Cùng với các di tích như nhà cổ, đình, chùa, cầu, lăng, miếu, mộ… giếng cổ được xem là một phần không thể thiếu góp phần tô điểm nét văn hóa cổ xưa cho Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhưng…
Một trong những chiếc giếng hiếm hoi còn lại ở Hội An |
Theo thống kê của Trung tâm Quản lí Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Hội An, trên địa bàn thành phố hiện có 80 giếng cổ phân bố tập trung chủ yếu ở bờ Bắc sông Đế Võng (thuộc 2 phường Cẩm Thanh và Thanh Hà), trong khu phố cổ và một số phân bố rải rác ở những nơi khác.
Tương truyền, những giếng cổ này được người Chăm xây dựng vào thế kỉ thứ XV và một số giếng do chính người Việt sau này học hỏi từ người Chăm xây nên với ba hình dáng cơ bản: hình tròn (chiếm 63%), hình vuông (17%), trên tròn dưới vuông (15%); số ít còn lại được thiết kế xây dựng với hình thù rất kì lạ.
Mặc dù được thiết kế bởi nhiều hình dáng khác nhau nhưng tất cả các giếng này đều có một đặc điểm chung đó là dưới thành gạch đều được cáng một khung gỗ bằng lim, chính nhờ vậy giúp những giếng cổ nơi đây có “sức sống” bền bỉ và không bị chôn vùi theo thời gian. Nguồn nước trong veo, mát ngọt tự nhiên, quanh năm không bao giờ suy cạn.
Giếng ở Hội An đang có nguy cơ thành phế tích |
Điều thú vị đằng sau những giếng cổ này chính là những món ăn đặc sản của phố cổ nói riêng và Quảng Nam nói chung đều lấy nguồn nước ở những giếng này để chế biến. Riêng đối với món Cao Lầu –đặc sản nổi tiếng ở Hội An - thì chỉ nguồn nước này mới có thể chế biến nên món Cao Lầu với vị ngọt mát lành của nước lèo mà không một nguồn nước nào có thể thay thế.
“Nếu dùng nước giếng máy để chế biến thì vị của món Cao Lầu khi ăn sẽ rất dễ nhận ra bởi nước lèo không đậm đà và dĩ nhiên không thể ngon ngọt như dùng nước từ giếng cổ” - bà Lê Thị Thanh, một người có thâm niên hơn 20 năm bán Cao Lầu ở phố cổ, chia sẻ.
Nhưng gần đây, loại hình di tích này đang trở thành phế tích. Nhiều giếng đang xuống cấp nghiêm trọng do thời gian và sự phá hoại của con người. Những giếng cổ nằm ngay giữa lòng phố cổ, nơi khách du lịch thường xuyên qua lại cũng không được chăm sóc kĩ lưỡng, nhiều giếng cây cỏ mọc um tùm trông rất nhếch nhác, một số giếng bị che đậy bịt kín và không ít trở thành nơi chứa rác của các hộ dân. Nếu xưa kia, tất cả các giếng cổ đều có thể lấy nước phục vụ cho việc sinh hoạt thì nay chỉ còn vài ba giếng nước có thể sử dụng được.
“Tôi làm nghề gánh nước thuê ở những giếng này đã hơn mười năm nay và sống nhờ vào nghề gánh nước thuê. Hồi trước còn gánh ở nhiều giếng chứ bây giờ nếu tính ra giếng có thể lấy nước đem bán được chỉ có giếng cổ Bá Lễ vì những giếng kia nguồn nước đang bị ô nhiễm và giếng cũng bị hư hỏng nặng”- anh Trần Trung Dẵng, một người dân làm nghề chở nước giếng thuê cho các nhà hàng, khách sạn hơn 10 năm qua, ngậm ngùi nói.
Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết: “Vừa qua TTBTDT Hội An cũng đã đưa danh sách thống kê số lượng giếng cổ trên địa bàn thành phố và đưa ra kiến nghị về việc khẩn cấp tu bổ, bảo vệ loại hình di sản này. Và chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch xúc tiến để sớm có những biện pháp bảo tồn di tích có niên đại hàng trăm năm qua.” \
Thanh Ba