Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đưa ra cho thấy, sau giai đoạn tăng giá liên tiếp từ đầu năm 2016, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I/2017. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao khi giá cả nhóm các mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn tăng mạnh đã tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại.
Lạm phát khó dưới mức 4%
Theo VEPR, giá năng lượng tiếp tục phục hồi cũng tạo áp lực trong việc điều chỉnh giá nhóm hàng này do Nhà nước quản lý. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tiếp tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 3 đưa mức giá của nhóm hàng này tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng CPI.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho hay: Kể từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, đã có 63 tỉnh/thành thực hiện xong bước 1 (điều chỉnh giá bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cáp đặc thù) và 36/63 tỉnh/thành thực hiện xong bước 2 (điều chỉnh giá bao gồm chi phí tiền lương). Các đợt điều chỉnh còn lại sẽ phải thực hiện trong năm nay.
Theo VEPR, dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I/2017, cơ quan này vẫn cho rằng áp lực lên lạm phát trông nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra.
“Lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra. Do vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo”- TS. Thành cảnh báo.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc xem xét điều chỉnh giá điện và hoàn thành tăng phí dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành còn lại đang đẩy nguy cơ lạm phát năm nay vượt ngưỡng 4% mà Quốc hội đề ra.
Đã kìm hãm giá điện 2 năm nay
Tại buổi công bố báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam quý I/2017 của VEPR vừa qua, cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định trong giá dịch vụ, cái khó nhất ở Việt Nam hiện nay chính là giá điện, bởi nó còn là vấn đề xã hội. Ông Tuyển nói, chúng ta đã kìm hãm giá điện 2 năm nay. Nếu không điều chỉnh giá điện, rất khó để các nhà đầu tư vào làm điện và ảnh hưởng đến cân đối nguồn điện.
“Nếu không tăng giá điện năm nay mà để lùi sang năm sau thì lạm phát sẽ còn cao hơn. Để đảm bảo hài hoà giữa yếu tố tăng giá điện và lạm phát năm nay, Chính phủ nên hoãn lại lộ trình tăng giá dịch vụ công như dịch vụ y tế”- ông Tuyển nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của ông Tuyển, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ cũng nhận định: Với tình hình hiện tại, dù các phương án giá chưa được đề cập nhưng giá điện sẽ phải điều chỉnh trong năm nay. Do vậy, việc trì hoãn, kéo dài lộ trình tăng giá dịch vụ y tế để giảm tác động tới lạm phát là hợp lý.
Theo TS. Võ Trí Thành, những khó khăn nội tại về nguồn điện của Việt Nam cũng là lý do cần phải điều chỉnh giá điện. Bởi theo ông, từ nay tới năm 2020, Việt Nam chưa có cửa nào để thay thế điện từ nguồn khai khoáng truyền thống. Điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện tái tạo có thể nhúc nhích phát triển hơn nhưng tỷ lệ đóng góp rất thấp. Dự án điện hạt nhân đã tạm dừng. Vì vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đời sống thì Việt Nam vẫn phải dựa vào nhiệt điện. Nhưng khi dựa vào nhiệt điện thì sức ép phải tăng giá, bù đắp chi phí là rất lớn, vì thế chuyên gia này khuyến cáo khi tăng giá điện, Chính phủ vẫn cần có phương án trợ giá cho các hộ có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR hiện vẫn còn 27 tỉnh, thành chưa hoàn thành việc tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Nếu vì lý do tăng giá điện, trì hoãn giá dịch vụ công sẽ làm khó cho các địa phương và gây ra sự không nhất quán, không ổn định trong chính sách. "Giá dịch vụ công vẫn cần tăng theo lộ trình. Các nhà điều hành chính sách hoàn toàn có thể tính toán lạm phát sẽ bị đẩy lên bao nhiêu và sau đó, mới cân nhắc việc tăng giá điện ra sao cho phù hợp với mục tiêu lạm phát đề ra"- Viện trưởng Thành nêu quan điểm.