Kết quả kiểm tra trong thời gian gần đây của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho thấy có khoảng 40 trường hợp trẻ sơ sinh bị gãy rạn xương đòn. Hiện tượng này dẫn đến tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong các bà mẹ về sự chăm sóc bất cẩn của nhân viên y tế. Vậy, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này ?
Theo nghiên cứu của nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Memorial Chang Gung Kaohsiung, rạn gãy xương đòn là chấn thương thường xảy ra đối với các trường hợp thai sản. Các yếu tố nguy cơ dẫn tới hiện tượng rạn gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh như độ tuổi của bà mẹ, khả năng mang thai, tuổi thai, cân nặng của bào thai và một số yếu tố khác.
Chăm sóc trẻ sơ sinh |
Bên cạnh đó là các yếu tố trong quá trình sinh dẫn tới việc rạn gãy xương đòn ở trẻ như vị trí thai nhi, thời gian đẻ, sử dụng các biện pháp mở rộng và các chất gây tê, việc sử dụng các biện pháp phẫu thuật (hút và kẹp forcep), đẻ khó do vai (ngừng đẻ), tư thế đẻ, vết dính dịch ối, biện pháp hồi sức (thở mặt nạ ô-xi và xoa bóp bên ngoài tim)…
Bác sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết: Các trường hợp nghi rạn xương đòn ở trẻ sơ sinh được xác định dựa trên cơ sở các biểu hiện lâm sàng như: sưng, có tiếng kêu rạn xương, vai không cân đối, trẻ hoạt động chậm, khóc khi chuyển động thụ động và giảm phản xạ (như phản xạ giật mình) trong những ngày đầu mới sinh. Những biểu hiện này sẽ giảm nhanh sau ít ngày. Có thể sử dụng phương pháp chụp X-quang để phát hiện rạn gãy xương đòn ở trẻ. |
Kết quả theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho thấy, các trường hợp trẻ sơ sinh bị rạn gãy xương đòn thường gặp ở những sản phụ đẻ thường, thai to (trẻ mới sinh cân nặng từ 4000g trở lên). Theo chẩn đoán ban đầu, có 2 yếu tố nguy cơ chính dẫn tới hiện tượng rạn gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh. Thứ nhất là do quá trình trở dạ của bà mẹ diễn ra quá nhanh, tử cung co bóp mạnh gây ra tình trạng rạn gãy xương đòn ở trẻ. Thứ 2 là do vai trước của trẻ bị ép vào xương mu của sản phụ. Do đó, những trường hợp bị rạn gãy xương vai sau trong khi sinh là do sức ép của xương cùng của sản phụ hoặc do đường vào xương chậu hẹp và nông. Có thể thực hiện phẫu thuật để tránh hiện tượng rạn gãy xương đòn cho trẻ sơ sinh. Song xét về góc độ kinh tế, việc điều trị rạn gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh khá đơn giản, chỉ cần sử dụng nẹp cố định trong thời gian 2 tuần, vết rạn gãy xương đòn sẽ tự liền, không để lại dị tật thần kinh, trong khi thực hiện mổ đẻ khá tốn kém, có thể gây ra hiện tượng mất sữa hoặc nhiễm trùng cho bà mẹ.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ, đồng thời cảm thông, chia sẻ với gia đình các bé, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cử nhân viên y tế đến tận các gia đình hỗ trợ, tắm cho các cháu bé trong 2 tuần đầu đề phòng nguy cơ có thể gây tổn thương ở những vết rạn gãy xương đòn cũ.
Bác sĩ Đỗ Thị Thu Thủy khuyên các bà mẹ đang mang thai cần thường xuyên đi khám để được tư vấn đầy đủ từ các bác sĩ. Khi phát hiện thai to, các bà mẹ nên thực hiện điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh để thai quá lớn dẫn đến hiện tượng rạn gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ không may bị rạn gãy xương đòn, các bà mẹ không nên quá lo lắng, cần phối hợp tốt với bác sĩ theo dõi và chăm sóc bé chu đáo.
Hoàng Dương