Lâu nay, Việt Nam thực hiện cải cách nhiều chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, phát triển kinh tế đất nước. Trong số ấy, không ít dự án được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký lên tới cả chục tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư, sau khi được giao đất, họ chỉ có vốn mồi tượng trưng, nhiều dự án có nguy cơ đổ bể. Một dự án FDI tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, có tổng vốn đầu tư tới 16 tỷ USD, được hoan hỉ chào đón. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã dốc lực giải phóng hàng ngàn hộ dân, nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, dự án đang có nguy cơ đổ vỡ, khi mà chủ đầu tư vừa có văn bản gửi các cơ quan Chính phủ, đưa hàng loạt yêu sách, trong đó có đề nghị được vay vốn ngân hàng trong nước... Nếu không được đáp ứng, dự án đổ bể.Bánh vẽ? Chủ đầu tư dự án trên là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan). Theo giấy chứng nhận đầu tư do Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp ngày 12-6-2008, dự án có tên gọi Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Dự án có quy mô chiếm đất nhiều ngàn héc-ta. Theo nội dung dự án, chủ đầu tư sẽ xây dựng cảng nước sâu quốc tế Sơn Dương và nhà máy luyện thép quy mô 15 triệu tấn/năm. Tổng quy mô đầu tư là 16 tỷ USD. Theo thuyết minh của chủ đầu tư, khi đi vào hoạt động, dự án giải quyết việc làm trực tiếp cho 10.000 người. Đồng thời sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động các ngành sản xuất liên quan trong thời gian hoạt động của dự án là 70 năm, có thể tăng thêm các khoản thu cho Chính phủ Việt Nam từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, tổng cộng lên đến trên 30 tỷ USD.
Xe chở đất nối đuôi nhau vào khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh) . Ảnh: Phong Cầm |
Chủ đầu tư cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ tham dự lễ động thổ ngày 6-7-2008, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến nay chủ đầu tư đã được giao 1.396 ha đất liền, 1.293 ha mặt biển. Hiện nay, phía chủ đầu tư của Đài Loan đã tập trung 300 kỹ sư để tiến hành các công tác như thiết kế cảng, bố trí tổng sơ đồ nhà máy gang thép, mua thiết bị, quy hoạch xây dựng công trình, đang triển khai tích cực các mặt. Dự tính sau khi giao đất, chủ đầu tư sẽ hút cát san nền, xây dựng cảng và nhà máy gang thép.Những yêu sách bất ngờ Một đại dự án đầu tư vào một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh, được chào đón là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi dự án còn trong giai đoạn khởi đầu thì chủ đầu tư là Cty TNHH Gang thép Formosa Hà Tĩnh có văn bản gửi các cơ quan: Công Thương, Kế hoạch&Đầu tư, Tài chính; Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị “giúp đỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư dự án”, nhưng nội dung của những kiến nghị đó như những yêu sách. Vì theo chủ đầu tư, nếu không được đáp ứng“dự án không thể thực hiện được”. Theo chủ đầu tư, dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh” tuy do doanh nghiệp tư nhân thực hiện nhưng lại là dự án kinh tế trọng điểm quốc gia. Đầu tiên, chủ đầu tư kiến nghị cho phép dự án đầu tư không phải áp dụng quy định “Hạn mức tín dụng ngân hàng nước ngoài từ 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng mẹ tại nước ngoài thành 15% vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam”.
Khu công nghiệp Vũng Áng . (Ảnh: Phong Cầm) |
Nếu chủ đầu tư FDI không có thực lực, chỉ đi lấy dự án rồi sau đó huy động vốn trong nước thì tính rủi ro rất cao. Đó là chưa kể đến việc chủ đầu tư chiếm dụng tài sản quốc gia như đất đai, người nông dân bị ảnh hưởng, vấn đề lao động… TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
|
Bởi theo chủ đầu tư, giai đoạn 1 dự án cần 8,9 tỷ USD, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chỉ 2,7 tỷ USD. Còn lại 6,2 tỷ USD, chủ đầu tư sẽ phải vay của các ngân hàng trong và ngoài nước. Tính bình quân, mỗi năm (3 năm thực hiện giai đoạn 1), chủ đầu tư phải vay hơn 2 tỷ USD. Sở dĩ chủ đầu tư đề nghị thay đổi hạn mức tín dụng, vì nếu không họ sẽ không thể vay được những khoản lớn cả tỷ USD của ngân hàng (vì vốn chủ sở hữu của ngân hàng có hạn). “Nếu dự án này không thể được miễn áp dụng hạn mức nêu trên sẽ dẫn đến việc huy động vốn gặp khó khăn, khiến dự án không thể thực hiện được”, chủ đầu tư khẳng định. Cần lưu ý, đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu vốn như trên, nếu được cơ quan chức năng của Việt Nam chấp nhận, sẽ dẫn đến dự án ngoại dùng vốn nội. Như vậy, mục đích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của dự án đổ bể. Ngoài ra, trong bản kiến nghị trên, nhà đầu tư Đài Loan này còn đề nghị được xét hàng loạt ưu đãi khác. Lấy lý do đây là dự án trọng điểm quốc gia, Formosa đề nghị “cho phép dự án được miễn 10% thuế nhà thầu đối với các khoản lãi vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài”; Sau 3 năm dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động, phải nhập khẩu quặng sắt, than luyện kim và các loại nguyên liệu khác từ nước ngoài, nên khoản ngoại tệ phải chi trả hằng năm khoảng 2,86 tỷ USD. Ngoài khoản ngoại tệ doanh nghiệp tự có, lượng ngoại tệ thiếu dự tính mỗi năm từ 1 đến 1,5 tỷ USD. Doanh nghiệp đề nghị cung cấp cho dự án lượng ngoại tệ có được từ việc thay thế nguyên liệu nhập khẩu, cung cấp cho dự án sử dụng; Cho phép được miễn thuế nhập khẩu các loại nguyên vật liệu, vật tư tiêu hao phục vụ dự án trong toàn bộ quá trình kinh doanh...
TS Trần Đình Thiên: Trái chủ trương thu hút vốn FDI
Hiện nay, có hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức vốn mồi. Sau khi có được thủ tục để làm dự án, họ tiến hành vay vốn trong nước. Chuyện kinh doanh vay vốn là bình thường nhưng đi đầu tư trực tiếp vào nước người ta mà lại vay vốn từ trong chính nước đó để làm thì đây là chuyện hơi ngược, trái với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp. Doanh nghiệp này thế chấp thế nào để vay được khoản tiền đó thì là việc của ngân hàng, họ sẽ phải tự tìm hiểu. Nhưng về mặt nguyên tắc, là doanh nghiệp FDI thì phải mang vốn vào và họ vay vốn ở đâu chúng ta không cần biết, nhưng không phải vốn ở Việt Nam. Nếu tôi lấy vốn có sẵn ở Việt Nam thì cần gì phải đi thu hút vốn nước ngoài. Trong cách làm của ta phải tính kỹ nếu không doanh nghiệp trong nước đang cần vốn lại không có. Đây là điều cần hết sức lưu ý. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Những đề xuất chưa từng có
Đây là lần đầu tiên có trường hợp doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để thực hiện dự án thép phải kêu gọi vay vốn từ trong nước. Ở đây có khả năng là năng lực thực sự của nhà đầu tư chỉ có thế thôi. Trong ngành thép từ trước đến nay, chưa có đơn vị nào đề nghị được hỗ trợ vốn vay nhiều như vậy cả. Đăng ký vốn đầu tư nhiều như vậy nhưng họ chưa làm được nhiều mà đã phải vay vốn từ trong nước là không ổn. Việc Formosa đề xuất được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu suốt đời dự án cũng là đề xuất chưa từng có. Doanh nghiệp có thể cứ đề nghị còn giải quyết hay không là do các bộ ngành và Chính phủ. Nếu Chính phủ giải quyết cho trường hợp này thì sẽ đụng đến một loạt các dự án khác. Họ cũng sẽ đòi như vậy. Nếu nhìn vào cả đời dự án thì số tiền miễn thuế sẽ là rất lớn. Phạm Tuyên
|
Theo Tiền Phong