“Nàng tiên cá” Rusalka hoang tàn sau nhiều năm bị “treo”. |
Từ ý định thâu tóm đến kế hoạch “bán chác”
Ngày 15/9/2008, Tổng giám đốc BMC Nguyễn Văn Ngọc đã ký thỏa thuận nguyên tắc với một doanh nghiệp (DN) có trụ sở tại Hà Nội (tạm gọi là Cty B) về việc “hợp tác xin tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch Rusalka Nha Trang”.
Thỏa thuận hợp tác này là động thái để hai bên “hợp sức” thành lập pháp nhân mới, đồng thời có những bàn tính kỹ lưỡng về việc chuyển nhượng cổ phần.
Theo thỏa thuận nói trên, “xét rằng” (từ dùng trong thỏa thuận ký giữa hai bên), từ năm 2003, BMC là nhà thầu xây dựng dự án Rusalka do Cty Đầu tư & Phát triển du lịch Rus – Invest – Tur (RIT) làm chủ đầu tư. Đến năm 2005, ông Chi, Chủ tịch HĐQT RIT bị các cơ quan pháp luật khởi tố và bắt tạm giam, dự án bị ngưng thi công, chờ ý kiến xử lý của cơ quan chức năng, sau đó dự án bị thu hồi giấy phép đầu tư, chấm dứt hoạt động và tài sản đã đầu tư vào dự án bị kê biên. “BMC là một trong những chủ nợ lớn của RIT”, thỏa thuận này, khẳng định.
Hai lãnh đạo BMC và Cty B bày tỏ “lo ngại”, do thời gian chờ xử lý vụ việc ông Chi có thể kéo dài, dự án đã bị thu hồi giấy phép, bị tạm ngưng, tài sản xây dựng để lâu ngày càng xuống cấp trầm trọng, các vấn đề của dự án không thể giải quyết, như là công nợ phải trả…
Đó là các lý do để lãnh đạo hai DN này bắt tay đi đến hỏa thuận hợp tác.
Với thoả thuận nguyên tắc được ký, BMC và Cty B thống nhất “sẽ cùng đứng ra xin phép tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng dự án khu du lịch Rusalka”. Nếu việc xin phép đầu tư thực hiện được chấp thuận, cả hai bên thống nhất “thành lập một pháp nhân mới để triển khai” tiếp tục thực hiện dự án, theo tỷ lệ: Công ty B sở hữu 70% vốn, BMC sở hữu 30% vốn còn lại.
Đặc biệt, trong thỏa thuận được ký kết, lãnh đạo của hai DN cũng nhất trí “sau khi Cty B thu xếp được tài sản để mua, BMC cam kết sẽ chuyển nhượng lại ngay cho Cty B toàn bộ số cổ phần của mình trong pháp nhân này với giá bằng đúng số nợ mà RIT và ông Chi còn nợ BMC”. Điều kiện được đưa ra trong cam kết nói trên, là “Cty B phải ứng trước cho BMC số tiền 15 tỷ đồng”!
Cũng trong ngày 15/9/2008, BMC đã thống nhất với Cty B có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị “tiếp tục đầu tư xây dựng dự án khu du lịch Rusalka”.
Một trong những lý do “xin tiếp tục đầu tư” gửi tỉnh Khánh Hòa, bởi BMC cho rằng, năm 2003, BMC đã ký hợp đồng với RIT với tư cách là nhà thầu chính và “tố” RIT không thực hiện đúng cam kết trong việc thanh toán tiền thi công …
Cũng tại văn bản đề xuất gửi tỉnh Khánh Hòa, “liên doanh” này chỉ đề cập phần nhiều đến các “lợi thế” của của BMC và Cty B, mà hoàn toàn không có chi tiết nào “hé lộ” thỏa thuận giữa BMC với Cty B, như “thành lập pháp nhân mới”, và BMC “cam kết sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho Cty B” …
“Nàng tiên cá” lận đận
Dự án Rusalka tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) được Bộ KH&ĐT cấp phép cuối năm 2000, RIT (do 3 pháp nhân LB Nga sáng lập, ông Chi là đại diện cho cả 3 công ty Nga và đại diện theo pháp luật cho Cty RIT) làm chủ đầu tư với quy mô dự án lên đến 45 ha.
Với quyết tâm đưa khu vực này thành điểm du lịch tầm vóc quốc tế, năm 2003, RIT tiến hành “đào núi, lấp biển” được 9,3 ha và thực hiện thiết kế, xây dựng trên diện tích khoảng 15 ha, bao gồm hơn 9 ha lấn biển.
Đến giữa năm 2005, việc thi công bị đình trệ, bởi ông Chi bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bao gồm cả “làm giả hồ sơ để được cấp phép đầu tư, chiếm đoạt quyền sử dụng đất…”
Năm 2006, cơ quan CSĐT có văn bản số 286 xác định tài sản dự án là “vật chứng của vụ án hình sự” và đề nghị Bộ KH&ĐT thu hồi Giấy phép đầu tư; đề nghị Bộ Tài chính định giá bán đấu giá dự án. Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo dừng việc bán đấu giá dự án, chờ quyết định của Tòa án. Đầu năm 2009, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án Rusalka tuyên bố “tài sản dự án Rusalka không liên quan đến vụ án”. Đến ngày 1/4/2010, TANDTC ra Quyết định Giám đốc thẩm hủy bỏ kê biên đối với tài sản dự án Rusalka.
Trả lời đơn khiếu nại của ông Chi về việc các cơ quan tố tụng kết luận ông làm giả các giấy tờ, tài liệu để được cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka, ngày 13/01/2011, TANDTC có văn bản (số 06) khẳng định các hành vi mà ông Chi bị kết án “không liên quan đến việc xin cấp phép đầu tư vào dự án Rusalka”. Và ngày 22/3/2011, TANDTC có văn bản (số 92) trả lời đơn của ông Chi, trong đó khẳng định các tài sản bị kê biên trong vụ án là của ông Chi và “đã được hủy bỏ biện pháp kê biên”, nên ông Chi “có thể liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để nhận lại tài sản”.
Trước đó, ngày 1/10/2010, chấp thuận đề xuất của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh khánh Hòa giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến tài sản dự án Rusalka theo hướng thành lập công ty mới để triển khai như là dự án mới.
Như Trang