Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, ông Nguyễn Văn Thành cho biết, Chiến lược Phát triển năng lượng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2007, với những mục tiêu phấn đầu đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó năng lượng sơ cấp năm 2010 khoảng 47,5 - 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) đến năm 2020 đạt khoảng 110-120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 TOE.
Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, nhìn chung ngành năng lượng đã có những kết quả tích cực theo các định hướng chiến lược đề ra và đạt được một số mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, cũng có một số mục tiêu đã không thực hiện được. Cụ thể: Đến nay, chỉ tiêu về công suất lọc dầu không đạt được. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô, nhưng với những gì diễn ra trên thực tế, đến năm 2020 chỉ đạt 16,5 triệu tấn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia cũng không đạt được. Mục tiêu là 45 ngày tiêu thụ bình quân năm 2010 và 60 ngày năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2015, dự trữ chỉ đạt 62,7 ngày nhu cầu, trong đó dự trữ sản xuất chỉ đạt 21,2 ngày, trong khi dự trữ thương mại 32 ngày và dự trữ quốc gia là 9,5 ngày.
Thêm nữa, việc không hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng: liên kết lưới điện khu vực và liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực, đã dẫn đến chưa đạt được liên kết hệ thống năng lượng khu vực đủ mạnh. Mục tiêu liên kết lưới điện khu vực cấp điện áp đến 500 kV từ năm 2010 đến năm 2015 nhưng thực tế, mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Campuchia chủ yếu thực hiện qua đường dây 220 kV. Trong khi đó, chỉ tiêu liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực cũng chưa thực hiện được trong giai đoạn 2015-2020.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thừa nhận, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
“Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng cũng là những áp lực không nhỏ…”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định.
Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, mặc dù các nguồn Năng lượng, trong đó có điện, từ nay đến năm 2020 không đáng lo ngại, nhưng giai đoạn sau năm 2020, với hàng loạt công trình, dự án đang chậm tiến độ cho thấy nguy cơ thiếu điện khá rõ ràng đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tính toán lại.
Ông Vy cho rằng, nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và mặt trời thì giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện, bởi công nghệ xây dựng các nguồn điện từ gió và mặt trời có tiến độ hoàn thành rất nhanh. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, cần phải có cơ chế để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo. “Điện mặt trời có thể xây dựng rất nhanh nếu có cơ chế đặc biệt và sớm phê duyệt. Ước tính từ lúc lập tự án cho đến khi đưa vào vận hành chỉ trong 1 năm” - ông Vy chỉ rõ.