Tài nguyên khoáng sản của thành phố hạn chế, trữ lượng không dồi dào, trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu thường, san lấp, khoáng sản nhiều. Nếu không có sự quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, nguy cơ thiếu hụt tài nguyên khoáng sản, trong đó có vật liệu san lấp, trong vài chục năm tới. Đây là nhận định của Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại tại cuộc làm việc với Sở Tài nguyên-Môi trường về quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản vào ngày 24-9 vừa qua.
Trữ lượng hạn chế
Theo quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2020 của thành phố, số khu vực quy hoạch khai thác vật liệu san lấp không nhiều; trữ lượng khoáng sản làm vật liệu san lấp của thành phố có thể khai thác được khoảng 100 triệu m3/năm. Đất san lấp chỉ có 3 điểm mỏ thuộc địa bàn các xã Minh Tân, Kênh Giang (Thủy Nguyên); cát san lấp có 6 khu vực, đó là: khu vực thượng, hạ lưu phà Khuể (sông Văn Úc); cồn Nam, cồn Mục (cửa sông Văn Úc); phía tây cửa Lạch Huyện; khu vực Đèn Nơm; phía nam bán đảo Đình Vũ thuộc các huyện An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Cát Hải và các quận Hải An, Đồ Sơn. Các mỏ khai thác vật liệu san lấp chủ yếu là mỏ vừa và nhỏ. Một số khu vực dự kiến có trữ lượng lớn nhưng chưa được khảo sát đánh giá một cách đầy đủ. Khu vực huyện Thủy Nguyên 6 điểm mỏ chủ yếu là cát cát san lấp với các mỏ nhỏ và vữa, lớn nhất là đoạn sông Đá Bạc qua xã Gia Minh có trữ lượng 1,67 triệu m3, còn lại chủ yếu là mỏ nhỏ với trữ lượng 200 nghìn m2. Huyện Kiến Thụy có cát Cồn Mục với diện tích 770 ha; huyện Tiên Lãng có cát ở cồn Nam cửa công Văn Úc với diện tích khai thác 1100 ha. Đồ Sơn chủ yếu là cát ven biển với diện tích khai thác 150ha. Quận Hải An có cát san lấp cửa sông Cấm với trữ lượng khoảng hơn 14 triệu m3. Huyện An Lão có 3 khu vực khai thác cát san lấp trên sông Lạch Tray, chủ yếu mỏ vừa trữ lượng gần hơn 6,5 triệu m3.
Hàng trăm triệu khối cát đen đang được phục vụ cho dự án san lấp mặt bằng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Trường Giang |
Nhu cầu sử dụng xấp xỉ trữ lượng khai thác
Đó là thực tế sử dụng nguồn vật liệu san lấp hiện nay của thành phố. Cùng với sự thu hút các dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực cảng biển, các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp,… nhu cầu vật liệu san lấp các công trình trên địa bàn thành phố rất lớn. Để phục vụ việc thi công xây dựng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, thành phố cấp phép để chủ đầu tư dự án Vidifi khai thác đất đá san lấp tại khu vực núi Tiên Hội (An Lão) với diện tích 6,5ha. Ngoài khu vực này, chủ đầu tư còn phải xin phép khai thác tại soi cát tại bãi soi mờ sông Văn Úc qua địa bàn xã Bát Trang (An Lão)… Những dự án, những công trình xây dựng cần sử dụng lượng lớn đất, cát san lấp như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là rất nhiều. Có những dự án nhu cầu sử dụng lớn như dự án cảng Đình Vũ, khu công nghiệp Nam Đình Vũ, sân bay,... Đất, cát san lấp là vật liệu không thể thiếu trong các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, các dự án đô thị, giao thông, du lịch, đắp đê bao,…, Theo quy hoạch, sắp tới trên địa bàn có thêm nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới thành lập, nhiều tuyến đường mới được xây dựng, kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp tăng cao.
Trữ lượng khai thác khoảng 100 triệu m3/năm, nhưng nhu cầu sử dụng đạt xấp xỉ mức này, với tốc độ sử dụng hiện nay, nguồn tài nguyên khoáng sản chỉ có thể sử dụng trong thời gian vài chục năm. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu san lấp còn nhiều lỗ hổng và lãng phí. Thời gian qua, có hàng triệu m3 cát, đất san lấp được đưa vào các công trình xây dựng nhưng không rõ nguồn gốc. Việc các doanh nghiệp sử dụng vật liệu san lấp không rõ nguồn gốc khá phổ biến. Điều đó, vô hình tiếp tay cho tình trạng sử dụng vật liệu san lấp trái phép; đồng thời gây thất thu thuế tài nguyên. Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại nhận xét: Công tác quản lý còn hạn chế, tình trạng khai thác trái phép tồn tại, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, mất an toàn đất nông nghiệp, đê diều, gây xói lở bờ sông. Sử dụng khoáng sản lãng phí, không trách nhiệm, gây thất thu; kiểm tra, giám sát sau cấp phép không chặt chẽ. Để giải quyết tình trạng này cần tăng cường sự quản lý phối hợp giữa các ngành trong quản lý quy hoạch khoáng sản, xây dựng quỹ môi trường; thực hiện tích cực hơn chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên- môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Thiếu vật liệu san lấp phục vụ các dự án; khai thác vật liệu san lấp từ đâu để phục vụ cho nhu cầu san lấp mặt bằng là bài toán khó. Các ngành chức năng cần khẩn trương đưa giải pháp vào thực tiễn.
Nguyên Mai