Điều tra đường dây mua bán bộ phận cơ thể người chết: Đối xử với hàng ngàn thi thể như… mớ rau, con cá

Công cụ chia tách thi thể của nhân viên công ty BRC.
Công cụ chia tách thi thể của nhân viên công ty BRC.
(PLO) - Trong suốt 1 thập kỷ, Trung tâm tài nguyên sinh học (BRC) có trụ sở tại Arizona, Mỹ đã thuyết phục được hơn 5.000 người Mỹ hiến xác cho khoa học. Có điều, hàng nghìn người trong số đó đã không được đối xử như lời hứa hẹn.

Bộ phim kinh dị

Vào một ngày tháng 11/2013, nhân viên kỹ thuật Sam Kazemi của BRC đứng trước một thi thể. Ở gần đó là một con dao mổ, một chiếc cưa máy được dùng để cắt đường ống hoặc cắt tường và thi thể của ông Conrad Patrick – một công nhân mới học hết lớp 9. 

6 ngày trước, ông Patrick qua đời ở tuổi 75. Nhanh thoăn thoắt, Kazemi đã chia thi thể thành nhiều phần và xếp thành 7 gói. Phần chân trái được BRC chuyển tới cho một phòng thí nghiệm chỉnh hình ở Chicago. Phần vai trái thì được gửi tới cho một công ty ở Las Vegas để phục vụ cho các hội thảo về giải phẫu. Đầu và xương sống được gửi tới để sử dụng cho một dự án do Quân đội Mỹ điều hành. Các cơ quan sinh sản bên ngoài của ông thì được gửi tới một trường đại học địa phương. Còn phần chân phải và đầu gối trái được đặt vào tủ đông của công ty. 

Vào những ngày bận rộn, Kazemi có thể “xử lý” đến 6 cái xác như vậy. Cần phải nói thêm ở đây là trước khi được BRC tuyển dụng, Kazemi từng là nhân viên môi giới bất động sản, phục vụ tại một nhà hàng rồi sau đó là quản lý nhà hàng. Khi vào làm việc tại BRC, ông ta vừa hoàn tất khóa học về vận động học. Tại BRC, ông ta được trả 21 USD/giờ cho công việc của mình.

Chính những bộ phận cơ thể như của ông Patrick đã đem đến khối tài sản hàng triệu USD cho các công ty như BRC. 

Hóa đơn giao dịch của công ty này với một số đối tác cho thấy, BRC đã bán gan của một nhân viên gác cổng trường cho một công ty thiết bị y tế với giá 607 USD. Phần thân của một quản lý ngân hàng đã về hưu được một cơ sở nghiên cứu của Thụy Sỹ mua với giá 3.191 USD.

2 đơn vị chăm sóc sức khỏe ở Midwestern đã trả 65 USD để mua 2 động mạch đùi từ một mục sư. Còn phần chân của một nhà hoạt động công đoàn được một công ty phát triển sản phẩm ở Minnesota mua với giá 350 USD. Theo hồ sơ, tại BRC, một thi thể người hiến tặng được công ty bán với giá khoảng 5.893 USD.

Để có được những bộ phận cơ thể như vậy, những công ty như BRC chủ yếu dựa vào những người quá nghèo, đến mức không có tiền để lo tang lễ. Để được hỏa táng miễn phí, những người này sẽ phải đồng ý hiến xác.

 Phân tích của Reuters về hồ sơ của những người hiến xác cho BRC từ tháng 5/2011 đến tháng 1/2014 cho thấy hầu hết những người hiến xác cho công ty này sống ở những khu dân cư có mức thu nhập của hộ gia đình thấp hơn nhiều so với mức trung bình của tiểu bang. 4/5 người trong số này không học đại học, cao gấp đôi so với tỉ lệ trung bình trên toàn quốc.

Tính từ năm 2004, theo thống kê của Reuters, hơn 2.357 bộ phận thi thể đã được những công ty môi giới thu gom từ ít nhất 1.638 người bị lạm dụng, phân tách hoặc ngược đãi. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là lớn hơn nhiều. 

Dẫn chứng là kết quả cuộc đột kích của giới chức Mỹ vào nhà kho của BRC năm 2014. Tại đó, các điệp viên phát hiện đến 10 tấn thi thể người được đông lạnh, bao gồm 1.755 thân người. Sau cuộc đột kích, BRC đã phải dừng hoạt động. Người sáng lập cũng là chủ của công ty Stephen Gore sau đó đã phải nhận tội lừa đảo, chứ không phải tội buôn bán các bộ phận cơ thể người. 

Ngay cả những điều tra viên kỳ cựu như ông Charles Loftus và Matthew Parker đều cho biết họ cảm thấy ớn lạnh trước những gì chứng kiến tại nhà kho của BRC và một đoạn video ghi lại cảnh nhân viên của công ty tách các bộ phận thi thể dài 24 phút mà các điều tra viên tìm được. 

“Nó giống như một bộ phim kinh dị. Đó không phải là cách anh đối xử với con người. Anh không thể ném họ vào những chiếc túi rồi cho vào tủ đông như vậy”, ông Charles Loftus nói. 

Bà quả phụ Tama DeRosier bên di ảnh chồng.
Bà quả phụ Tama DeRosier bên di ảnh chồng.

Còn điều tra viên Matthew Parker thì cho hay ông đã không thể ngủ được sau khi tham gia cuộc đột kích. “Cảnh tượng ở đó giống như một cửa hàng, người ta cắt rồi trộn các thứ lại với nhau”, ông Parker nói. Ông này hiện đã nghỉ hưu nhưng mang trong mình bệnh rối loạn trầm cảm hậu sang chấn vì vụ án.

Tổng cộng, theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2014, BRC đã nhận được khoảng 5.000 xác và đã bán được hơn 20.000 bộ phận. Khách hàng của công ty có cả những nhà thầu của quân đội Mỹ. Trong số những bộ phận cơ thể đã được BRC bán để phục vụ cho các thử nghiệm của quân đội Mỹ có phần đầu và cột sống của ông Conrad Patrick và ông Leon Small.

Trong văn bản thỏa thuận hiến xác có chữ ký của ông Patrick và Small, 2 ông đều nêu rõ không muốn bị sử dụng trong các thử nghiệm bom mìn và các cuộc thử nghiệm quân sự. 

Song, thực tế đã đi ngược lại với mong muốn của họ. Theo thống kê, thi thể hoặc các bộ phận thi thể từ ít nhất 20 người hiến xác cho BRC đã được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm của quân đội mà không được sự đồng thuận của họ. 

Về vấn đề này, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết BRC đã cung cấp các bộ phận cơ thể với các thông tin gây hiểu nhầm, khiến quân đội Mỹ nghĩ rằng người hiến xác đã đồng ý để thi thể họ được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm. Quân đội Mỹ cũng đã dừng việc thử nghiệm sau khi nhận được thông tin về cuộc đột kích tại BRC. 

Mánh “đánh lận con đen”

Trước khi các công ty môi giới tiếp nhận thi thể, họ thường cho người hiến xác hoặc người thân của họ xem văn bản đồng thuận hiến xác. Văn bản này trao cho công ty môi giới quyền phân tách thi thể người chết rồi bán hoặc cho thuê các bộ phận cơ thể để phục vụ cho các cơ sở giáo dục và các nhà nghiên cứu y khoa.

Vấn đề ở đây là những thỏa thuận như vậy thường được viết bằng ngôn ngữ kỹ thuật khiến nhiều người hiến xác và người thân của họ nói rằng không thể hiểu được. Ví dụ, trong các quảng cáo hay các văn bản đồng thuận hiến xác, các bên môi giới thường nói về việc lấy mô từ những người hiến xác. 

Với cộng đồng y khoa, “mô” đồng nghĩa với việc bất cứ bộ phận nào của cơ thể, từ nội tạng tới thân người. Tuy nhiên, người thân của một số người hiến xác cho biết họ nghĩ rằng mô chỉ là mẫu da. 

Bà Maureen Krueger kể lại rằng người bạn đời 42 năm của bà Fidel Silva trong những ngày cuối đời đã nói với nhân viên của nhà tế bần rằng ông muốn được hỏa táng. “Nghe thấy vậy, nhân viên đó đã hỏi ông ấy rằng ông ấy có muốn hiến mô hay không”, bà  Krueger nhớ lại. 

Ông Silva, khi đó là một công nhân xây dựng 69 tuổi, đã hỏi đi hỏi lại nhân viên của nhà tế bần. Khi người này khẳng định rằng BRC sẽ chỉ lấy các mô cơ thể chứ không lấy đi nội tạng hay các bộ phận cơ thể, ông Silva đã đồng ý. Bà Krueger cũng nghĩ rằng nếu ông Silva đồng ý, người ta sẽ chỉ lấy đi một số mẫu da của ông để nghiên cứu. 

Đổi lại, BRC sẽ hỏa táng ông Silva miễn phí. Trên thực tế, các tài liệu nội bộ của BRC cho thấy công ty đã lấy đi phần đầu, tay phải và tay trái của ông. Mỗi bộ phận đều được gắn mác có mã số để theo dõi và được rao bán. “Tôi thực sự không nghĩ được rằng họ lại làm như vậy. Tôi đã không hiểu được chuyện gì có thể sẽ xảy ra với ông ấy”, bà Krueger nói.

Bà quả phụ của 2 trong số những người từng hiến xác cho BRC cho biết họ rất ngạc nhiên khi biết rằng BRC thu lợi từ chính thân thể người thân của họ. “Họ trục lợi trên những người không có tiền, nghèo đói và không có bảo hiểm như chúng tôi”, bà Patrick nói. 

Người thân của một số người khác thì cho hay các nhân viên của BRC khiến họ tin rằng việc hiến thi thể được luật pháp liên bang và tiểu bang quản lý chặt chẽ và việc bán các bộ phận cơ thể là bất hợp pháp nên thi thể của người thân của họ sẽ không thể bị mang ra mua bán. Họ không biết rằng thực chất việc buôn bán như vậy vẫn chưa có pháp luật để điều chỉnh.

Thêm 3 năm ròng

Theo các cựu điệp Parker và Loftus, vấn đề hậu cần bắt đầu ngay vào ngày họ phát hiện các bộ phận cơ thể người trong tòa nhà của BRC. “Chúng tôi dự đoán sẽ tìm được 2 tủ đông và số bộ phận nặng khoảng vài trăm cân. Nhưng thực tế, chúng tôi tìm thấy đến 40 tủ đông với 10 tấn thi thể và các bộ phận cơ thể”, ông Loftus kể. 

Sau khi lấy sinh thiết từ các bộ phận phát hiện được, các điệp viên của Mỹ đã để 1.755 bộ phận vào 142 chiếc túi. Những chiếc túi sau đó được đưa tới 10 nhà tang lễ ở địa phương để hỏa táng. Song, BRC phản đối việc này với lý do các bộ phận đó có giá trị lên đến hơn 1 triệu USD. Vì vậy kế hoạch hỏa táng đã phải dừng lại. 

Lúc này, giới chức Mỹ đối mặt thêm một vấn đề nữa. Theo các cựu điều tra viên Loftus và Parker, các nhà tang lễ có thể giữ lạnh thi thể nhưng không thể để đóng đông các bộ phận thi thể. Các nhà xác bắt đầu phàn nàn về việc một số bộ phận bắt đầu rã đông. Lúc này, giới chức Mỹ phải lấy 3 tủ đông công nghiệp và lắp đặt ở một căn cứ quân sự ở Arizona để chuyển các túi chứa thi thể tới. 

Mãi đến tháng 2/2017, các bộ phận thi thể mới được hỏa táng và đưa về cho gia đình họ. Sau vụ việc này, Thống đốc Arizona đã ký ban hành luật yêu cầu các công ty môi giới thi thể như BRC phải xin phép hoạt động và cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra các công ty như vậy. Luật cũng yêu cầu các công ty môi giới phải tuân thủ các quy định tiêu chuẩn hoạt động và thuê bác sỹ y khoa giám sát quá trình hoạt động của họ./.

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.