các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện tuyến Trung ương để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, tiện lợi, kịp thời, không cần phải di chuyển lên tuyến trên và bất cứ thời điểm nào cũng có thể thực hiện xin ý kiến tư vấn từ tuyến trên.
Mặt khác, việc làm này sẽ tăng cường đào tạo từ xa cho các trạm y tế xã, phường và có thiết bị nhỏ gọn, tháo lắp dễ dàng giúp việc triển khai nhanh chóng. Ngoài ra, khi hoạt động tốt trên hạ tầng mạng Internet, không cần đầu tư đường truyền riêng gây tốn kém. Chúng ta sẽ thao tác sử dụng đơn giản, dễ dàng với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Đặc biệt là sẽ hỗ trợ mở rộng kết nối tới cán bộ y tế có sử dụng phần mềm trên máy tính, điện thoại di động và các thiết bị thông minh.